Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội đang diễn biến phức tạp, với số ca mắc ngày một tăng. Một tuần qua, số F0 phát sinh mỗi ngày của Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước. Ðã có tám quận trở thành vùng cam, tăng sáu quận so với thời điểm trước đó một tuần. Thành phố đang tập trung triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 liều bổ sung và liều nhắc lại, chăm sóc người bệnh ngay từ tuyến cơ sở, để hạn chế tối đa số bệnh nhân tăng nặng phải chuyển tầng điều trị.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 25/12, tổng số bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Hà Nội là 19.730 người, trong đó có hơn 10.000 người đang điều trị tại nhà, gần 5.000 người điều trị tại các cơ sở thu dung của quận, huyện; số còn lại điều trị tại các bệnh viện Trung ương và Hà Nội, cơ sở thu dung điều trị của thành phố. Tính từ ngày 27/4 đến nay, Hà Nội cũng đã ghi nhận 109 người chết do Covid-19. Mặc dù đa số trường hợp mắc Covid-19 chết đều mắc bệnh nền và chưa tiêm vắc-xin, nhưng với số ca F0 cao như vậy, nguy cơ số ca diễn biến nặng, nguy kịch cũng tăng lên. Chính vì vậy, thời điểm này, thành phố rất chú trọng việc hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà, tại các trạm y tế lưu động, nhằm giảm hạn chế số bệnh nhân tăng nặng phải chuyển tầng điều trị.
Hỗ trợ F0 điều trị tại nhà
Với số lượng F0 tăng cao, phường Mai Ðộng (quận Hoàng Mai) đã lập thêm Trạm y tế lưu động số 2 tại Trường mầm non Mai Ðộng; đồng thời, từ ngày 21/12, thành lập năm tổ hỗ trợ cho hơn 300 bệnh nhân Covid-19 (F0) thể nhẹ đang điều trị, cách ly tại nhà và tại trạm y tế lưu động. Ðó là các tổ: xử lý môi trường; tổ phản ứng nhanh; tổ cung ứng hậu cần; tổ tuyên truyền và tổ chăm sóc người bệnh. Bí thư Ðoàn Thanh niên phường Mai Ðộng Trương Sỹ Ðạt cho biết: “Tổ phản ứng nhanh gồm 10 thành viên. Sau ba ngày thành lập, tổ đã nhận được 20 cuộc gọi của các trường hợp F0, F1 trên địa bàn. Sau khi tiếp nhận thông tin, chúng tôi sàng lọc nhanh mức độ nguy cơ dựa vào triệu chứng qua khai báo của người gọi để có hướng xử lý phù hợp. Trong trường hợp cấp bách, Tổ phản ứng nhanh sử dụng xe vận chuyển người bệnh kịp thời tiếp cận và hỗ trợ chăm sóc khi người nhiễm Covid-19 đang cách ly tại nhà có dấu hiệu chuyển nặng”. Chị V.T.T ở phố Lĩnh Nam, một F0 đang điều trị tại nhà cho biết: “Khi khảo sát đủ điều kiện được cách ly tại nhà, nhân viên của trạm y tế phường đã hướng dẫn tôi và gia đình tổ chức sinh hoạt trong nhà, bảo đảm an toàn cho các thành viên. Việc sử dụng thuốc, đo nhịp tim, nồng độ ô-xy... cũng được hướng dẫn chi tiết, giúp tôi yên tâm điều trị tại nhà”.
Tại phường Thanh Trì hiện có 107 trường hợp F0 đang điều trị tại nhà và 24 F0 đang điều trị tại trạm y tế lưu động. Bí thư Ðảng ủy phường Vương Thị Mai Hương cho biết, những trường hợp F0 này thường xuyên nhận được sự giúp đỡ kịp thời của các tổ hỗ trợ với hơn 150 thành viên. Trong đó, riêng tổ chăm sóc, hỗ trợ, tư vấn F0 được chia thành 18 nhóm, mỗi nhóm có từ ba đến bốn người là nhân viên y tế đang công tác tại các bệnh viện, hiện sinh sống trên địa bàn phường, nhân viên y tế nghỉ hưu, các nhà thuốc tư nhân để tư vấn cho F0 khi có yêu cầu. Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, hoạt động của các tổ hỗ trợ F0 tại các phường là một trong những biện pháp cấp bách phù hợp, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong tình hình mới, đồng thời, giúp người dân cảm thấy yên tâm khi điều trị, cách ly tại nhà và tại trạm y tế lưu động.
Các phường trên địa bàn quận Tây Hồ đã nhanh chóng triển khai xây dựng các nhóm hỗ trợ F0, F1. Mỗi tổ dân phố duy trì một nhóm, gồm các thành viên: Tổ trưởng dân phố, bác sĩ của phường, bác sĩ tình nguyện. Tại phường Thụy Khuê, nơi có gần 20 trường hợp F0 cách ly tại nhà, đã thành lập 13 nhóm hỗ trợ tại 13 tổ dân phố. Tổ hỗ trợ tiếp nhận thông tin từ người nhiễm Covid-19 tại nhà; giám sát chặt chẽ từng ngõ, từng nhà, từng người để phát hiện và thông tin kịp thời tới Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 phường và cơ quan y tế; hướng dẫn các biện pháp thực hiện cách ly tại nhà, ghi chép các thông tin nhận được từ người cách ly tại nhà và thông báo cho cán bộ y tế của trạm y tế phường, trạm y tế lưu động, lấy mẫu xét nghiệm khi cần thiết...
Giữ vai trò xung kích ở tuyến đầu, từ ngày 16/12, Quận đoàn Tây Hồ đã triển khai đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ F0. Thanh niên tại tám phường trên địa bàn quận đều cử thành viên tham gia vào 109 nhóm hỗ trợ F0, F1 ở các phường. Tại phường Tứ Liên, 12 tình nguyện viên áo xanh phân công nhau hỗ trợ toàn bộ các ca F0 điều trị tại nhà. Bạn Trần Hải Yến, tình nguyện viên tại phường Tứ Liên chia sẻ: “Hằng ngày, tôi gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe các ca F0 ở tổ dân phố số 4 được điều trị tại nhà, thường xuyên hỏi thăm các dấu hiệu khác để kịp thời tư vấn. Tôi cũng tìm hiểu hoàn cảnh của từng F0 để hỗ trợ mua các hàng hóa cần thiết, giúp đỡ lực lượng chức năng khi thực hiện nhiệm vụ”. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Thanh niên quận Tây Hồ còn phối hợp Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội triển khai mô hình “Thầy thuốc đồng hành” từ ngày 24/12, hỗ trợ cho các F0 điều trị tại nhà, giảm tải cho các cơ sở y tế khi lượng bệnh nhân tăng cao.
Lập trạm y tế lưu động tại khu công nghiệp
Tại khu vực ngoại thành, chính quyền các huyện tập trung phòng, chống dịch trong các khu công nghiệp, chế xuất. Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Ðông Anh) có 110 nhà máy và văn phòng đại diện, hơn 58 nghìn công nhân lao động, là khu vực có nguy cơ lây nhiễm dịch cao do nhiều lao động đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Huyện Ðông Anh đã lập trạm y tế lưu động tại khu công nghiệp với năm nhân viên y tế và đầy đủ các trang, thiết bị, giúp người lao động được tiếp cận y tế một cách nhanh nhất, xét nghiệm nhanh Covid-19 để tách F0 ra khỏi cộng đồng, đồng thời, xử lý kịp thời bệnh nhân triệu chứng nặng. Trưởng phòng Y tế huyện Ðông Anh Nguyễn Thành Luân cho biết: “Gần đây, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều ổ dịch mới với sự lây lan tăng nhanh số ca F0 tại các xã Vân Nội, Việt Hùng, Mai Lâm, thị trấn Ðông Anh... liên quan đến ổ dịch trong doanh nghiệp hoặc nơi tập trung đông người. Huyện chỉ đạo đơn vị chuyên môn tăng cường nhân lực, vật lực cho 29 trạm y tế lưu động trên địa bàn”. Chính quyền các địa phương phối hợp Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, Ban Quản lý khu công nghiệp, chế xuất và các doanh nghiệp đã thành lập 20 trạm y tế lưu động đặt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Ðồng thời, duy trì hoạt động của tổ an toàn Covid trong từng doanh nghiệp để kịp thời xử lý khi xuất hiện F0 trong khu sản xuất, kinh doanh.
Kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 đến nay, huyện Phúc Thọ là địa phương duy nhất trên địa bàn Hà Nội vẫn giữ cấp độ dịch ở mức độ 1. Những ngày qua, huyện tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, nhất là thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch trong cộng đồng. Cụ thể, đối với đám cưới, số lượng người tham dự không tập trung quá 30 người/thời điểm. Những người thuộc diện cách ly, hoặc có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 không được tham dự. Việc tổ chức lễ tang cũng được rút ngắn thời gian, hạn chế các đoàn viếng. Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Ðình Sơn cho biết, nhờ thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch, ý thức và nhận thức của người dân thay đổi tích cực. Huyện đang phấn đấu giữ vững địa bàn “vùng xanh” trong thời gian tới.
Giảm tối đa số bệnh nhân tăng nặng phải chuyển tầng điều trị
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, trước diễn biến dịch phức tạp, Sở Y tế đã yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm công tác khám sàng lọc, phân luồng, cách ly, chuyển tuyến người nghi nhiễm Covid-19; phân tuyến điều trị cho các bệnh viện theo các cấp độ diễn biến của dịch; phân công một số bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Thành phố đang triển khai kế hoạch việc triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 liều bổ sung và liều nhắc lại. Theo kế hoạch này, người từ 18 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng đã được tiêm đủ liều cơ bản vắc-xin phòng Covid-19 hoặc người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc-xin của hãng Sinopharm hoặc vắc-xin Sputnik V thì được tiêm 1 mũi bổ sung vắc-xin. Ngoài ra, người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc bổ sung sẽ được tiêm 1 mũi vắc-xin nhắc lại, ưu tiên tiêm trước cho người có tình trạng suy giảm miễn dịch, người có bệnh nền, người từ 50 tuổi trở lên và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Tính đến hết ngày 25/12, thành phố đã tiêm 112.573 mũi bổ sung và 39.092 mũi nhắc lại cho người trên 18 tuổi.
Ngoài trách nhiệm của ngành y tế, Thành ủy Hà Nội yêu cầu cả hệ thống chính trị của thành phố phải xác định công tác phòng, chống dịch là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Tại cuộc họp của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn ngày 23/12, Bí thư Thành ủy Ðinh Tiến Dũng chỉ đạo, các cấp, các ngành phải tập trung tối đa cho tuyến y tế cơ sở; trọng tâm là củng cố, nâng cao năng lực y tế cơ sở để kịp thời hỗ trợ người dân, đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch trên từng địa bàn. Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã rà soát về năng lực, điều kiện y tế của từng phường, xã, thị trấn, từng khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp; tiếp tục triển khai phương án bố trí trạm y tế lưu động, sẵn sàng đáp ứng khi số ca F0 tiếp tục tăng. Ðặc biệt, phương án bố trí trạm y tế lưu động phải gắn với cơ sở vật chất và nhân lực cụ thể. Trong đó, các quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo để chính quyền phường, xã, thị trấn và y tế cơ sở nắm chắc thông tin người bệnh trên địa bàn; có phương án duy trì liên lạc để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ chăm sóc, tránh để người dân gọi mà không ai trả lời, nhất là phải kịp thời phát hiện nguy cơ chuyển biến nặng để chuyển tầng điều trị phù hợp cho người dân. UBND thành phố, các quận, huyện, thị xã có kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự và tránh để tụ tập đông người làm lây lan dịch bệnh trong các dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới.