Bao lâu nữa chiều cao người Việt đuổi kịp Thái Lan?
Thanh niên nông thôn thấp hơn 1,2-1,4cm
Theo kết quả Tổng Điều tra dinh dưỡng 2020, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam đạt 168,1cm, tăng 3,7cm và nữ đạt 156,2cm, tăng 2,6cm so với 10 năm trước.
Nếu so thời điểm cách đây 20 năm, chiều cao nam thanh niên đã tăng 4,4cm, nữ tăng thêm 3,6cm và so với năm 1985, nam giới đã tăng thêm 8,6cm, nữ tăng thêm 5,7cm.
GS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, Tổng Điều tra Dinh dưỡng 2020 thực hiện đo chiều cao gần 15.000 thanh niên từ 15-29 tuổi đại diện các vùng sinh thái trên toàn quốc. Đây là quy mô điều tra lớn nhất từ trước đến nay với sự giúp đỡ và kiểm định mẫu của các chuyên gia đến từ CDC Hoa Kỳ.
Kết quả cho thấy, chiều cao trẻ em thành phố dưới 15 tuổi cao hơn 2cm so với trẻ em nông thôn. Thanh niên thành phố cả nam và nữ cao hơn 1,2-1,4cm so với vùng nông thôn nghèo và miền núi.
Nguyên nhân do môi trường nuôi dưỡng khác nhau, chế độ chăm sóc 1.000 ngày đầu đời và bổ sung vi chất khác nhau.
Với chiều cao hiện tại, Việt Nam đang đứng thứ 4 khu vực ASEAN, xếp sau Singapore (nam cao 171cm, nữ cao 160cm), Thái Lan (nam cao 170,3cm, nữ cao 159cm), Malaysia (nam cao 168,4cm, nữ cao 157,7cm).
Trong khu vực châu Á, Hàn Quốc hiện là quốc gia có chiều cao nổi bật nhất khi nam thanh niên đạt 173,9cm, nữ đạt 161,1cm, kế đó là Ấn Độ, nam cao 173cm, nữ cao 165cm, vị trí thứ ba là Nhật Bản, nam cao 172cm, nữ cao 158cm.
Theo GS Tuyên, trong giai đoạn 1875-1975, chiều cao người Việt gần như không tăng do liên tiếp trải qua 2 cuộc chiến tranh đầy gian khổ.
Vài thập kỷ trở lại đây, chiều cao người Việt nhích dần và mức tăng hơn 2,6-3,7cm như trên được cho là nhanh.
Mức tăng chiều cao ở một số nước châu Âu như Anh, Pháp, Hà Lan… giai đoạn cuối thể kỷ 19, đầu thế kỷ 20 sau cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai tương đương mức tăng của Việt Nam đạt được trong 10-20 năm qua. Tuy nhiên đến nay, chiều cao tại các quốc gia này đã tăng chậm lại, chỉ còn khoảng 0,3- 0,5cm/10 năm.
Hiện tượng tăng chiều cao cũng xuất hiện tại Nhật Bản, Hàn Quốc sau chiến tranh thế giới thứ 2 khoảng 15 năm với mức tăng tương tự như nước ta hiện nay.
“Điều này cho thấy Việt Nam đang bước vào giai đoạn chín muồi của chuyển tiếp kinh tế từ thấp lên cao và đã tác động mạnh mẽ tới gia tăng chiều cao thanh niên, cùng với chính sách phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi ngay từ giai đoạn 1.000 ngày vàng đầu đời”, GS Tuyên nhìn nhận.
Theo GS Tuyên, nếu Việt Nam tiếp tục duy trì được mức tăng chiều cao như hiện tại, trong 15-20 năm nữa, Việt Nam sẽ đuổi kịp Thái Lan và trong vài thập kỷ tới sẽ thu hẹp khoảng cách chiều cao với Nhật Bản, Hàn Quốc do 2 quốc gia này đã qua giai đoạn tăng tốc và mức tăng hiện nay đã chậm lại, chỉ còn 0,8-1,1cm/10 năm.
Các bà mẹ chưa quan tâm đến 1.000 ngày vàng
GS Tuyên lý giải, chiều cao thanh niên Việt Nam tăng nhanh trong 3 thập kỷ gần đây do nước ta chú trọng giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em, nhất là sau khi Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990.
Việt Nam cũng được UNICEF, WHO, Ngân hàng Thế giới và nhiều nước giúp đỡ mức cao nhất trong phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, một yếu tố quan trong bậc nhất trong giảm suy dinh dưỡng thấp còi, ảnh hưởng tới gia tăng chiều cao thanh niên.
Thành quả, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi tại nước ta đã giảm từ 59% năm 1985 xuống còn 19,6% năm 2020, đây là mức thấp theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới.
GS Tuyên cho biết, với tỷ lệ thấp còi ngày càng giảm, tầm vóc của thanh niên Việt Nam chắc chắn sẽ ngày càng cải thiện. Chiến lược dinh dưỡng giai đoạn tới sẽ tập trung mạnh mẽ hơn tại các vùng nông thôn nghèo, miền núi và vùng thường xuyên gặp thiên tai.
GS Tuyên nhấn mạnh, trong các giai đoạn tăng chiều cao, 1.000 ngày đầu đời (từ khi thụ thai đến khi trẻ 2 tuổi) là giai đoạn quyết định, tuy nhiên các bà mẹ tại nước ta chưa hiểu hết tầm quan trọng của 1.000 ngày vàng.
“Đây là giai đoạn duy nhất trong cuộc đời trẻ có thể tăng tưởng chiều cao trên 10cm trong một năm, thậm chí chăm sóc tốt có thể tăng 12-14cm/năm”, GS Tuyên thông tin.
Nếu bỏ lỡ giai đoạn này, dù sau có thể phát triền bù nhưng trẻ sẽ không bao giờ đạt được mức chiều cao như những trẻ được nuôi dưỡng tốt ngay giai đoạn đầu.
Đặc biệt đối với trẻ em, WHO công nhận, chiều cao đạt được lúc 3 tuổi sẽ quyết định chiều cao khi trưởng thành.
Để chăm sóc tốt 1.000 ngày đầu đời, GS Tuyên khuyến cáo các thai phụ cần ăn uống đầy đủ theo tháp dinh dưỡng Bộ Y tế đã phê duyệt, đồng thời bổ sung vi chất đầy đủ.
Ngoài ra các doanh nghiệp cần chung tay thực hiện nghiêm túc Nghị định 09 của Thủ tướng về tăng cường vi chất vào thực phẩm.
Thúy Hạnh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/11/2024
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Hướng dẫn nuôi dạy con - 23/10/2024
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/10/2024
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội