Sinh con khỏe mạnh dù suy thận giai đoạn cuối
Trước đó, khi ở tuần thứ 27, thai phụ cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn, đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình.
Bác sĩ Quách Thị Dung, Phó Khoa Thận nhân tạo, cho biết bệnh nhân được phát hiện mắc suy thận giai đoạn cuối. Bác sĩ nhận định đây là ca bệnh rất khó và cũng rất hiếm không chỉ tại Việt Nam mà trong cả y văn thế giới.
Bệnh nhân bị viêm cầu thận mạn từ năm 6 tuổi. Viêm cầu thận mạn là bệnh gây tổn thương cầu thận, tiến triển từ từ trong nhiều năm. Giai đoạn cuối của bệnh dẫn đến suy thận mạn ngày càng nặng dần.
Trước đây, bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện Nhi trung ương nhưng không duy trì thuốc, về nhà uống thuốc lá nam, không tái khám thường xuyên. Khi mang thai tuần thứ 27, bệnh nhân mệt mỏi nhiều, buồn nôn, ăn uống kém nên mới đi khám. Lúc này bệnh viêm cầu thận mạn tiến triển thành suy thận mạn giai đoạn cuối. Bệnh nhân được chỉ định lọc máu chu kỳ.
Bác sĩ Dung giải thích, triệu chứng của bệnh suy thận mạn giai đoạn đầu rất giống với ốm nghén 3 tháng đầu thai kỳ nên dễ gây nhầm lẫn. Do bệnh nhân không đi khám nên không biết tình trạng sức khỏe của mình.
Tuy nhiên, bác sĩ nhận định trường hợp này rất đặc biệt. "Bệnh nhân suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ có thai đã khó, chưa nói đến việc duy trì được thai nghén đến khi đủ tuổi thai càng khó hơn. Nguyên nhân do khi bị suy thận, các độc tố trong máu thường cao nên thai nhi khó có thể phát triển bình thường", bác sĩ nói.
Thông thường, các bệnh nhân suy thận mạn tính giai đoạn cuối được lọc máu 3 buổi một tuần. Với trường hợp này, bác sĩ phải điều chỉnh lại lên 6 buổi một tuần, đảm bảo thải độc tốt hơn. Đồng thời, bệnh nhân được sử dụng các loại thuốc điều trị thúc đẩy sự phát triển của thai nhi.
Tuần thứ 32, sản phụ được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai điều trị tiếp. Sang tuần thứ 33, các bác sĩ chỉ định mổ bắt con.
Bé trai chào đời khỏe mạnh, nặng 2,3 kg, được xuất viện về với gia đình ngày 23/9.
Bác sĩ Dung cho biết, theo chương trình nghiên cứu Đa Trung tâm của châu Âu, trong hơn 10 năm, tại một số quốc gia như Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Anh ... ghi nhận 23 trường hợp có thai trong khi chạy thận nhân tạo. Trong số đó, chỉ có 52% trẻ được sinh và sống bình thường.
Bác sĩ Dung khuyến cáo, các thai phụ nên đi khám thai định kỳ để phát hiện ra các bệnh kèm theo nói chung và bệnh thận mạn nói riêng.
Tất cả phụ nữ mắc bệnh thận mạn tính cần phải biết được những rủi ro đối với chức năng thận của người mẹ, sự ảnh hưởng tới thai nhi khi mang thai. Ngoài ra, các biện pháp tránh thai cần được cân nhắc sử dụng tối đa đối với bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn cuối, có lọc máu chu kỳ.
Thúy Quỳnh - Nguyễn Tuyết
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/11/2024
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Hướng dẫn nuôi dạy con - 23/10/2024
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/10/2024
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội