Nhà giàu vỗ béo cho con, thiếu nhi đã mắc bệnh chưa có thuốc chữa

Theo Vietnamnet 03:21 15/11/2019 - Mẹ và bé
Béo phì gia tăng khiến không ít trẻ em mới 9-10 tuổi đã mắc căn bệnh mãn tính chưa có thuốc chữa.

Đái tháo đường trẻ hoá

Tại buổi sinh hoạt thường kỳ của CLB bệnh nhân đái tháo đường nhân ngày thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường 14/11, TS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BV Bạch Mai cho biết, đái tháo đường type 2 trước đây gặp chủ yếu ở lứa tuổi sau 40 nhưng nay gặp rất nhiều ở người trẻ, đặc biệt có nhiều trẻ em dưới 18 tuổi.

Mới đây, BV Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhi 13 tuổi đến khám và điều trị áp xe gan do điều trị tuyến dưới không thuyên giảm. Khi xét nghiệm đường huyết, bác sĩ phát hiện chỉ số cao vọt với chẩn đoán mắc đái tháo đường type 2 nhưng trước đó không hề hay biết.

Một bệnh nhi điều trị tiểu đường tại BV Nội tiết TƯ
Một bệnh nhi điều trị tiểu đường tại BV Nội tiết TƯ

Trường hợp khác là nam sinh 16 tuổi ở Hà Nội cũng đang phải điều trị tại khoa Nội tiết – Đái tháo đường do đường huyết quá cao. Gia đình cho biết, từ nhỏ, cháu bé đã ăn tốt, ngủ tốt nên béo phì, hiện cân nặng lên tới 88 kg.

Cháu đã được chẩn đoán mắc đái tháo đường type 2 trước đó, đã điều trị theo đơn, gia đình cũng chú ý chuẩn bị cơm cho con tới trường nhưng sau khi chơi thể thao, cháu đói quá không chịu được nên lại tiếp tục mua đồ ăn nên cân nặng tăng dần đều, khó kiểm soát đường huyết.

Trước đó, BV Nhi TƯ điều trị tiểu đường type 2 cho bé gái Nguyễn Thị Thu H. mới 13 tuổi. Từ nhỏ, bé gái đã thích uống nước ngọt, uống đều đặn hàng ngày nên lớn lên, cân nặng tăng nhanh ở mức béo phì. Khi đến BV khám, chỉ số glucose trong máu của bệnh nhi lên tới 11 mmol/lít, trong khi ở mức 6,5 đã được chẩn đoán mắc tiểu đường.

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của Viện Dinh dưỡng Quốc gia vào tháng 7/2019, có khoảng 42% học sinh tiểu học, 30% học sinh cấp 2 và 13,5% học sinh cấp 3 ở thành thị bị thừa cân, béo phì. Ở khu vực nông thôn, tỉ lệ này lần lượt là 18%, 11% và 6%.  


Đến nay, bệnh nhi nhỏ tuổi nhất được phát hiện mắc tiểu đường type 2 là một bé trai mới 9 tuổi ở Hà Nội. Cháu bé có kèm theo tình trạng thừa cân, béo phì, chỉ số đường huyết trong máu lên tới gần 15 mmol/lít.

Theo TS Bảy, nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhi mắc đái tháo đường là do tỉ lệ béo phì ngày càng tăng, kết hợp với một số yếu tố di truyền, ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, do lối sống lười vận động, dành quá nhiều thời gian xem tivi, điện thoại, máy tính...

Hiện Việt Nam được xếp nằm trong 10 quốc gia có tỉ lệ gia tăng bệnh nhân đái tháo đường cao nhất thế giới, với trên 3,35 triệu bệnh nhân.

Tuy nhiên đây chỉ là những con số bề nổi, theo ước tính vẫn còn 63% bệnh nhân tiểu đường chưa được chẩn đoán trong cộng đồng. Thậm chí, ngay những bệnh nhân được chẩn đoán bệnh, chỉ có 30% tuân thủ phác đồ điều trị, gây ra gánh nặng rất lớn cho gia đình, xã hội.

Tiến triển nặng và nhiều biến chứng

TS Bảy nhấn mạnh, trẻ hoá đái tháo đường là vấn đề đáng lo ngại, việc điều trị cho nhóm bệnh nhân này gặp nhiều khó khăn do các thuốc uống hạ đường huyết thường ít được nghiên cứu ở trẻ em và ý thức tuân thủ điều trị kém hơn người lớn.

Trong khi đó, việc điều trị bệnh cho trẻ đái tháo đường type 2 không hề đơn giản, đây là bệnh mãn tính cần điều trị suốt đời. Bệnh nhân ngoài dùng thuốc sẽ phải áp dụng chế độ ăn uống kiêng khem cực kỳ nghiêm ngặt. Nhưng với trẻ em, ăn kiêng quá mức sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Não trẻ cần lượng đường nhất định, nên khi hạ đường huyết sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến não.

TS Nguyễn Quang Bảy. Ảnh: T.Hạnh
TS Nguyễn Quang Bảy. Ảnh: T.Hạnh

Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, đái tháo đường ở người trẻ thường các biến chứng sẽ tiến triển nặng hơn, thời gian dẫn đến biến chứng sớm hơn và tỉ lệ có biến chứng nhiều hơn so người lớn tuổi, gây khó khăn trong điều trị.

Để phát hiện sớm trẻ mắc đái tháo đường, TS Bảy khuyến cáo cha mẹ cần quan tâm đến con, khi thấy trẻ thường xuyên khát nước và đi tiểu nhiều là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh đái tháo đường ở trẻ em.

Nguyên nhân là do đường bị tích tụ nhiều trong máu khiến thận phải làm việc liên tục ở cường độ cao để có thể lọc và hấp thụ hết lượng đường bị dư thừa.

“Với những trẻ béo phì, nếu vùng sau gáy hoặc ở nách có đám da đen sần cũng là một trong những dấu hiệu cảnh cần theo dõi đái tháo đường”, PGS Bảy nói thêm.

Các bác sĩ khuyến cáo, dinh dưỡng và vận động là 2 phương pháp cực kỳ quan trọng để phòng tránh đái tháo đường. Liên đoàn đái tháo đường thế giới cho biết, 50% bệnh nhân đái tháo đường và 90% bệnh nhân đái tháo đường type 2 là có thể phòng ngừa được bệnh bằng thay đổi lối sống, tăng cường vận động, kiểm soát cân nặng và chế độ ăn.

Để phòng tránh đái tháo đường ở trẻ, cha mẹ đừng bắt trẻ ăn nhiều, hãy bỏ suy nghĩ muốn con thật béo, chú ý kiểm soát cân nặng và chế độ ăn của trẻ và đừng để trẻ ngồi một chỗ quá lâu.

                                                                                                      Thúy Hạnh

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn

Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn

Mẹ và bé - 20/03/2024

Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn

Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung

Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung

Mẹ và bé - 07/03/2024

Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung

Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành

Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành

Mẹ và bé - 08/12/2023

Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành

'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'

'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'

Mẹ và bé - 06/09/2022

'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'

Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?

Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?

Mẹ và bé - 20/07/2022

Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới