Tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế

07:45 25/08/2022 - Thời sự xã hội
Ngành Y tế đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Tại Hội nghị Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững do Bộ Y tế tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng trong những công việc cần giải quyết thì có việc cần thời gian, nhưng cũng có việc cần được tháo gỡ ngay.

Theo Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, thời gian tới, ngành Y tế cần tập trung giải quyết 12 vấn đề yếu kém, bất cập cả trước mắt và lâu dài.

Chọn “giá thấp nhất” hay “giá hợp lý nhất”

Thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất xảy ra ở hầu hết các bệnh viện, từ tuyến huyện, tỉnh đến tuyến trung ương. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đó là vướng mắc trong triển khai đấu thầu mua sắm. Đối với thuốc, vướng mắc xuất hiện ngay từ giai đoạn xây dựng giá dự toán vì trong thực tế thuốc là loại hàng hóa đặc biệt có nhiều đặc tính kỹ thuật khác nhau, được phân chia nhiều nhóm khác nhau, mỗi nhóm kỹ thuật có đơn giá khác nhau. Vì vậy, phải đến giai đoạn xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm thì mới xác định được nhóm kỹ thuật của thuốc phù hợp nhu cầu điều trị, giai đoạn này bệnh viện mới xác định được đơn giá của thuốc, vật tư y tế, hóa chất theo từng nhóm kỹ thuật. Như vậy, việc phê duyệt giá dự toán mua sắm thuốc không thể thực hiện được.

Đối với đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế, hóa chất và sinh phẩm, các bệnh viện cũng gặp khó khăn trong quá trình lập và xác định giá gói thầu trong kế hoạch. Đối với yêu cầu ba bảng báo giá, trang thiết bị y tế, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm là loại hàng hóa mang tính đặc thù của ngành y tế, một số loại được phân phối độc quyền từ các nhà cung cấp hoặc chỉ có một nhà cung cấp trên địa bàn, việc thu thập đủ ba bảng báo giá theo quy định để xác lập giá kế hoạch là rất khó thực hiện. Có một số trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao bệnh viện đăng công khai thông tin mời chào giá nhiều lần nhưng vẫn không có đủ ba bảng báo giá, có loại thì chỉ có hai, thậm chí có loại thì chỉ có một bảng báo giá…

Từ thực tế những vướng mắc, bất cập trong đấu thầu mua thuốc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất, lãnh đạo nhiều bệnh viện kiến nghị, ở giai đoạn lập dự toán mua sắm không bắt buộc phải xây dựng đơn giá chi tiết theo từng nhóm kỹ thuật; cần thiết bổ sung vào thông tư hướng dẫn xác định dự toán mua sắm thuốc được xây dựng đơn giá dự toán theo nhóm kỹ thuật với giá bình quân mua sắm trong năm trước liền kề hoặc giá bình quân theo các báo giá được xác lập trong giai đoạn xây dựng dự toán mua sắm. Đối với các loại thuốc hiếm, thuốc đặc trị thì Bộ Y tế đưa vào danh mục mua sắm tập trung hoặc cho phép mua sắm theo hình thức chỉ định thầu rút gọn để bảo đảm có thuốc phục vụ điều trị cho người bệnh.

Đối với đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế, hóa chất và sinh phẩm cần quy định rõ cho trường hợp thu thập không đủ ba bảng báo giá sau khi đã đăng tải rộng rãi thư mời báo giá nhiều lần; đồng thời, chủng loại vật tư y tế không có kết quả trúng thầu được đăng tải công khai trong vòng 12 tháng. Trường hợp này nên quy định đơn giá đề xuất kế hoạch thu thập được bao nhiêu bảng báo giá thì lấy giá thấp nhất trong số các bảng báo giá đó làm giá kế hoạch, không nhất thiết phải chờ đủ ba bảng báo giá. Mặt khác, có quy định rõ thứ tự ưu tiên trong việc sử dụng thông tin về giá để xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Đối với hàng hóa nhập khẩu, các đơn vị kiến nghị bổ sung điều chỉnh yêu cầu cụ thể việc thông tin giá nhập khẩu là công khai. Các bộ, ngành cần hướng dẫn cụ thể việc kê khai, công khai giá trang thiết bị y tế, vật tư y tế, hóa chất từ khi nhập vào Việt Nam để các cơ sở y tế yên tâm xây dựng giá gói thầu. Trên thực tế, các bệnh viện hiện đang rất lúng túng trong việc mua các hàng hóa nhập khẩu vì không có cơ sở pháp lý cho phép được mua chênh lệch giá là bao nhiêu lần và hàng hóa nhập khẩu đó được phép phân phối qua bao nhiêu cấp trung gian.

TS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị: Giá mua sắm không nên là “giá thấp nhất”, mà cần quy định rõ là giá “hợp lý nhất” dựa trên nhu cầu điều trị thực tế của từng cơ sở y tế, từng chuyên khoa, từng hạng bệnh viện. Các hàng hóa phục vụ công tác điều trị cho người bệnh rất đa dạng về chủng loại, xuất xứ, chất lượng, do đó, nếu chỉ cho phép chọn giá rẻ nhất khi mua sắm thì sẽ khó có hàng tốt, phù hợp mô hình, tính chất bệnh tật của từng bệnh viện để phục vụ người bệnh.

Giải bài toán tự chủ

Tự chủ là bước đi, là xu thế tất yếu đối với các cơ sở y tế, nhưng đây lại đang là một “nút thắt” của ngành y tế. Tự chủ về tài chính là một trong ba trụ cột quan trọng của tự chủ bệnh viện, nhưng đang là vấn đề vướng mắc nhất. Hiện nay, giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa được tính đúng, tính đủ, mới tính bốn trong số bảy yếu tố cấu thành giá; giá dịch vụ theo yêu cầu phải theo khung giá nhưng đến nay khung giá cũng chưa được ban hành.

Tại buổi làm việc với Bộ Y tế mới đây, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã đề xuất xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện, đề xuất chuyển đổi thực hiện theo nhóm 2 của Nghị định 60/2021/NĐ-CP, là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên. Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cũng cho rằng chưa nên thực hiện tự chủ ở các bệnh viện tuyến cuối, vì đây là bệnh viện đầu ngành, nơi điều trị tất cả bệnh nhân trong cả nước, nếu tự chủ chắc chắn phải tăng doanh thu, lúc đó sẽ gây khó khăn cho bệnh nhân nghèo.

Giá dịch vụ công (trong đó có dịch vụ y tế) được quy định tại điểm a khoản 3 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP: đến hết năm 2021, cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá).

Tuy nhiên, đến nay giá dịch vụ y tế vẫn chưa được tính đúng, tính đủ các chi phí cấu thành, gây nhiều khó khăn đối với các bệnh viện tự chủ nhóm 1 và nhóm 2 (do không được cấp kinh phí chi thường xuyên và đầu tư). Mặt khác, các chi phí có tính biến động giá theo điều chỉnh của Nhà nước lại không được điều chỉnh đồng thời vào giá dịch vụ y tế đã ảnh hưởng đến nguồn chi lương, thu nhập cho cán bộ, viên chức, khó thực hiện chế độ đãi ngộ thu hút nhân tài… Lãnh đạo nhiều bệnh viện kiến nghị Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan nhanh chóng thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP.

Cải thiện thu nhập cho nhân viên y tế

Tại Hội nghị Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững, nhiều đại biểu nêu rõ, chế độ, chính sách cho nhân viên y tế còn chưa phù hợp, lạc hậu, chậm thay đổi phù hợp thực tế. Hiện nay, phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật được thực hiện theo Quyết định 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 đã hơn 10 năm, mức chi phụ cấp này đã không còn phù hợp, cần được điều chỉnh theo hướng tăng phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Đáng chú ý, do thu nhập không phù hợp mà trong mỗi năm có hàng nghìn nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển ra làm việc tại cơ sở y tế ngoài công lập để có ưu đãi, thu nhập cao hơn. Mặc dù tỷ lệ này vẫn nằm trong phạm vi ổn định về mặt nhân sự, nhưng số lượng bỏ việc có chiều hướng gia tăng, cho nên ngành y tế cần tiến hành khảo sát về lý do nghỉ việc cũng như mức độ hài lòng trong công tác của các nhân viên y tế để có thể dự báo trước những yếu tố có thể gây ra tỷ lệ nghỉ việc tăng cao. Mặt khác, Bộ Y tế cần chủ trì, phối hợp Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp cho cán bộ ngành y tế, hạn chế tình trạng nghỉ việc, chuyển việc…

Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan kiến nghị, Chính phủ cần có chính sách quy định hỗ trợ tiền đóng học phí cho học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, nhất là các ngành, chuyên ngành khó tuyển, các ngành phục vụ cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở. Chính phủ sớm ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ trong đó tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%. Chính phủ sớm xem xét và ban hành nghị quyết về giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản; thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế; chức danh bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc hai đối với tất cả các hạng chức danh.

“Tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp, xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện. Bộ Y tế cùng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính rà soát và chủ động phối hợp các bộ, ngành liên quan để xây dựng cơ chế đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế bảo đảm nguyên tắc minh bạch, khả thi và tạo sự yên tâm cán bộ thực thi công chức công vụ, tránh tâm lý sợ việc đấu thầu, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân”.

(Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững)

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp

Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp

Thời sự xã hội - 30/10/2024

Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp

Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao

Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao

Thời sự xã hội - 28/10/2024

Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao

Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh

Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh

Thời sự xã hội - 24/10/2024

Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh

Vụ cô giáo đánh học sinh lớp 1 bầm tím: Chuyển hồ sơ sang công an xử lý

Vụ cô giáo đánh học sinh lớp 1 bầm tím: Chuyển hồ sơ sang công an xử lý

Thời sự xã hội - 18/10/2024

Vụ cô giáo đánh học sinh lớp 1 bầm tím: Chuyển hồ sơ sang công an xử lý

Hà Nội: Người dân lao vào khu xưởng cháy trong đêm để cứu tài sản, hàng hóa

Hà Nội: Người dân lao vào khu xưởng cháy trong đêm để cứu tài sản, hàng hóa

Thời sự xã hội - 17/10/2024

Hà Nội: Người dân lao vào khu xưởng cháy trong đêm để cứu tài sản, hàng hóa

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới