Cùng tòa nhà với ca Covid-19, quy định cách ly thế nào?

Theo Vietnamnet 01:25 30/05/2021 - Phòng bệnh
Quyết định khoanh vùng cách ly ra sao, thời gian cách ly thế nào phụ thuộc vào Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các quận/huyện, dựa trên tình hình thực tế tại địa phương.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, thành phố đang có 61 điểm phong tỏa, cách ly liên quan đến các ca bệnh Covid-19. Những địa điểm này có thể là toàn bộ chung cư, toàn bộ ngõ, một tầng trong chung cư, một số hộ gia đình xung quanh ca bệnh, dãy nhà bệnh nhân và dãy nhà đối diện,…

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, quy mô cách ly và quy định cách ly đối với các hộ dân trong địa điểm liên quan ca nhiễm tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Thông thường, địa phương căn cứ vào hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về cách ly và xử lý y tế với người tiếp xúc vòng 1, vòng 2 của ca nhiễm Covid-19 (F1, F2). Cụ thể như sau:

F1 (người tiếp xúc gần với ca bệnh xác định): đưa đi cách ly ít nhất 21 ngày liên tục tại khu cách ly tập trung kể từ ngày vào khu cách ly hoặc tiếp xúc lần cuối với người nhiễm SARS- CoV-2. Tiến hành lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 3 lần vào ngày đầu, ngày thứ 14 và ngày thứ 20 trong thời gian cách ly tập trung.

Kết thúc cách ly tập trung, F1 phải cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú thêm 7 ngày nữa và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 (tính từ ngày kết thúc cách ly tập trung). Nếu kết quả âm tính, tiếp tục theo dõi sức khỏe đến đủ 14 ngày.

F2 (người tiếp xúc với người tiếp xúc gần) phải cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà. Nếu kết quả xét nghiệm RT-PCR của F1 dương tính thì chuyển cấp cách ly người F2 thành F1. Nếu xét nghiệm của F1 âm tính, F2 kết thúc việc cách ly tại nhà.

Như vậy, người dân, hộ dân thuộc diện F1, tức xác định chắc chắn có tiếp xúc gần ca nhiễm sẽ phải đi cách ly tập trung, hộ thuộc diện F2 phải cách ly tại nhà, theo thời gian quy định của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các quận/huyện có thể nâng cấp cách ly lên một bậc so với quy định chung.

Phong tỏa tòa 17T4 khu đô thị Trung Hòa, Nhân Chính, quận Cầu Giấy, Hà Nội hôm 24/5 - Ảnh: Trần Thường
Phong tỏa tòa 17T4 khu đô thị Trung Hòa, Nhân Chính, quận Cầu Giấy, Hà Nội hôm 24/5 - Ảnh: Trần Thường

“Ví dụ, trường hợp này theo lý thuyết chỉ cần cách ly tại nhà nhưng nếu thấy cần thiết, địa phương có thể đưa đi cách ly tập trung. Hoặc trường hợp khác lý thuyết chỉ cần theo dõi sức khỏe nhưng địa phương có thể ra quyết định cách ly tại nhà. Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các quận/huyện được phép làm điều này tùy tình hình dịch bệnh ở địa bàn mình”, ông Tuấn nói.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội nhấn mạnh, ngoài F1, F2, có một số người khác được tính vào “diện liên quan” (tức không xác định được có phải F1, F2 hay không), yêu cầu cách ly tại chỗ.

“Bản thân người dân đôi lúc không thể nhớ có từng tiếp xúc với bệnh nhân hay không, camera cũng không thể kiểm soát toàn bộ. Bởi vậy, thông thường, người cùng tầng tòa nhà, tầng trên, tầng dưới, người bảo vệ, bán hàng,… trong tòa nhà có thể được tính thuộc diện liên quan”, ông Tuấn cho hay.

Quy mô khoanh vùng đối tượng liên quan và các quy định cách ly, xét nghiệm với người thuộc diện này được quyết định bởi Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các quận/huyện.

Sau đó, căn cứ vào kết quả xét nghiệm của F1, F2, người thuộc diện liên quan và từ thực tiễn tình hình dịch bệnh (không phát sinh ca bệnh mới, không còn yếu tố nguy cơ), Ban chỉ đạo địa phương sẽ đưa ra quyết định kết thúc cách ly y tế với các địa điểm, để người dân đi lại, sinh hoạt bình thường.

“Mỗi ổ dịch có tính chất khác nhau. Như ổ dịch tại Times City (quận Hoàng Mai) được đánh giá tương đối phức tạp, mầm bệnh có thể xuất hiện từ nhiều tuần trước, quận sẽ khoanh vùng rộng hơn và yêu cầu thời gian cách ly lâu hơn để đảm bảo an toàn.

Còn những chung cư, tòa nhà phát hiện F0 đầu tiên nhanh, khoanh vùng nhanh, xử lý gọn thì số người phải cách ly, thời gian cách ly sẽ ngắn hơn”, ông Tuấn phân tích.

Nguyễn Liên

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét

Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét

Phòng bệnh - 10/12/2024

Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét

Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh

Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh

Phòng bệnh - 05/12/2024

Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh

Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?

Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?

Phòng bệnh - 03/12/2024

Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?

Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Phòng bệnh - 25/11/2024

Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh

Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh

Phòng bệnh - 24/10/2024

Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới