Tôi đã tiêm phòng Covid-19 như thế nào?

Dù mệt rã rời sau tiêm phòng Covid-19 nhưng chúng tôi đều cảm thấy thoải mái, tự tin hơn rất nhiều.
Tiêm vaccine đang là biện pháp hữu hiệu nhất phòng, chống Covid-19
Tiêm vaccine đang là biện pháp hữu hiệu nhất phòng, chống Covid-19

Thuộc diện đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 do công việc tiếp xúc đối ngoại nhiều, mặc dù đã đăng ký trước 1 tháng nhưng vợ chồng tôi vẫn thấp thỏm lo lắng về tác dụng phụ của AstraZeneca. Nhất là gần ngày tiêm xảy ra trường hợp tử vong do sốc phản vệ của một nhân viên y tế tỉnh An Giang.

Lo lắng nên tôi thường xuyên hỏi kinh nghiệm của bạn bè ở nước ngoài nhưng lần nào hỏi cũng bị “mắng”. Họ nói bên này mong còn chưa đến lượt, được tiêm còn sợ nỗi gì. Người bạn thân nhất ở Đức thì bảo “bất kể loại thuốc gì đã được cấp phép, tiêm sớm được đều tốt và đừng quên thông báo bệnh nền cho bác sỹ”.

Đến ngày, Ban Tổ chức sắp xếp vợ chồng tôi tiêm cùng đợt nhưng cách nhau một hôm, với giải thích nhỡ có chuyện gì thì còn chăm được nhau.

Vốn cơ địa dị ứng, học tập kinh nghiệm của bác sỹ Nguyễn Thanh Liêm, trước khi tiêm, chồng tôi uống 1 viên chống dị ứng Aerius, 24h sau uống viên thứ hai. Chồng tôi tiêm lúc 3 giờ chiều, tiêm xong tự lái xe về, ăn uống, nói cười rộn ràng.

23h đêm, bỗng nhiên chồng tôi kêu lạnh. Cơn sốt rét kéo đến rất nhanh, giữa mùa hè tôi phải lục kho lấy chăn bông, tất đi cho anh mà chồng tôi vẫn rét run.

Rét khoảng nửa giờ thì bắt đầu sốt nóng, chân đi không vững, tôi phải dìu đi vệ sinh. Cứ thế chồng tôi lúc sốt lúc tỉnh, hai ngày mới dứt hẳn, đến ngày thứ ba thì hồi phục hoàn toàn, như chưa hề ốm.

Chăm chồng một ngày sốt nên hôm sau đi tiêm tôi run lắm, gọi điện cho bà ngoại dặn nếu tối nay con sốt thì mẹ đến chăm giúp các cháu.

Y, bác sỹ tại Bệnh viện Bạch Mai tầm soát trước khi tiêm rất kỹ. Ngoài việc khai báo y tế online về tình trạng sức khỏe, trước khi tiêm mọi người được kiểm tra nhiệt độ, đo huyết áp, hỏi về thể trạng, bệnh nền…

Huyết áp cao hoặc đang sốt… đều không đủ tiêu chuẩn tiêm phòng.

Người xếp hàng trước tôi khai ốm từ tháng 3 cũng không được tiêm.

Riêng tôi lo lắng quá nên nhịp tim tăng vọt và nhiệt độ cũng lên đến 37,5 độ. Bác sỹ cho tôi nghỉ 15 phút rồi đo lại. Tất cả người tiêm đều được yêu cầu ở lại bệnh viện khoảng 1 giờ để theo dõi. Thực ra, tôi không lo lắm về tác dụng phụ của thuốc, điều đáng ngại nhất là sốc phản vệ.

Sau tiêm 1 giờ, chỗ cánh tay nơi tiêm của tôi hơi tê, ngoài ra không có bất cứ phản ứng gì, thật sự thở phào.

Đêm đầu tiên tôi ngủ mê mệt, không sốt, chỉ thấy khoang họng nóng ran như bị viêm, toàn thân xương khớp đau nhức, như có kim châm.

Sáng hôm sau tỉnh dậy tỉnh táo, tôi đã mừng mừng. Ai dè sau bữa sáng, cơn sốt kéo đến. Tôi sốt 39 độ đúng một ngày đêm thì dứt nhưng mệt đến tận giờ, sau 5 ngày tiêm vẫn thấy người lâng lâng. Hỏi những người tiêm cùng đợt, một số người nói chỉ mệt mỏi, đau cơ trong ngày đầu tiên.

Từ những triệu chứng sau khi tiêm phòng của 2 vợ chồng, tôi thấy có đặc điểm khá lạ. Cảm giác như khi Covid-19 thâm nhập cơ thể, sẽ đánh vào chỗ yếu nhất của bạn, tức là thường ngày cơ thể bạn hay đau chỗ nào, khi tiêm những bệnh đó sẽ tái phát đầu tiên. Chồng tôi đau dây thần kinh liên sườn, còn tôi thì đau nửa đầu, đau các khớp. Tôi vẫn thường bị như vậy khi trở trời nhưng sau tiêm cơn đau mạnh hơn rất nhiều, có lúc đầu như muốn vỡ tung ra.

Mới có tác dụng phụ của thuốc mà đã như vậy thì có thể hiểu nhiễm Covid-19 sẽ nặng gấp bao nhiêu lần.

Dù cả hai mệt rã rời nhưng chúng tôi đều cảm thấy thoải mái, tự tin hơn rất nhiều sau tiêm phòng. Giống như mua bảo hiểm, tiêm phòng cần làm càng sớm càng tốt, đợi đến lúc nhiễm bệnh rồi hối không kịp.

Việt Nam đang có tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 rất thấp. Mới có khoảng 1,01 triệu người được tiêm, trong đó chỉ có gần 29 nghìn người đã tiêm đủ 2 mũi.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại, cần triển khai tiêm phòng nhanh hơn mới giữ được thành quả chống dịch.

Vaccine là vũ khí duy nhất để chống lại đại dịch này, bởi Việt Nam không thể cứ mãi truy vết, phong tỏa, giãn cách hay đóng cửa thông thương. Cả sức người, sức của sẽ kiệt quệ nếu cuộc chiến kéo dài.

Rất mừng là Thủ tướng vừa ban hành Nghị quyết về mua vaccine, coi việc mua vaccine là đặc biệt, cấp bách, phải thực hiện ngay.

Báo chí đưa tin Việt Nam cần khoảng 25 nghìn tỷ đồng để mua vaccine đủ cho cộng đồng. Với ngân sách có hạn, thiết nghĩ, Chính phủ cần có cơ chế huy động nguồn lực xã hội, để doanh nghiệp, người dân cùng chung tay thực hiện mục tiêu tiêm phòng Covid-19 càng nhanh càng tốt.

Với những người có nhu cầu và sẵn sàng chi trả, hãy để họ trả tiền cho liều vaccine của mình, chia sẻ gánh nặng với đất nước và dành ngân sách hỗ trợ cho các lực lượng chống dịch tuyến đầu hay những người nghèo.

Đỗ Cẩm Thơ

 

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em

Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em

Blog chuyên gia - 14/11/2023

Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em

Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?

Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?

Blog chuyên gia - 27/09/2021

Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?

Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?

Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?

Blog chuyên gia - 25/09/2021

Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?

Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?

Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?

Blog chuyên gia - 23/09/2021

Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?

Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?

Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?

Blog chuyên gia - 22/09/2021

Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới