Hà Nội sau những ngày thần tốc
5 ngày qua, Hà Nội lập nhiều kỷ lục mới trong phòng chống dịch Covid-19.
Theo báo cáo của Sở Y tế, số mũi tiêm vaccine phòng Covid-19 liên tục lập kỷ lục, cao nhất chạm mốc 600.000 mũi/ngày.
Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một mũi vacine phòng dịch đạt 106,5%.
Việc xử lý ổ dịch Thanh Xuân Trung với 500 ca bệnh được đánh giá hiệu quả với biện pháp giãn dân quyết liệt, lần đầu đưa hơn 1.200 người đi cách ly khỏi nơi cư trú.
Chỉ trong 1 tuần, diễn biến dịch đã được kiểm soát, số ca mắc mỗi ngày trung bình 50 - 70 ca ở giai đoạn trước giảm còn trên dưới 10 ca, chủ yếu nằm trong các khu phong tỏa, cách ly.
Nhiều ngày, Hà Nội chỉ có 1 - 2 ca mắc mới. Việc xét nghiệm tầm soát diện rộng được triển khai rốt ráo ở khắp các khu dân cư.
Từ 16/9, UBND Thành phố chính thức thông báo 19/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội được nới lỏng các biện pháp giãn cách.
Liên tiếp các con số cho thấy Hà Nội đã chống dịch thành công trong giai đoạn cực kỳ quan trọng và đang từng bước tái lập lại cuộc sống “bình thường mới”.
Để thực hiện được chiến dịch thần tốc này, ngoài nỗ lực của chính quyền các cấp, thành phố đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các tỉnh, thành khác.
Hơn 8.000 nhân viên y tế từ 12 tỉnh, thành phía Bắc đã hỗ trợ Hà Nội triển khai chiến dịch tiêm chủng và xét nghiệm lớn nhất từ trước tới nay.
Còn hơn 1 tháng nữa, nếu được phân bổ kịp vaccine, Hà Nội sẽ là địa phương đầu tiên trong cả nước đạt mục tiêu 100% dân số được tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19.
Vấn đề là, Hà Nội của chúng ta sẽ tiếp tục chống dịch như thế nào? Khi không thể huy động mãi nhân lực từ địa phương khác cho những giai đoạn quan trọng.
Có thể thấy, thời gian vừa qua, để dịch bệnh không lây lan trên diện rộng Hà Nội đã tốn rất nhiều nhân lực, vật lực.
Hầu như không có giải pháp công nghệ nào được áp dụng hiệu quả mặc dù có hàng chục ứng dụng công nghệ từ khai báo y tế, tiêm chủng, QRcode, Bluezone.
Cảnh sát giao thông vẫn lập chốt, chăng dây kiểm tra giấy đi đường tạo nên những điểm ùn tắc đông người.
Người vừa xét nghiệm xong vẫn phải xét nghiệm lại vì không có chứng nhận kết quả xét nghiệm trước đó (chỉ ai dương tính mới được thông báo, âm tính không có chứng nhận).
Người tiêm hai mũi chưa được cập nhật thông tin lên hệ thống.
Tổ trưởng tổ dân phố vẫn phải gửi tờ khai, cam kết, khảo sát bằng giấy đến từng hộ gia đình.
Cuộc chiến chống Covid-19 còn dài, nới lỏng giãn cách vẫn phải đảm bảo phương án an toàn. Hà Nội là đầu mối chính trị kinh tế - xã hội của cả nước, không thể bế quan tỏa cảng mãi, việc có các ca nhiễm mới là điều phải chấp nhận.
Không có cách nào khác, phải lựa chọn phương án chống dịch dựa trên trụ cột công nghệ làm kế sách lâu dài.
Việc này ban đầu không dễ nhưng nếu Hà Nội có một chiến lược xuyên suốt và chỉ đạo quyết liệt trong việc này, chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các cơ quan, đơn vị Nhà nước có trụ sở tại đây, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa ra xã hội.
Nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng, làm app (ứng dụng) không quá khó nhưng khó nhất là việc tổ chức triển khai hiệu quả, mà đầu tiên là nhập dữ liệu và khuyến khích người dân sử dụng.
Trong khi chờ có app thống nhất về phòng chống Covid-19 như chỉ đạo của Thủ tướng, Hà Nội nên chủ động:
Khai báo xét nghiệm Covid-19 và trả kết quả qua mã QRcode (quận Long Biên vừa thí điểm áp dụng);
Cập nhật thông tin tiêm chủng lên hệ thống để người dân có “thẻ xanh”. Bệnh viện tuyến đầu nào thiếu nhân lực nhập dữ liệu, thành phố cần hỗ trợ;
Chuyển chăng dây lập chốt kiểm tra trên đường bằng cách xử phạt nơi tập trung đông người, phạt nguội qua kiểm tra khai báo và QRcode; Có phương án không để phát sinh đám đông tại các chốt giữa vùng đỏ - vùng xanh;
Cấp giấy đi đường trong vùng đỏ nên cấp trực tuyến;
Hạn chế thay đổi chính sách hoặc ban hành chính sách khi chưa có phương án thực hiện rõ ràng và khả thi.
Người dân mong mỏi, Thủ đô phải là nơi đi đầu ứng dụng công nghệ chống dịch, trở thành mô hình để các địa phương trong cả nước học tập.
Bởi lẽ, không đâu có thế mạnh và điều kiện bằng Hà Nội trong việc này.
Nguyễn Nga
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin
Thời sự xã hội - 02/12/2024
Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin
Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn
Thời sự xã hội - 02/12/2024
Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Thời sự xã hội - 30/10/2024
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao
Thời sự xã hội - 28/10/2024
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao
Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh
Thời sự xã hội - 24/10/2024
Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh