Trong các buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương, Phó Thủ tướng luôn nhấn mạnh và yêu cầu khẩn trương hình thành những “vùng xanh” an toàn cả tỉnh hay cả vùng làm hậu phương vững chắc, chi viện, hỗ trợ cho khu vực TP Hồ Chí Minh. Đến nay đã từng bước điều chỉnh định hướng chống dịch riêng cho TP Hồ Chí Minh và một số địa bàn lân cận; đồng thời thúc đẩy để các tỉnh chung quanh như Bình Phước, vùng nam sông Hậu củng cố vững chắc và hình thành "vùng xanh" bền vững, lâu dài; từ đó mở tiếp "vùng xanh" bao chặt "vùng đỏ" ở TP Hồ Chí Minh. Ngay trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng từng bước mở rộng các “vùng xanh”, khoanh gọn “vùng đỏ” với nhiều lớp, để dần quay lại trạng thái bình thường mới.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngay từ đầu đợt dịch thứ tư bùng phát, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đều nhấn mạnh phải thực hiện quyết liệt cả hai mũi, gồm: truy vết, khoanh vùng những điểm, ổ dịch nóng; giữ bằng được những vùng còn an toàn. Tuy nhiên, nhiều nơi chưa chú ý đến mũi thứ hai. Nhưng sau khi xuất hiện các “vùng đỏ”, các địa phương lại dồn sức truy vết, xét nghiệm và bỏ quên “vùng xanh”. Trong khi để có thể dập được “vùng đỏ” phải có “vùng xanh” thật vững chắc. Hiện TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương đã chú ý hơn đến việc giữ vững các “vùng xanh”.
Mặc dù đã áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg ở các tỉnh phía nam trong 20 ngày qua nhưng số lượng các ca bệnh chưa giảm, thậm chí một số nơi vẫn tiếp tục tăng. Do vậy, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cần nghiêm ngặt ở tất cả các cấp độ, để tình hình dịch bệnh không tăng lên. Thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền và cũng là trách nhiệm của mọi người dân. Nếu làm nghiêm, sau khoảng hai tuần, chúng ta đã thấy kết quả tương đối rõ rệt và thường sau tuần thứ ba hoặc thứ tư, sẽ kiểm soát tốt. Nếu thực hiện không nghiêm, dịch sẽ tiếp tục kéo dài.
Trong đợt kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Bình Phước, Sóc Trăng và một số tỉnh khu vực nam sông Hậu (Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang), hay theo dõi tình hình dịch tại Bến Tre, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, nếu các cấp ủy, chính quyền, người dân cùng quyết tâm làm thật nghiêm, trong những ngày còn lại thực hiện giãn cách xã hội, có thể kiểm soát tốt tình hình. Thế nhưng kiểm soát tốt không có nghĩa sẽ không còn ca bệnh nhưng dịch bệnh tại những điểm nóng sẽ được khoanh lại, vây bằng nhiều lớp. Cả khu vực này hoàn toàn có thể hình thành một “vùng xanh” để làm hậu phương, tiếp tục kiểm soát dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh và các vùng lân cận.
Qua kiểm tra hoạt động chống dịch ở 19 tỉnh, thành phố phía nam đang thực hiện Chỉ thị 16, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng có thể chia làm ba nhóm. Nhóm thứ nhất, là các tỉnh vùng nam sông Hậu, Sóc Trăng, Bến Tre, Bình Phước thì phải hạ quyết tâm khi kết thúc thời gian thực hiện Chỉ thị 16 sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh trên quy mô từng tỉnh và cả khu vực. Kiểm soát tốt không có nghĩa không còn ca mắc mới, mà phải củng cố vững chắc vùng xanh trong từng tỉnh, dồn gọn các ổ dịch, khoanh nhiều lớp. Cả khu vực hình thành một “vành đai xanh” vững chắc. Nhóm thứ hai (TP Hồ Chí Minh, một phần Đồng Nai, Bình Dương, Long An) tình hình phức tạp hơn, đặc biệt, Đồng Nai, Bình Dương và Long An phải cố gắng kiểm soát dịch vào cuối tháng 8 này; nếu muộn hơn, đến giữa tháng 9, cùng với TP Hồ Chí Minh kiểm soát được dịch. Nhóm thứ ba (các địa phương còn lại) phải hạ quyết tâm kiểm soát dịch bệnh trong 20 ngày tới. Quy mô “vùng đỏ” những tỉnh này cũng phải khoanh vùng nhiều lớp, nhiều vòng.
Ngày 10/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 có buổi làm việc với UBND tỉnh Tây Ninh. Phó Thủ tướng lưu ý lãnh đạo địa phương cần linh hoạt, chủ động trong công tác phòng, chống dịch, giãn cách thật nghiêm, giữ cho được “vùng xanh”. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc, địa phương có số ca nhiễm bình quân hơn 100 ca/ngày, tuy nhiên, biểu đồ đang đi ngang và giảm dần.
Theo Bộ Y tế, ngày 10/8 cả nước ghi nhận 8.390 ca mắc Covid-19, trong đó năm ca nhập cảnh và 8.385 ca ghi nhận trong nước (giảm 938 ca so với ngày 9/8) tại 40 tỉnh, thành phố, trong đó có 1.115 ca trong cộng đồng. TP Hồ Chí Minh vẫn có số ca mắc nhiều nhất cả nước (3.956), tiếp đến Bình Dương (1.325), Long An (890), Đồng Nai (732),… Số ca mắc tại tỉnh Bình Dương giảm 1.562 ca so với ngày 9/8. Trong ngày, có 4.428 người bệnh mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) thông báo trên Hệ thống thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 388 người chết tại 13 tỉnh, thành phố.
Theo Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 toàn quốc đến nay, đã có hơn 18 triệu liều vắc-xin từ các nguồn khác nhau về đến Việt Nam. Hai tuần qua, tiến độ tiêm chủng được đẩy mạnh, trung bình mỗi ngày tiêm gần 400 nghìn mũi. Đến cuối năm 2021, số lượng vắc- xin sẽ về nhiều và dồn dập, do vậy công tác chuẩn bị phải luôn sẵn sàng. Để việc vận chuyển đến các địa phương kịp thời, an toàn, kho bảo quản tại các Quân khu trong tuần này phải xong.
Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm vắc-xin Covid-19. Theo đó, người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào trong thành phần của vắc-xin đủ điều kiện tiêm chủng vắc-xin Covid-19. Các đối tượng phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng. Các đối tượng trì hoãn tiêm chủng gồm: Người có tiền sử đã mắc Covid-19 trong vòng sáu tháng; người đang mắc bệnh cấp tính và phụ nữ mang thai dưới 13 tuần...
Trong ngày, tiếp tục diễn ra các hoạt động hỗ trợ phòng, chống dịch: UBND tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ 6.505 trường hợp gặp khó khăn do dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phố phía nam, với tổng số tiền 6,505 tỷ đồng. Tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ người dân TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai 100 tấn gạo. Trong đó, hỗ trợ TP Hồ Chí Minh 50 tấn gạo, Bình Dương và Đồng Nai mỗi tỉnh 25 tấn gạo. Ngoài ra, Cà Mau hỗ trợ 2.920 hộ là người dân Cà Mau nhưng đang lao động, học tập, điều trị bệnh tại TP Hồ Chí Minh, mỗi hộ gồm 1 triệu đồng tiền mặt và 10 kg gạo, 1 kg cá khô, chả cá, ước tiền mặt và vật chất quy ra tiền gần 3,6 tỷ đồng.
Sáng 10/8, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức lễ xuất quân của 46 y, bác sĩ, cán bộ y tế thuộc Cục Y tế, Bệnh viện 19-8 và Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an chi viện cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam phòng, chống dịch Covid-19.
Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Công an nêu rõ: Các thành viên của Đoàn cán bộ y tế công an nhân dân phải tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch khi làm nhiệm vụ tại địa phương; phát huy tinh thần trách nhiệm của người chiến sĩ y tế công an nhân dân; xây dựng tình đoàn kết quân dân, chung tay đẩy lùi dịch bệnh và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Chiều 10/8, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội kiểm tra tình hình và làm việc với Quận ủy Hoàng Mai về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Lưu ý quận Hoàng Mai là địa bàn có nguy cơ cao, tiềm ẩn sự lây lan mạnh của dịch Covid-19, đồng chí Đinh Tiến Dũng yêu cầu quận bảo đảm thực hiện giãn cách xã hội quyết liệt, thực chất, hiệu quả hơn từ mỗi gia đình. Các cơ quan, công sở, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn có phương án phòng, chống dịch được phê duyệt, phương án phải thực chất, không phải để đối phó.