Đưa 30 triệu liều vắc xin Covid-19 về Việt Nam - 'cú liều' giá trị của VNVC
Ngày 1/6, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) Ngô Chí Dũng vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Trước đó, ngày 25/5/2021, 287.600 liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là lô vắc xin thứ 2 do VNVC theo Hợp đồng đặt mua 30 triệu liều với AstraZeneca. Hợp đồng là kết quả của hành trình “đặt cược” mạo hiểm của VNVC khi vắc xin này còn đang được nghiên cứu ở giai đoạn 2.
Cuộc đặt cược đầy mạo hiểm
Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, bên cạnh nguyên tắc 5K phòng dịch, Chính phủ đã xác định “đại dịch chỉ kết thúc khi 70% dân số được tiêm vắc xin để tạo miễn dịch cộng đồng”
Trong bối cảnh khó khăn đó, với uy tín lớn trong ngành tiêm chủng vắc xin tại Việt Nam, là đối tác lớn của nhiều hãng vắc xin trên thế giới, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC đã nỗ lực tiếp cận nhiều nguồn vắc xin.
Tháng 8/2020, VNVC đã tiếp cận được tập đoàn dược phẩm AstraZeneca, đơn vị đang cùng trường Đại học Oxford của Vương Quốc Anh nghiên cứu phát triển vắc xin ngừa Covid-19.
Sau nhiều cuộc đàm phán, được sự ủng hộ của Bộ Y tế, tháng 11/2020, VNVC đã chính thức đạt thỏa thuận với AstraZeneca. Ngay lúc đó VNVC đã đặt cọc một số tiền rất lớn - 30 triệu USD cho hãng AstraZeneca để tham gia vào quá trình phát triển vắc xin. Lúc này, vắc xin mới thử nghiệm lâm sàng, nếu vắc xin không thành công, VNVC sẽ không được thu hồi số tiền này, thậm chí còn phải tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu, còn nếu nghiên cứu thành công, VNVC sẽ được ưu tiên đăng ký mua 30 triệu liều với giá ưu đãi.
Ngay thời điểm đạt được thỏa thuận, VNVC phải đặt cược với chính mình khi đầu tư lớn cho hệ thống công nghệ thông tin, nhanh chóng mở thêm hơn 40 trung tâm trên toàn quốc, tuyển dụng và đào tạo hàng nghìn nhân sự, đầu tư hệ thống kho lạnh, xe vận chuyển… Tất cả diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, tất cả vì mục tiêu sẵn sàng nhập khẩu, bảo quản và triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho hàng chục triệu người dân Việt Nam diễn ra an toàn.
Nhường vắc xin để bảo vệ lực lượng tuyến đầu chống dịch
Ngày 24/2/2021 lô vắc xin Covid-19 theo hợp đồng VNVC đặt mua 30 triệu liều của AstraZeneca đã về đến Việt Nam, gồm 117.600 liều. VNVC đã ngay lập tức chuyển giao và phối hợp Bộ Y tế kịp thời triển khai tiêm chủng cho cán bộ tuyến đầu chống dịch ở 13 tỉnh thành trên toàn quốc.
Ngày 10/3/2021, Bộ Y tế công bố Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC là đơn vị đầu tiên cả nước nhập khẩu được vắc xin Covid-19 về Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành nước thứ hai ở Đông Nam Á triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19.
VNVC cho biết sẵn sàng chuyển giao cho Bộ Y tế toàn bộ 30 triệu liều vắc xin Covid-19 đã đặt mua của AstraZeneca để phục vụ cho đất nước chống dịch, trên nguyên tắc phi lợi nhuận, với mức giá ngang bằng với giá VNVC mua từ nhà sản xuất AstraZeneca cùng các chi phí khác như thuế VAT, bảo hiểm, vận chuyển, tiếp nhận, bảo quản… Toàn bộ chi phí đã phát sinh trước thời điểm chuyển giao, VNVC tự chi trả.
Hồi nhớ lại “cú liều” để đạt hợp đồng 30 triệu liều vắc xin Covid-19 từ AstraZeneca, đại diện Công ty VNVC cho biết: “Đó là cuộc hành trình dài với nhiều khó khăn, diễn biến bất ngờ. Những cuộc họp diễn ra trong đêm, liên tục trong nhiều tháng cuối cùng đi tới kết thúc với thành công tốt đẹp, khi đặt bút ký thỏa thuận đặt cọc 30 triệu đô la, chúng tôi rơi nước mắt vì đã giành được suất mua loại vắc xin siêu khan hiếm cho Việt Nam, không hề lo sợ sẽ mất 30 triệu USD đặt cọc và những đầu tư khác”.
Để sẵn sàng cho việc tiếp nhận, bảo quản, phân phối và triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19 thần tốc, VNVC đầu tư Hệ thống kho lạnh đạt chuẩn GSP với 53 kho lạnh từ 2-8 độ C, đặc biệt là 3 kho lạnh âm sâu đến -86 độ C. Mỗi kho âm sâu được trang bị một kho rã đông riêng được kiểm soát nhiệt độ nghiêm ngặt dưới 8 độ C, đảm bảo chất lượng vắc xin khi đưa vào sử dụng.
Không dừng lại ở đó, ngoài các loại vắc xin Covid-19 được bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8 độ C, VNVC đầu tư hệ thống kho lạnh âm sâu với 3 tủ siêu lạnh (-86 đến -40 độ C) để sẵn sàng nhập về các loại vắc xin “khó tính” hơn như vắc xin Pfizer, với công suất bảo quản 3 triệu liều cùng một thời điểm, sẵn sàng cho các hoạt động nhập khẩu độc lập của VNVC.
“Những quyết định tiên phong luôn khiến VNVC có nguy cơ gặp nhiều rủi ro trong đầu tư. VNVC chúng tôi sẵn sàng chấp nhận rủi ro cho riêng mình nhưng nếu thành công sẽ mang lại lợi ích cho hàng chục triệu người, đóng góp lợi ích cho nhân dân và đất nước”, đại diện VNVC khẳng định.
Ngọc Minh
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
TP.HCM gặp vướng trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế
Thuốc biệt dược - 16/08/2024
TP.HCM gặp vướng trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế
Bổ sung 15 chất mới vào danh mục chất ma túy
Thuốc biệt dược - 22/07/2024
Bổ sung 15 chất mới vào danh mục chất ma túy
Triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho y tế cơ sở
Thuốc biệt dược - 17/07/2024
Triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho y tế cơ sở
Bảo đảm đủ thuốc điều trị ARV cho người nhiễm HIV
Thuốc biệt dược - 20/06/2024
Bảo đảm đủ thuốc điều trị ARV cho người nhiễm HIV
Sửa đổi quy định về quản lý giá thuốc để đồng bộ các quy định hiện hành
Thuốc biệt dược - 20/06/2024
Sửa đổi quy định về quản lý giá thuốc để đồng bộ các quy định hiện hành