Đỉnh dịch Covid-19 ở Việt Nam và giải pháp chủ động “tấn công”

Đợt dịch Covid-19 thứ 4 bắt đầu từ 27/4, hiện đã có hơn 600 ca mắc được ghi nhận tại 26 tỉnh, thành phố; nhiều bệnh nhân mang biến chủng Ấn Độ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên

Đến hôm qua, 26 tỉnh, thành đã có bệnh nhân Covid-19. Với tốc độ lây lan nhanh chóng, đợt dịch lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp, phạm vi lây lan rộng hơn, biến chủng virus nguy hiểm hơn. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu chuyển trạng thái từ phòng ngự sang chủ động tấn công trong chống dịch. Vậy, giải pháp ứng phó lần này của Việt Nam có gì khác biệt so với trước? Chúng ta sẽ chủ động tấn công như thế nào? Báo Giao thông đối thoại với Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19.

Dịch lan nhanh nhưng đã kiểm soát được

Chỉ trong thời gian ngắn, đợt dịch lần thứ tư đã lan rộng ra nhiều địa phương với số bệnh nhân lây nhiễm tăng lên từng ngày. So với những đợt dịch trước, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này có gì khác biệt và cần ứng phó thích hợp ra sao, thưa ông?

Đợt dịch Covid-19 thứ 4 bắt đầu từ 27/4, kéo dài đến nay, với hơn 600 ca mắc được ghi nhận tại 26 tỉnh, thành phố. Sự khác biệt của đợt dịch này chính là việc xuất hiện chủng virus mới của Ấn Độ với tốc độ lây nhiễm rất nhanh.

Đồng thời, đợt dịch lần này phức tạp hơn so với các đợt dịch trước, bởi sự xuất hiện cùng lúc nhiều ổ dịch, nhiều nguồn lây, nhiều chủng virus SARS-CoV-2 với chủng của Anh, Ấn Độ và Nam Phi, do vậy tốc độ lây nhiễm tăng cao hơn.

Ngay từ khi xuất hiện dịch đến nay, Bộ Y tế luôn đặt trong tình trạng báo động rất cao. Bộ Y tế liên tục chỉ đạo các địa phương, các đơn vị triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, chúng tôi liên tục có báo cáo đánh giá, nhận định tình hình, từ đó đề xuất và đưa ra những giải pháp cụ thể để phòng chống dịch.

Đầu tiên là huy động toàn bộ hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân đồng lòng, tích cực tham gia phòng chống dịch. Tiếp đó, triển khai tất cả các biện pháp theo nguyên tắc phát hiện, ngăn chặn, cách ly, dập dịch một cách hiệu quả, hành động thần tốc, quyết liệt.

Cùng đó, triển khai đồng bộ tất cả các biện pháp về chuyên môn kỹ thuật, từ xét nghiệm đến điều trị. Và cuối cùng là là ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác phòng, chống dịch cũng như công tác truyền thông để người dân hiểu, hỗ trợ và hợp tác chống dịch hiệu quả.

Điều lo lắng lần này dịch đã tấn công thẳng vào các cơ sở y tế, nhất là các bệnh viện tuyến cuối như BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư, BV K, nơi được coi là những thành trì y tế trong trận chiến chống Covid-19. Bộ Y tế đã chỉ đạo những giải pháp nào để đảm bảo an toàn cho những cơ sở y tế này?

Nguy cơ dịch xâm nhập vào các bệnh viện tuyến Trung ương (tuyến cuối) cao hơn rất nhiều địa phương, vì bệnh viện Trung ương là nơi đón tiếp các bệnh nhân từ các địa phương chuyển lên.

Đợt dịch này đã tràn vào nhiều cơ sở y tế, trong đó có 2 bệnh viện tuyển cuối là BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư và BV K. Hiện, Bộ Y tế đã có nhiều phương án đối với BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư, như sẽ tiếp tục mở rộng các BV khác ở Hà Nội để điều trị các bệnh nhân Covid-19; chuyển bớt bệnh nhân điều trị nội trú, bệnh nhân Covid-19 đã có xét nghiệm âm tính lần 1, 2 sang các cơ sở y tế khác nhằm giảm tải nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Hiện nay, tình hình trong các BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư và BV K vẫn đang được kiểm soát tốt.

Tuy nhiên, đối với những người ở các địa phương đã đến và về từ 2 bệnh viện này, các tỉnh phải rà soát, truy vết thần tốc, xét nghiệm thần tốc để sớm khoanh vùng dập dịch. Nếu để lọt người nào ra cộng đồng, mức độ lây lan sẽ rất nhanh.

Xác định 4 nguồn dịch

Mức độ nguy hiểm và phức tạp của đợt dịch lần này rõ ràng khác trước, vậy các biện pháp được đưa ra có thay đổi so với trước?

Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19, trước và trong đợt dịch lần này, Bộ Y tế luôn có các khuyến cáo với tất cả cơ sở y tế trên toàn quốc làm xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho nhân viên y tế, bệnh nhân, nhất là ở các khoa bệnh nặng như truyền nhiễm, hô hấp, hồi sức, thận nhân tạo…

Bệnh viện được khuyến cáo giảm bớt người bệnh, bệnh nhân sau khi xét nghiệm âm tính sẽ chuyển sang bệnh viện có cùng chuyên khoa, chuyên ngành của tỉnh hoặc của địa phương.

Thực hiện giãn cách đối với tất cả người nuôi bệnh, tuyệt đối hạn chế người thăm bệnh. Đội ngũ y, bác sĩ thì phải tăng cường trách nhiệm sàng lọc, đảm bảo an toàn phục vụ người bệnh.

Bên cạnh đó, tại các địa phương cũng cần tăng cường trách nhiệm đảm bảo an toàn cho các cơ sở y tế. Nếu cơ sở y tế nào, kể cả công lập hoặc tư nhân không đáp ứng an toàn Covid-19, không tuân thủ phòng chống dịch thì lập tức cho dừng ngay hoạt động.

Những ngày qua, số người phát hiện nhiễm mới vẫn tiếp tục gia tăng, Bộ Y tế đã xác định được có bao nhiêu nguồn dịch?

Đến thời điểm này, chúng ta đã có thể xác định có 4 nguồn dịch bao gồm: Hải Dương, Đà Nẵng, Yên Bái, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Từ 4 nguồn dịch này đã lây lan ra 26 tỉnh, thành phố. Mặc dù số ca nhiều, lây lan ở nhiều địa phương trên cả nước, nhưng với việc thực hiện truy vết thần tốc, xét nghiệm nhanh, cách ly kịp thời nên số ca nhiễm mới đều là F1 được cách ly từ trước, nguồn lây ra cộng đồng được ngăn chặn...

Có thể nói, chúng đang kiểm soát được nguồn lây ở từng ổ dịch. Từng tỉnh đang kiểm soát được tình hình, góp phần cùng cả nước kiểm soát dịch bệnh.

Chuyển trạng thái “chủ động tấn công”

Trong đợt dịch này Thủ tướng có chỉ đạo tinh thần “chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công”, việc này được hiểu và thực hiện như thế nào?

Mặc dù đã xác định được nguồn lây tại các ổ dịch Covid-19, xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng xử lý thần tốc nhưng chúng ta vẫn đang ở trong tình trạng nguy cơ rất cao, khả năng lây nhiễm mạnh…

Muốn chuyển tâm thế chống dịch sang “chủ động tấn công” thì phải phát hiện sớm nguồn lây nhiễm bằng cách đẩy mạnh truy vết, xét nghiệm, sàng lọc nguồn bệnh.

Tại các khu vực có nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm cao như: Cơ sở khám chữa bệnh, chợ, siêu thị, nhà máy, nơi lưu trú, khu vực tập trung đông người… phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm để chủ động ngăn chặn dịch bệnh.

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện có trên 300 giường bệnh trở lên phải có một phòng xét nghiệm khẳng định Realtime-PCR, qua đó đáp ứng nhu cầu xét nghiệm.

Các địa phương cũng phải chủ động lường trước các kịch bản xấu hơn có thể xảy ra là tình huống cả nước có tới 30.000 ca nhiễm, trên cơ sở đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng ứng phó.

Tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm (năng lực truy vết, lấy mẫu, bảo đảm máy móc, sinh phẩm, kỹ thuật viên…); Phát huy vai trò của tổ chuyên gia phân tích diễn biến tình hình dịch; khoanh vùng cách ly gọn nhất có thể, tránh cực đoan, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân; triển khai lắp đặt camera giám sát ở những khu vực có nguy cơ… cùng nhiều giải pháp đồng bộ khác.

Ngoài ra, tiếp tục siết chặt ngăn chặn, kiểm soát biên giới, cũng như nhiều người đang được cách ly tại khu cách ly tập trung hoặc đang trong thời gian theo dõi, giám sát y tế, không để lây nhiễm ra cộng đồng.

Trong bối cảnh hiện nay có thể có những ổ bệnh lẩn khuất trong cộng đồng, chưa được phát hiện, việc thực hiện nghiêm thông điệp 5K có vai trò quan trọng trong công tác phòng bệnh.

Thực hiện tốt 5K giúp chủ động cắt đứt chuỗi lây nhiễm, chuỗi dịch tễ trong cộng đồng. Cùng với đó, chiến lược “phát hiện sớm, truy vết nhanh, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả” của Việt Nam vẫn chính xác, ổn định, cần tiếp tục duy trì.

Ca nhiễm mới sẽ tiếp tục tăng

Thời điểm này đã phải là đỉnh dịch hay chưa và liệu có thể dự báo khi nào đợt dịch thứ 4 này sẽ kết thúc hay không?

Theo dự báo, các ca mắc tiếp tục sẽ tăng trong thời gian tới khi nhiều F1 đưa đi cách ly tập trung. Do năng lực xét nghiệm của nhiều địa phương còn chưa đáp ứng được yêu cầu, nên kết quả còn chậm. Để khống chế ca mắc mới, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế chỉ đạo các tỉnh phải kiên quyết cách ly tập trung F1, điều đó là không bàn cãi.

Chỉ khi F1 cách ly tập trung, mới chặt đứt các mối lây truyền dịch bệnh. Tuy nhiên, cách ly tập trung phải tuân thủ nghiêm ngặt, có kết quả xét nghiệm âm tính 3 lần theo hướng dẫn của Bộ Y tế và lần cuối cùng phải là ngày 21, không được để như tình trạng đã xảy ra trong thời gian vừa qua.

Dự kiến, trong 2 tuần tới, các ca nhiễm mới có thể vẫn cao, nhưng chủ yếu là các F1 đã được cách ly tập trung. Tuy nhiên, chúng ta không được lơ là chủ quan, mọi người dân phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch; đẩy mạnh công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm để khoanh vùng nhanh.

Ngày bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp đã cận kề, làm thế nào để đảm bảo an toàn cho người dân khi họ đi bỏ phiếu?

Để chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội khóa XV, trong tình hình dịch hiện nay, Bộ Y tế đã có hướng dẫn, đề nghị các địa phương phải xây dựng kịch bản cụ thể để đảm bảo an toàn phòng chống dịch tối ưu nhất khi người dân đi bỏ phiếu.

Cảm ơn ông!

Việt Nam sắp có thêm 1,6 triệu liều vaccine AstraZenceca

Ngày 13/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, UNICEF đã khẳng định ngày 16/5 tới đây, sẽ có thêm 1,682 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của AstraZenceca qua nguồn COVAX facility sẽ được chuyển giao cho Việt Nam.

Bộ Y tế sẽ tiến hành phân bổ nguồn vaccine này cho tất cả các đơn vị, địa phương để thực hiện công tác tiêm chủng phòng, chống dịch theo kế hoạch đã đề ra.

Bộ Y tế đã và đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, tiếp cận và đàm phán các nguồn vaccine để đảm bảo đủ vaccine tiêm chủng cho người dân. Song song với đó, Bộ Y tế cũng triển khai đồng bộ các giải pháp để đảm bảo tiêm chủng an toàn của chiến dịch tiêm chủng lớn nhất cho người dân.

Tính hết ngày 12/5, cả nước đã có 62 tỉnh, thành phố hoàn thành tiêm chủng vaccine Covid-19, với 942.030 mũi tiêm vaccine của AstraZeneca. Những người được tiêm là cán bộ, nhân viên y tế; thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, lực lượng công an, quân đội.

Ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội - MASSEI:
Kiểm soát được dịch bệnh, kinh tế sẽ khôi phục

Chính phủ đang làm rất tốt trong điều chỉnh hoạt động chống dịch với tư duy thà bỏ tiền ra làm xét nghiệm rộng còn hơn phải giãn cách xã hội, đóng cửa nền kinh tế.

Theo đó, chúng ta đã khoanh vùng theo khu vực, lĩnh vực có nguy cơ cao để thực hiện xét nghiệm diện rộng nhằm phát hiện cảnh báo sớm. Đây cũng chính là kinh nghiệm giúp hạn chế khả năng bùng phát dịch đã được thực hiện thành công tại các nước như Hàn Quốc hay Singapore. Chỉ khi nào kiểm soát tình hình dịch bệnh, nền kinh tế mới sớm được khôi phục.

TS. Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế:
Mục tiêu chống dịch là số 1

Từ nay tới cuối năm, kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, tình hình thay đổi liên tục, do đó cần vận dụng cách làm sáng tạo, không quá chủ quan nhưng cũng không quá cầu toàn.

Theo đó, chúng ta phải tập trung hết sức bảo đảm mục tiêu số 1 là chống dịch, đồng thời cố gắng duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm, giữ kinh tế tăng trưởng dương. Nói thì dễ nhưng quả thật đây là nhiệm vụ khó khăn phức tạp, đòi hỏi nỗ lực vượt khó, thích nghi của cả hệ thống chính trị, của mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp. Dĩ nhiên khi triển khai biện pháp chống dịch thì những địa phương liên quan sẽ bị ảnh hưởng, song không nên có thái độ cực đoan mà cần phải nhìn nhận theo hướng tích cực.

Thay vì phong tỏa diện rộng dẫn đến thiệt hại kinh tế không cần thiết, chúng ta đã chuyển sang thế chủ động tấn công dịch, khoanh gọn xử lý nhanh vùng lây, mở rộng xét nghiệm… Đối với việc mở cửa nền kinh tế cũng đang được tính toán thực hiện thí điểm ở quy mô nhỏ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sau đó tổng kết điều chỉnh mở rộng.

Hoàng Ngân (Ghi)

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp

Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp

Thời sự xã hội - 30/10/2024

Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp

Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao

Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao

Thời sự xã hội - 28/10/2024

Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao

Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh

Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh

Thời sự xã hội - 24/10/2024

Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh

Vụ cô giáo đánh học sinh lớp 1 bầm tím: Chuyển hồ sơ sang công an xử lý

Vụ cô giáo đánh học sinh lớp 1 bầm tím: Chuyển hồ sơ sang công an xử lý

Thời sự xã hội - 18/10/2024

Vụ cô giáo đánh học sinh lớp 1 bầm tím: Chuyển hồ sơ sang công an xử lý

Hà Nội: Người dân lao vào khu xưởng cháy trong đêm để cứu tài sản, hàng hóa

Hà Nội: Người dân lao vào khu xưởng cháy trong đêm để cứu tài sản, hàng hóa

Thời sự xã hội - 17/10/2024

Hà Nội: Người dân lao vào khu xưởng cháy trong đêm để cứu tài sản, hàng hóa

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới