Chính trường Brazil hỗn loạn vì vaccine Covid-19
Với chương trình tiêm chủng được công nhận toàn cầu và năng lực sản xuất dược phẩm mạnh mẽ, Brazil đáng lẽ là nước có lợi thế trong cuộc đua vaccine. Song các cuộc đấu đá chính trị, kế hoạch phòng dịch chia rẽ và phong trào chống vaccine khiến nước này không có chương trình tiêm phòng Covid-19 thích đáng. Người dân mù mịt chưa biết khi nào có thể thoát khỏi loại virus đã nghiền nát nền kinh tế và làm tê liệt hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Denise Garrett, chuyên gia dịch tễ tại Viện Vaccine Sabin, nhận xét: "Họ đang đùa với mạng sống người dân".
Nhiều chuyên gia từng kỳ vọng năng lực tiêm chủng của Brazil có thể giúp họ xử lý đại dịch tốt hơn trong giai đoạn sau. Ở giai đoạn đầu, ngay sau khi Covid tràn đến vào tháng 2, Brazil đã trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.
Tổng thống Jair Bolsonaro khi ấy bác bỏ hàng loạt bằng chứng khoa học, mô tả nCoV là "virus cảm lạnh vớ vẩn". Ông không phong tỏa đất nước, đồng thời chỉ trích các thống đốc vì tự áp đặt biện pháp kiểm dịch và cho doanh nghiệp đóng cửa.
Giờ đây khi Anh và Mỹ đang bắt đầu chương trình tiêm chủng lịch sử, tạo niềm hy vọng về cuộc sống bình thường hậu dịch bệnh, Brazil một lần nữa sa lầy trong các cuộc tranh luận ồn ào về chính trị hóa vaccine.
Bộ Y tế tuần trước trình bày kế hoạch tiêm chủng theo lệnh của Tòa án Tối cao. Kế hoạch đề ra nhóm dễ tổn thương được ưu tiên tiêm chủng, song thiếu mốc thời gian cụ thể và số lượng vaccine có sẵn. Bộ cho biết chương trình tiêm phòng dự kiến bắt đầu vào tháng 3 năm sau.
Nhiều ngày sau đó, Bộ Y tế vẫn giành giật từng hợp đồng vaccine với các nhà cung cấp vốn đã quá tải. Quan chức cũng đối mặt với câu hỏi tại sao quốc gia không đủ kim tiêm, lọ đựng để bắt đầu chiến dịch tiêm phòng cần thiết cho một quốc gia với 210 triệu dân và hơn 180.000 ca tử vong vì Covid-19.
"Người dân sẽ hoảng loạn nếu Brazil không có một kế hoạch, chiến lược rõ ràng, khách quan", Rodrigo Maia, thành viên Hạ viện, nhận định.
Quá trình mua vaccine cũng chìm trong các cuộc tranh cãi chính trị. Tổng thống Bolsonaro nhiều lần thay đổi quan điểm về vaccine CoronaVac do Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển. Ông đột ngột hủy bỏ đơn đặt hàng 46 triệu liều hồi tháng 10.
Đối thủ chính trị của ông là João Doria, thống đốc bang São Paulo, đã thương lượng trực tiếp với Trung Quốc về việc mua vaccine. Doria cho biết các quan chức bang không thể chờ đợi chính quyền liên bang, đã thay đổi tới ba bộ trưởng Y tế trong chưa đầy một năm đại dịch. Tuần trước, Thống đốc Doria hứa với các cử tri São Paulo sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng vào cuối tháng 1 năm sau.
Thống đốc một số bang khác cũng bắt đầu tìm cách mua vaccine cho riêng bang mình, trong đó vaccine Sputnik V của Nga là một lựa chọn.
Trong khi đó, chính phủ đặt niềm tin vào vaccine của Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca. Song sản phẩm đang chậm chân hơn các đối thủ trong cuộc đua. Văn phòng Tổng thống mô tả kế hoạch tiêm vaccine vào tháng 1 tới của ông Doria là "trò dân túy vô trách nhiệm và rẻ tiền". Bia Kicis, một chính trị gia thân tín của tổng thống, tuyên bố tiêm vaccine là chiêu trò tạo thay đổi trong gene người. Điều này bị các chuyên gia y tế bác bỏ.
Cuộc tranh cãi nóng lên hơn nữa khi ông Doria và chính phủ liên bang bị cho là đã chính trị hóa kế hoạch tiêm chủng của người dân một cách nguy hiểm.
Carla Domingues, chuyên gia dịch tễ và tiêm chủng, cho rằng vaccine Covid-19 tại Brazil dần trở thành vấn đề đảng phái.
"Điều này chưa từng xảy ra trong các chiến dịch tiêm chủng trước đây. Nó khiến người dân hoang mang", bà nói. "Thật không thể tưởng tượng nổi".
Kể cả khi vượt qua khó khăn về nguồn cung và hậu cần, chuyên gia y tế cho rằng Brazil sẽ phải đối mặt với vấn đề mới: phong trào tẩy chay vaccine. Đầu tháng này, trên trang Twitter, nghị sĩ Roberto Jefferson viết: "Những người theo chủ nghĩa toàn cầu đang chuẩn bị một loại vaccine để thay đổi DNA của chúng ta". Bài đăng được chia sẻ hơn 3.000 lần.
Phong trào chống vaccine ngày càng căng thẳng khiến một số thống đốc, trong đó có ông Doria, đề xuất ý tưởng bắt buộc tiêm phòng. Tuy nhiên, Tổng thống Bolsonaro nói rằng "vaccine chỉ nên bắt buộc đối với chó".
Trước đó, các đợt tiêm vaccine tại Brazil là hoàn toàn tự nguyện. Song người dân ít khi nghi ngờ về tính an toàn và hiệu quả của các liều tiêm.
Cuộc thăm dò của nhóm các công ty phân tích dữ liệu uy tín Datafolha cho thấy 22% số người được hỏi không có ý định tiêm vaccine Covid-19, tăng hơn hai lần so với mức 9% hồi tháng 8.
Thục Linh (Theo NY Times)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
AstraZeneca thu hồi vaccine Covid-19: Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Tin quốc tế - 09/05/2024
AstraZeneca thu hồi vaccine Covid-19: Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài
Tin quốc tế - 24/10/2023
Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài
Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình
Tin quốc tế - 06/10/2023
Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình
WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
Tin quốc tế - 12/05/2023
WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao
Tin quốc tế - 05/04/2023
WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao