Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Người già, trẻ nhỏ cùng đổ bệnh
Vốn có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ông N.V.M (67 tuổi) đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh trong tình trạng khó thở dữ dội, suy hô hấp. Sau thăm khám, ông M được chỉ định nhập viện điều trị nội trú. Theo lời ông M, "thời tiết chuyển lạnh, tôi thấy ho nhiều hơn, khó thở nhẹ nhưng nghĩ là bệnh cũ tái phát nên cứ tự điều trị tại nhà bằng các thuốc cũ. Không ngờ bệnh lại nặng lên nhanh".
Theo bác sĩ điều trị, chính thời tiết lạnh khiến các bệnh nhân mắc bệnh phổi mạn tính như COPD, hen phế quản, giãn phế quản dễ bị tái phát đợt cấp khó thở và diễn tiến nặng nhanh chóng. Đáng lo ngại, tình trạng kháng kháng sinh do thói quen tự ý sử dụng thu thuốc của người dân, khiến việc điều trị thêm khó khăn.
Cũng đang điều trị tại đây, bé M.A (4 tuổi) được chẩn đoán viêm phổi, sau 3 ngày sốt và ho tại nhà. Mẹ bé A cho biết, ban đầu chỉ nghĩ con bị cảm cúm, nên uống hạ sốt tại nhà, đến khi con sốt cao, khó thở mới vội vàng đưa tới bệnh viện.
Khoa Nhi cũng ghi nhận số ca nhập viện vì bệnh hô hấp tăng đột biến trong thời tiết trở lạnh. Nhiều trường hợp trẻ viêm mũi họng rồi nhanh chóng tiến triển thành viêm phổi nếu không được điều trị đúng cách, tự ý dùng thuốc.
Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, ông T.T.T (68 tuổi) đến kiểm tra sức khỏe vì cơ thể mấy ngày gần đây vô cùng mệt mỏi. Qua kiểm tra, ông T có chỉ số huyết áp tăng 180/100 nên được chỉ định uống thuốc huyết áp hằng ngày và theo dõi.
BSCKII. Phí Thị Hải Anh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, gần đây, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận trên 1.300 bệnh nhân, tăng 30% so với thời điểm trước. Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện chiếm 18,9%. Bệnh nhân chủ yếu là người cao tuổi và trẻ em, đây là đối tượng có sức đề kháng kém, dễ mắc bệnh.
Với những người cao tuổi có bệnh lý nền như huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính hay các bệnh cơ xương khớp khi thời tiết giao mùa bệnh sẽ tăng lên, bệnh nhân khó chịu nhiều mới đi khám. Trẻ nhỏ dễ bị viêm nhiễm khi thời tiết giao mùa, chủ yếu là viêm nhiễm đường hô hấp.
Không chủ quan khi thời tiết chuyển lạnh
BS Hải Anh cho biết, thời tiết chuyển mùa là điều kiện vi khuẩn và virus phát triển mạnh hơn người dân dễ mắc bệnh về đường hô hấp. Đối với các trường hợp có bệnh nền và sức khỏe kém dễ bị viêm nhiễm do có virus gây bội nhiễm đường hô hấp; với các bệnh nhân bị tim mạch rất dễ bị co mạch ngoại viên, tăng huyết áp thứ phát.
BS Chu Thị Hạnh, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh lưu ý, nhiều bệnh nhân cao tuổi thường có thói quen tự dùng lại thuốc cũ hoặc tìm mua kháng sinh uống khi thấy các triệu chứng tái phát. Điều này không chỉ không hiệu quả mà còn có thể gây ra tình trạng kháng thuốc, khiến việc điều trị về sau trở nên phức tạp hơn.
Số bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh về đường hô hấp tăng cao trong các tháng mùa đông, đặc biệt ở nhóm người cao tuổi có bệnh nền. Nhiều trường hợp khởi phát với triệu chứng nhẹ nhưng có thể tiến triển thành biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.
Đặc biệt lưu ý, ở người bệnh phổi mạn tính như COPD, hen suyễn, thời tiết lạnh không chỉ làm tăng nguy cơ tái phát đợt cấp mà còn khiến bệnh diễn tiến nặng nhanh chóng nếu có tình trạng nhiễm trùng. Nhóm người bệnh này cần được theo dõi và điều trị tích cực hơn, tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị trong mùa lạnh.
BS Hải Anh lưu ý thêm, người cao tuổi thường có sẵn các bệnh lý mạn tính nên khi thời tiết thay đổi bệnh thường nặng hơn người trẻ rất nhiều. Thay đổi thời tiết dễ làm khởi phát bệnh lý có sẵn ở người cao tuổi.
Đối với trẻ nhỏ đa số hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng yếu, rất dễ bị nhiễm bệnh trong thời điểm giao mùa. Trẻ khi mắc bệnh dễ diễn biến nặng hơn người lớn.
"Bệnh do thời tiết cũng có thể khỏi sau vài ngày điều trị tích cực nhưng cũng rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời nhất là trẻ em. Chính vì vậy, việc nhận biết các dấu hiệu bệnh nặng là rất cần thiết để điều trị, giúp trẻ mau hồi phục. Khi trẻ có biểu hiện sốt cao, ho nhiều, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để tránh diễn biến nặng cũng như những biến chứng xảy ra.
Còn đối với những người cao tuổi, phải tăng cường sức đề kháng, tuân thủ điều trị, khi thấy những biểu hiện bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra sức khỏe, phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, mọi người cần bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho bữa ăn để tăng sức đề kháng. Trẻ em và người cao tuổi cần giữ ấm, tránh bị nhiễm lạnh. Đối với bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch nên hạn chế ăn thức ăn mặn, thường xuyên tập thể dục thể thao…", BS Hải Anh khuyến cáo.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/nguoi-gia-tre-nho-kho-khe-vi-thoi-tiet-chuyen-lanh-19224120416424204.htm
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Phòng bệnh - 10/12/2024
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Phòng bệnh - 03/12/2024
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh
Phòng bệnh - 25/11/2024
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh
Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh
Phòng bệnh - 24/10/2024
Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh
Bí quyết để chăm sóc sức khỏe toàn diện
Phòng bệnh - 22/10/2024
Bí quyết để chăm sóc sức khỏe toàn diện