Hệ lụy biến chứng viêm tinh hoàn do mắc quai bị ở trẻ nguy hiểm ra sao?
Chuẩn bị kết hôn, anh N.V.H (26 tuổi, Quảng Ninh) đi kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân và vô cùng ngỡ ngàng khi được bác sĩ phát hiện "không có tinh trùng hoặc tinh trùng yếu" nguyên nhân do biến chứng viêm tinh hoàn do mắc quai bị từ nhỏ.
Theo BS. Thân Ngọc Tuấn, chuyên Nam khoa, BV ĐK Medlatec, phát hiện ra tinh hoàn 2 bên của bệnh nhân H. nhỏ hơn so với độ tuổi nam giới trưởng thành. Đồng thời, gốc dương vật có 3 nốt dạng nhú. Sau đó, anh H., được tư vấn làm tinh dịch đồ và làm thêm xét nghiệm HPV để kiểm tra bệnh lây truyền do virus HPV gây ra.
Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân không có tinh trùng trong mẫu tinh dịch, kèm hội chứng suy sinh dục tiên phát.
Với kết quả chẩn đoán bệnh nhân không có tinh trùng, qua điều tra bệnh sử, biết được gia đình đều khỏe mạnh và không có ai điều trị vô sinh. Tuy nhiên, hồi bé anh H., đã từng mắc quai bị và có biến chứng viêm tinh hoàn, nhưng gia đình không đi khám kiểm tra lại sau đó và nghĩ không ảnh hưởng gì.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng vô sinh của bệnh nhân, bác sĩ nghĩ nhiều đến do biến chứng của quai bị gây giảm kích thước tinh hoàn, gây xơ hóa các ống sinh tinh dẫn tới hormone FSH và LH tăng cao, ngược lại testosteron giảm rất thấp. Đây là trường hợp vô sinh nam - suy sinh dục tiên phát.
"Đây không phải là trường hợp đầu tiên mà bệnh viện gặp, rất nhiều bạn trẻ đến khác đã phát hiện ra không có tinh trùng hoặc tinh trùng yếu mà nguyên nhân lại từ việc bị mắc quai bị từ bé. Điều này ảnh hường rất nhiều đến cuộc sống hôn nhân sau này, đặc biệt là việc sinh con", BS. Tuấn cho biết.
Để điều trị vô sinh cho bệnh nhân, BS. Tuấn đưa hướng điều trị tiếp theo cho bệnh nhân là nên dùng liệu pháp hormone thay thế bổ sung Testosteron để tránh hiện tượng suy giảm hormone nam gây ảnh hưởng tới sự phát triển các cơ quan khác cơ thể.
Đồng thời anh H., được tư vấn thực hiện tìm tinh trùng bằng phương pháp vi phẫu tinh hoàn (MicroTese). Tuy nhiên, khả năng thành công phẫu thuật vi phẫu của anh không cao do gần như các ống sinh tinh đã bị xơ hóa từ lâu.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, ở trẻ trai mắc bệnh quai bị khi đang độ tuổi dậy thì có khoảng 20% trẻ bị viêm tinh hoàn và có đến 0.5% trường hợp có nguy cơ teo tinh hoàn dẫn đến vô sinh sau này.
Viêm tinh hoàn do virus quai bị thường gặp nhất ở lứa tuổi dậy thì và trưởng thành (thanh thiếu niên). Triệu chứng này thường xuất hiện sau khi viêm tuyến nước bọt từ 5 - 7 ngày.
Điểm nổi bật của viêm tinh hoàn ở trẻ trai là thường chỉ xảy ra một bên, tỷ lệ viêm tinh hoàn cả 2 bên ít gặp. Khi bị viêm tinh hoàn, trẻ xuất hiện sốt trở lại, thân nhiệt đôi khi còn tăng hơn cả lúc ban đầu sốt do viêm tuyến nước bọt.
Tinh hoàn bị sưng to, đau, khi sờ vào thấy tinh hoàn có mật độ chắc. Nhìn vào thấy da bìu phù nề rõ rệt, da căng, bóng, đỏ. Ngoài ra có thể xuất hiện thêm viêm thừng tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, thậm chí cả tràn dịch màng tinh hoàn ở những trường hợp bệnh nặng.
Viêm tinh hoàn thường kéo dài 3-5 ngày là hết sốt, sau 3-4 tuần sau mới hết sưng và hết đau hẳn, độ sưng nề và giảm đau giảm dần.
Viêm tinh hoàn do quai bị ở bé trai có thể gây teo tinh hoàn, biến chứng này phải theo dõi trong một thời gian dài khoảng vài tháng mới biết được chắc chắn. Mặc dù tỷ lệ teo tinh hoàn do virus quai bị khá thấp, chỉ 0,5% trường hợp song nếu bị sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh sản sau này của trẻ.
Nếu teo tinh hoàn một bên thì tinh hoàn còn lại vẫn hoạt động bình thường, nhưng nếu teo cả 2 bên sẽ hoạt động tình dục và sinh sản (vô sinh) bị ảnh hưởng lớn.
Để khắc phục tình trạng viêm tinh hoàn ở bé trai mắc quai bị và ngừa biến chứng, cha mẹ cần cho trẻ đi thăm khám theo chỉ dẫn của bác sĩ, cho trẻ mặc quần lót chặt để treo tinh hoàn, và dùng thuốc chỉ định giảm đau như Paracetamol...
Anh Vũ
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Blog chuyên gia - 14/11/2023
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Blog chuyên gia - 27/09/2021
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Blog chuyên gia - 25/09/2021
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Blog chuyên gia - 23/09/2021
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?
Blog chuyên gia - 22/09/2021
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?