Chủ động diệt muỗi phòng sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết do virus dengue gây ra, đây là virus có thể tồn tại, phát triển lâu dài trong cơ thể muỗi Aedes aegypti, còn gọi là muỗi vằn. Thông qua muỗi vằn, virus dengue được truyền từ người mang virus sang người khác. Muỗi vằn nhiễm virus 6-12 ngày sau khi hút máu và có khả năng truyền bệnh suốt đời.
Các tháng mùa mưa, nhiệt độ trung bình cao (ở miền Nam gần như quanh năm, ở miền Bắc từ tháng 7 tới tháng 11) thường là thời điểm để muỗi vằn - véc-tơ trung gian truyền virus dengue sang người - phát triển. Điều này dẫn đến nguy cơ bùng phát của dịch sốt xuất huyết tăng cao nếu không có các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả.
Tại nước ta, sốt xuất huyết là một bệnh khá phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn. Tám tháng đầu năm, cả nước ghi nhận gần 27.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 58 tỉnh, thành phố; một số địa phương đã có ca tử vong như Bình Định, Bình Phước, Cần Thơ và Tây Ninh. Năm 2019, cả nước ghi nhận hơn 320.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết với 53 trường hợp tử vong và nhiều ổ dịch ở Hà Nội, TP HCM, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn một nửa dân số toàn cầu có nguy cơ mắc sốt xuất huyết; virus dengue ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người mỗi năm và số ca bệnh đã tăng gấp 15 lần trong hơn hai mươi năm qua. Giao thương và trao đổi hàng hóa toàn cầu, đô thị hóa không theo quy hoạch, vệ sinh kém và biến đổi khí hậu là các nguyên nhân gây tăng số ca nhiễm.
Ảnh hưởng toàn cầu của Covid-19 đã tác động đến các hoạt động kiểm soát vật chủ trung gian gây bệnh trọng yếu, dẫn đến việc giám sát và giải quyết sự lây lan của các bệnh lây truyền qua véc-tơ trở nên khó khăn hơn. Nhiều biện pháp kiểm soát bệnh sốt xuất huyết đã dừng lại do việc hạn chế di chuyển và do các nhân viên y tế được điều động để làm việc cho các trường hợp nhiễm Covid-19 tại địa phương. Ngoài ra, dịch Covid-19 đang giữ mọi người ở nhà nhiều hơn, đây cũng là nơi lây truyền bệnh sốt xuất huyết.
Bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vaccine phòng bệnh. Tài liệu của Viện Pasteurs cho biết, virus dengue dễ dàng bị diệt khi ra môi trường bên ngoài. Các hóa chất khử khuẩn thông thường (nhóm clo hoạt, nhóm alcol, các muối kim loại nặng, chất ôxy hóa, chất tẩy, xà phòng...) và nhiệt độ trên 56 độ C bất hoạt virus dengue chỉ trong vài chục phút. Tuy nhiên, virus này có thể tồn tại lâu dài hơn (nhiều tháng, hàng năm) trong nhiệt độ âm sâu (-70 độ C).
Bộ Y tế khuyến cáo, cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là diệt muỗi, bọ gậy, phòng chống muỗi đốt và giữ vệ sinh nhà ở cũng như môi trường xung quanh. Các hoạt động cụ thể như đậy kín và chủ động cọ rửa bên trong các dụng cụ chứa nước ít nhất một lần mỗi tuần, loại bỏ vật phế thải gây đọng nước, lật úp các dụng cụ chứa nước hoặc có thể chứa nước khi không dùng đến. Gia đình nên khai thông cống rãnh, thả cá để diệt bọ gậy, phát quang bụi rậm và lưu ý mắc màn đi ngủ để muỗi không thể đốt. Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân chủ động phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi.
Tập đoàn toàn cầu Bayer, chuyên các lĩnh vực về khoa học đời sống, bao gồm chăm sóc sức khỏe và nông nghiệp đã hợp tác liên ngành với WHO và các cơ quan của Bộ Y tế thông qua các hoạt động nghiên cứu để góp phần hỗ trợ kiểm soát sốt xuất huyết, sốt rét. WHOPES (WHO Pesticide Evaluation Scheme) khuyến cáo dùng các giải pháp mới cũng như đề xuất của Bayer về việc kết hợp hoạt chất Fludora trong chương trình phòng chống sốt xuất huyết trên thế giới và tại Việt Nam.
Đại diện Bayer chia sẻ, đặt cho mình vai trò và trách nhiệm quan trọng trong việc bảo vệ và cố gắng thúc đẩy sức khỏe, vệ sinh và an toàn của tất cả mọi người trên thế giới một cách bền vững, bộ phận Khoa học Môi Trường thuộc tập đoàn toàn cầu Bayer nhận thấy rằng cần có một cách tiếp cận toàn diện để kiểm soát véc-tơ thực sự đạt hiệu quả. Do đó, Bayer đã triển khai các hoạt động toàn diện gồm đưa ra danh mục sản phẩm tiên tiến, quan hệ hợp tác liên ngành, các chương trình giáo dục và đào tạo cũng như vận động ủng hộ toàn cầu để chung tay cùng xã hội chống lại các bệnh truyền qua véc-tơ để bảo vệ hàng triệu người.
Hoàng Anh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?
Phòng bệnh - 27/12/2024
Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Phòng bệnh - 10/12/2024
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng bệnh - 05/12/2024
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Phòng bệnh - 03/12/2024
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh
Phòng bệnh - 25/11/2024
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh