Báo động trẻ mắc chứng dậy thì sớm
Trong 3 tháng gần đây, số lượng trẻ mắc chứng dậy thì sớm tăng bất thường, gây khó khăn cho công tác điều trị, dự trù thuốc cho các cơ sở y tế trên địa bàn TP HCM.
Nữ mắc gấp 5 lần nam
Có con gái bị bệnh dậy thì sớm, gần 1 năm qua, cuộc sống gia đình anh Trần M.L (ở thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) như đảo lộn, tháng nào cha con anh cũng bắt xe đò xuống TP HCM để vô thuốc. Con anh, bé Trần Thị Kim Y. (7 tuổi rưỡi), phát hiện mắc bệnh gần 1 năm qua, đã 8 lần được chích thuốc (mỗi tháng 1 mũi) và việc này phải kéo dài đến 4 năm.
"Lúc trước khi chưa biết bệnh, mỗi lẫn bé Y. đau bụng là cả nhà như đau theo. Sau đó đi khám mới biết hóa ra lâu nay bé đau bụng là do hành kinh; vú của bé cũng phát triển bất thường, phải được chích thuốc mới kiềm chế lại" - anh L. chia sẻ.
BSCKII Hoàng Ngọc Quý, Trưởng Khoa thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết bệnh dậy thì sớm hiện ngày càng phổ biến. Tuổi khởi phát dậy thì có khuynh hướng ngày càng sớm so với các thế hệ trước đây. Từ lúc xuất hiện triệu chứng dậy thì cho đến lúc các đặc tính sinh dục thứ phát hiện diện đầy đủ, ở nữ là 10,5- 11 tuổi, ở nam là 11,5-12 tuổi. Biểu hiện của dậy thì sớm là xuất hiện đặc tính sinh dục thứ phát trước 8 tuổi ở bé gái (có kinh nguyệt, tuyến vú phát triển, xuất hiện lông mu); trước 9 tuổi ở bé trai (vỡ tiếng, cao vọt, bộ phận sinh dục phát triển). Dậy thì sớm thường gặp ở bé gái hơn bé trai (gấp 5 lần), ở thành thị nhiều hơn nông thôn.
Theo BS Vũ Xuân Thọ, Trưởng Khoa Phụ- Bệnh viện Phụ sản Mekong, có 2 loại dậy thì sớm ở trẻ em là dậy thì thật và dậy thì giả. Dậy thì thật phụ thuộc vào gonadotropin (một loại hormone sinh dục), khi thần kinh của bé "thức tỉnh" sớm, vùng hạ đồi bị kích thích dẫn đến sự kích thích ở thùy trước tuyến yên, tiết ra FSH và LH, từ đó kích thích buồng trứng và tinh hoàn sản sinh ra ostrogen (ở nữ) và testosterone (ở nam). Dậy thì giả (dậy thì ngoại biên, không phụ thuộc gonadotropin) có thể do các khối u buồng trứng, tinh hoàn, u tuyến thượng thận làm tiết ra ostrogen và testosterone. Để xác định và có hướng điều trị, cần đưa bé đến các bệnh viện có chuyên khoa phụ sản hoặc nhi để được thăm khám, ví dụ: Bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Nhi Đồng Thành phố…
Ảnh hưởng cả tâm lý và thể chất
Theo BS Vũ Xuân Thọ, việc phải mang một cơ thể giống người lớn, khác với bạn bè khi còn trong tuổi ăn, tuổi chơi dễ khiến các bé bị ảnh hưởng tiêu cực về mặt tâm lý. Điều đó còn khiến các bé dễ thành nạn nhân của tình trạng lạm dụng tình dục, nhất là bé gái bởi các bé còn quá non nớt, thiếu khả năng phòng vệ.
Các bé dậy thì sớm cũng bị ảnh hưởng trong việc phát triển chiều cao. Thông thường trong giai đoạn tiền dậy thì, các bé sẽ có tình trạng "trổ giò", trẻ gái có thể cao lên đến 25 cm/năm, trẻ trai có thể 28 cm/năm. Khi các bé dậy thì quá sớm, các hormone sinh dục sẽ thúc đẩy quá trình hàn sụn tiếp hợp, dẫn đến việc các bé chưa kịp cao lên bao nhiêu đã ngừng cao.
Một số yếu tố từ cuộc sống hiện đại cũng có thể là nguyên nhân gây ra dậy thì sớm như: thực phẩm chứa nhiều hóa chất, chất tăng trưởng, tăng trọng; các nội dung "người lớn" mà trẻ vô tình tiếp xúc; các nguồn ánh sáng nhân tạo từ máy tính, điện thoại... (gây kích thích hệ thần kinh trung ương). "Hiện tượng dậy thì thật chủ yếu do các nguyên nhân từ cuộc sống gây ra, trong khi dậy thì giả, như đã phân tích, là do bệnh lý" - BS Vũ Xuân Thọ cho hay.
BSCKII Hoàng Ngọc Quý giải thích thêm dậy thì là quá trình phát triển tất yếu của con người. Tuy nhiên, nếu trẻ dậy thì sớm quá sẽ có những tác động, ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý và thể chất của trẻ và gia đình. Không phải tất cả trường hợp dậy thì sớm đều có chỉ định điều trị với thuốc Triptoreline. Việc dùng thuốc Triptoreline còn phải tùy vào tuổi, tốc độ tiến triển dậy thì, tốc độ phát triển chiều cao và ước lượng chiều cao cuối cùng. Vì đa số nguyên nhân dậy thì sớm ở bé gái là từ nguyên nhân vô căn nên không ít trường hợp chính gia đình quyết định không can thiệp điều trị (sau khi được bác sĩ tư vấn đầy đủ), muốn để trẻ phát triển tự nhiên mà không can thiệp bằng thuốc từ bên ngoài đưa vào cơ thể.
Cũng theo BS Hoàng Ngọc Quý, điều trị dậy thì sớm trung ương thực chất là muốn làm chậm lại quá trình dậy thì, chờ cho "đủ tuổi" để dậy thì "đúng quy trình". Thực tế cho thấy không ít trường hợp các bậc cha mẹ chỉ muốn biết rõ cơ thể con họ có bị bệnh bất thường gì không mà thôi và không có nhu cầu làm chậm quá trình dậy thì sớm đó. Đã có trường hợp chính bản thân trẻ và phụ huynh sau một thời gian được tư vấn đã không còn lo lắng về triệu chứng dậy thì sớm, nên xin ngưng điều trị và được sự đồng ý của bác sĩ.
Cũng cần nói rõ thêm là trong quá trình điều trị vì lý do nào đó mà không thể chích thuốc đúng ngày (lễ, Tết, thi học kỳ, gia đình có việc quan trọng, hết thuốc…) thì việc chích chậm trễ 1 vài tuần, người nhà không nên quá lo lắng, vì sự gián đoạn này hoàn toàn không ảnh hưởng quá trình điều trị trước đó và tiếp theo về sau.
Tuổi dậy thì của trẻ sớm thêm 4 năm
Dậy thì sớm dường như có xu hướng phổ biến hơn, nghiên cứu công bố mới đây trên Lancet Child & Adolescent Health cho biết trong vòng 150 năm qua, tuổi dậy thì trung bình của trẻ em đã sớm thêm 4 năm, từ 14 xuống còn 10. GS Susan Sawye (Bệnh viện Nhi đồng Hoàng gia Melbourne - Úc), cho rằng điều này đã xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần định nghĩa lại về tuổi dậy thì.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn
Mẹ và bé - 20/03/2024
Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn
Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung
Mẹ và bé - 07/03/2024
Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung
Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành
Mẹ và bé - 08/12/2023
Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành
'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'
Mẹ và bé - 06/09/2022
'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'
Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?
Mẹ và bé - 20/07/2022
Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?