Giữa những con phố của Hà Nội, có một chuyến xe vô cùng đặc biệt, người tài xế trên chuyến xe này chuyên chở những nỗi lòng, sự mong ước, niềm tin, đôi khi cũng là những giọt nước mắt chia xa. Dù ngày mưa hay ngày nắng, chuyến xe cứu thương của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội vẫn nháy đèn, phi nhanh tới nơi những người dân đang mong đợi.
Làm nghề lái xe hơn 40 năm, ông Vũ Huy Thành (62 tuổi) đã có gần 30 năm lái xe cứu thương tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội. Ông Thành cho biết, ông có cảm giác như nghề chọn mình, càng làm lại càng có cảm giác gắn bó với công việc cứu thương. (Ảnh: Minh Duy)
Ông Thành làm việc theo ca, từ sáng sớm, ông đã có mặt tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội. Đợi hiệu lệnh từ trạm điều hành báo có ca bệnh cần cấp cứu, ông Thành sẽ nhanh chóng mặc đồ bảo hộ, đưa ê-kíp trực đến nơi có bệnh nhân đang chờ. (Ảnh: Minh Duy)
Sau khi ê-kíp sẵn sàng, công việc của ông là chọn những con đường ngắn nhất, đẹp nhất để đến được nơi có bệnh nhân đang chờ. Ông Thành chia sẻ: "Chở bệnh nhân thì phải đặt cái tâm của mình lên trên hết. Chỉ cần đi đường dằn, sốc, tình trạng của bệnh nhân có thể chuyển biến xấu. Thế nên, người lái xe cứu thương phải có kỹ năng lái xe tốt để bệnh nhân cảm thấy thoải mái và đạt được trạng thái tốt nhất." (Ảnh: Minh Duy)
Những chuyến xe cấp cứu có tính chất vô cùng đặc thù. Vừa phải nhanh chóng đến được nơi có bệnh nhân, vừa phải đảm bảo an toàn giao thông cho người đi đường và cả ê-kíp. Nhiều lúc, mặc dù mình cần đi gấp để cấp cứu bệnh nhân, có cả đèn và còi, nhưng một số người dân chưa có ý thức không chịu nhường đường. Có nhiều người còn đe doạ cả nhân viên y tế. Những lúc như vậy, người lái xe phải xứ lý vô cùng khéo léo. (Ảnh: Minh Duy)
Không chỉ là nhân lực, các thiết bị y tế cũng cần được bảo quản kỹ càng trên xe cứu thương.(Ảnh: Minh Duy)
Những lúc chờ ê-kíp cấp cứu cho người bị nạn, ông cũng nóng ruột. Ông Thành chia sẻ, nhiều trường hợp không cứu được nạn nhân, ông cũng cảm thấy buồn và chia sẻ với gia đình người bị nạn. (Ảnh: Minh Duy)
Chỉ khi đưa bệnh nhân đến được bệnh viện an toàn, ông Thành và ê-kíp mới có thể yên tâm. “Có những trường hợp không may xảy ra, người nhà bệnh nhân quá khích chửi bới và thậm chí hành hung. Những lúc đó mình cũng phải nhẫn nhịn, cố gắng xử lí tình huống một cách dung hoà nhất”, bác tài Thành chia sẻ. (Ảnh: Minh Duy)
Xe về đến trạm sẽ được khử khuẩn, lau chùi sạch sẽ. (Ảnh: Minh Duy)
Những thiết bị bên trong xe phải được khử khuẩn, bảo đảm an toàn cho ê-kíp, bệnh nhân và người nhà cho những chuyến cấp cứu tiếp theo. (Ảnh: Minh Duy)
Là người làm ngành y, ý thức được tầm quan trọng của bữa ăn đúng giờ, thế nhưng có những lúc ông Thành và các y bác sĩ ở Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội phải ăn trưa lúc 5 giờ chiều, bữa cơm tối lúc 12 giờ đêm khi có nhiều ca cấp cứu liên tiếp, đặc biệt là những thời điểm đỉnh dịch. (Ảnh: Minh Duy)
Những ngày cuối tháng 2, khi những người làm ngành y vui vầy trong Ngày Thầy thuốc Việt Nam, thì vẫn còn đó những người lặng lẽ mang sứ mệnh cứu người. Không áo blouse, không nhiều hoa, ông Thành vẫn không quên công việc của mình-nhiệm vụ của một người "từ mẫu". (Ảnh: Minh Duy)