Ăn nhiều sữa, thịt có khiến trẻ dậy thì sớm?

Theo GiaoThong 08:00 18/05/2022 - Mẹ và bé
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay tình trạng trẻ dậy thì sớm tăng gấp 35 lần so với 10 năm trước.

Khám dậy thì sớm cho trẻ ở Bệnh viện Nhi Trung ương
Khám dậy thì sớm cho trẻ ở Bệnh viện Nhi Trung ương

 

Tưởng con “tè dầm” không ngờ… dậy thì sớm

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhi có biểu hiện dậy thì sớm.

Chị Huyền Anh (Ba Vì) đưa cô con gái 5 tuổi tới khám vì mọi chỉ số về chiều cao, cân nặng và vòng ngực đều vượt quá so với tuổi.

Chị Huyền Anh cho biết: “Bé sinh ra đã to hơn trẻ khác và phát triển nhanh. Tuy nhiên, 1 tháng gần đây, vòng ngực của con tăng rất nhanh và xuất hiện lông vùng kín…”.

BSCK1 Ngô Thị Ngãi, khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, tại đây đã và đang khám cho rất nhiều bệnh nhi dậy thì sớm.

Điển hình, một bé gái mới 6 tuổi nhưng ngực đã phát triển nhanh; đã có tuổi xương ở trẻ 8 tuổi, được chẩn đoán dậy thì sớm trung ương tiến triển và chỉ định điều trị thuốc dành cho dậy thì sớm.

Kết quả sau 6 tháng điều trị, chiều cao tăng 3cm, không phát triển ngực, lông vùng kín, lông nách, duy trì tuổi xương.

Cũng tại đây, đưa con tới tái khám, mẹ bệnh nhi Phạm Lê An Nh. (SN 2015) cho biết, con có ngực to từ lúc đẻ ra.

Từ khi 16 tháng, bệnh nhi đã tới khám, vú phát triển ở giai đoạn dậy thì 2. Kết quả siêu âm, chụp X-quang, tử cung lớn hơn tuổi, tuổi xương bằng trẻ 24 tháng. Bé Nh. được chỉ định theo dõi tiếp.

Một năm sau tái khám, bệnh nhân được chẩn đoán dậy thì sớm trung ương tiến triển. Đây là trường hợp dậy thì sớm ở tuổi rất nhỏ (2 tuổi).

Đến nay, bệnh nhân đã có 4 lần chụp MRI não và tiếp tục điều trị thuốc ức chế dậy thì sớm.

Không chỉ bé gái, nhiều bé trai cũng dậy thì rất sớm, điển hình như bệnh nhi Phạm H. H. (SN 2016).

Từ 5 tuổi H. đã cao lớn, bộ phận sinh dục to, thường xuyên thèm ăn mặn... Khi đến khám bác sĩ thấy bộ phận sinh dục to, có lông vùng kín, tuổi xương tương đương trẻ 14 tuổi. Siêu âm có khối u tinh hoàn và được kết luận khối u tuyến thượng thận.

Cách đây chừng 2 tháng, thi thoảng cậu con trai 8 tuổi của chị Nguyễn Hà An (Hà Đông), quần bị ướt.

Tưởng con tè dầm, khi mang quần đi giặt, chị An mới phát hiện có “dấu vết” của hiện tượng mộng tinh. Đưa con đi khám, bé được bác sĩ chẩn đoán dậy thì sớm, nguyên nhân chính do u ở tuyến yên kích thích.

Chăm con kỹ, trẻ không béo phì sao vẫn dậy thì sớm?

Chia sẻ về dậy thì sớm ở trẻ, BS. Nguyễn Phương Thảo, Trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, tuổi dậy thì của trẻ hiện nay bắt đầu sớm hơn trước kia.

Trẻ được xác định dậy thì sớm với nữ là khi có các dấu hiệu như vùng tuyến vú phát triển, có lông vùng kín, thay đổi tâm lý… còn nam thường là vỡ tiếng, bộ phận sinh dục phát triển, xuất hiện ria mép, trứng cá, lông vùng kín, xuất tinh… Nữ thường trước 8 tuổi, còn nam trước 9 tuổi.

Còn theo BS. Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Bệnh viện Nhi đồng 2, ở bé gái dậy thì sớm 90% là vô căn. Ở bé trai dậy thì sớm có tới 50% có sang thương ở hệ thần kinh. Dậy thì sớm ở bé nam nguy hiểm hơn bé nữ.

“Dậy thì sớm ảnh hưởng tới trẻ rất nhiều. Các nghiên cứu cho thấy, trẻ dậy thì sớm khi trưởng thành có thể bị trầm cảm, nguy cơ trẻ lạm dụng tình dục cũng cao hơn…

Ngoài ra, trẻ có nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, tim mạch, lão hóa sớm khi trẻ trưởng thành”, BS. Quỳnh cho hay.

Trên thực tế, nhiều bà mẹ cho con đi khám cho biết, dù bản thân chăm con rất kỹ, bé không béo phì nhưng vẫn dậy thì sớm.

Theo lý giải của BS. Quỳnh, với trường hợp này, yếu tố di truyền, gen có mối tương quan về thời điểm khởi phát dậy thì với trẻ sinh đôi cùng trứng và khác trứng. Hoặc mối tương quan của mẹ và bé gái, bố và bé trai. Cũng có trường hợp dậy thì sớm vô căn.

Ngoài ra, còn có các yếu tố khác gây dậy thì sớm như chất BPA trong một số loại đồ nhựa, thuốc trừ sâu DDT quá hàm lượng.

Đặc biệt, trẻ em được dùng mỹ phẩm sớm, các chất sữa tắm, nước hoa có chứa phthalates cũng là yếu tố nguy cơ gây dậy thì sớm.

Trước câu hỏi của nhiều gia đình, liệu ăn nhiều sữa, thịt có khiến trẻ dậy thì sớm, BS. Quỳnh cho biết, sữa, thịt là protein không phải là steroid (giống như hoóc môn sinh dục) nên không gây ra dậy thì sớm. Vì vậy, việc cho rằng “ăn nhiều sữa, thịt gây dậy thì sớm” là chưa đúng.

Tuy nhiên, việc ăn thịt, uống sữa quá nhiều có thể gây béo phì. Trong khi béo phì được xếp vào yếu tố gây dậy thì sớm.

BS. Quỳnh còn dẫn chứng trường hợp có dấu hiệu dậy thì từ khi còn đang bú mẹ với biểu hiệu có xuất huyết âm đạo.

Nguyên nhân bất ngờ sau đó được xác định do người mẹ sử dụng thuốc có chứa estrogen bôi lên nhũ hoa với tác dụng làm hồng. Khi trẻ ngậm bú liên tục trong nhiều tháng, đã bị ảnh hưởng.

BS. Ngãi cho biết, việc chỉ định điều trị cho dậy thì sớm cần xem xét yếu tố như tuổi khởi phát, tốc độ dậy thì, tốc độ phát triển chiều cao, dự đoán chiều cao ở tuổi trưởng thành.

Người nhà cần theo dõi cho con đi khám và có chỉ định can thiệp sớm để trẻ có thể đạt được chiều cao về di truyền của trẻ.

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn

Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn

Mẹ và bé - 20/03/2024

Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn

Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung

Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung

Mẹ và bé - 07/03/2024

Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung

Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành

Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành

Mẹ và bé - 08/12/2023

Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành

'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'

'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'

Mẹ và bé - 06/09/2022

'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'

Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?

Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?

Mẹ và bé - 20/07/2022

Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới