Cô gái xương thủy tinh sắp thành tân kỹ sư nhờ đôi chân của mẹ
Em Võ Thị Huỳnh Như (23 tuổi, ngụ xã Hòa Thành, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau), sinh viên năm 4 ngành Công nghệ thông tin, phân hiệu Đại học Bình Dương tại Cà Mau) mắc căn bệnh xương thủy tinh từ nhỏ.
Vượt qua mọi rào cản và trở ngại em đã bước chân vào giảng đường đại học, hiện em sắp tốt nghiệp ra trường.
Mẹ nguyện làm đôi chân cho con gái
Bà Đinh Hồng Dân (49 tuổi, mẹ của em Như), chia sẻ: "Ngày Như cất tiếng khóc chào đời, gia đình vui khôn tả. Nhưng không may cháu mắc phải căn bệnh xương thủy tinh, khiến cơ thể phát triển không bình thường, đau yếu liên miên".
Thương con gái, vợ chồng bà Dân đã chạy chữa khắp nơi, dành tất cả thời gian để có thể chăm sóc Như được tốt nhất.
Khi Như lên 7 tuổi, thấy bạn bè cùng trang lứa đến trường, Như khóc để xin cha mẹ được đi học. Vì lo lắng cho sức khỏe của con, nên mọi người trong gia đình không đồng ý.
Tuy nhiên, sự kiên định và khát khao được đi học của Như đã thuyết phục được bà Dân.
"Tôi qua trường tiểu học gần nhà trình bày nguyện vọng của con và may mắn được thầy Hiệu trưởng chấp nhận cho cháu đến lớp", bà Dân kể lại.
Để Như có thể đến lớp hằng ngày, bà Dân phải cõng em trên lưng, đi bộ với quãng đường hơn 3km, bất kể ngày nắng hay mưa.
"Vì chuyện cho Như đi học mà vợ chồng tôi thường xuyên xảy ra cự cãi rồi đường ai nấy đi. Để có tiền trang trải cuộc sống và lo cho con gái, ai kêu tôi làm gì tôi làm nấy. Còn cha Như thì lo cho hai người con trai", bà Dân chia sẻ.
Cũng theo lời bà Dân, năm nay đã 23 tuổi nhưng Như chỉ nặng khoảng 30kg và cao chưa được 1m. Tất cả các sinh hoạt, di chuyển của Như đều phụ thuộc vào mẹ.
Tấm gương sáng cho các bạn sinh viên
Khi Như lên cấp 2, con lộ giao thông nông thôn trước nhà được bê tông hóa, bà Dân mua chiếc xe đạp chở con đi học.
Những năm Như học cấp 3, trường xa nhà, bà Dân phải mướn phòng trọ gần trường để tiện việc chăm sóc và đưa rước con.
Thời gian Như ở lớp, bà Dân đi làm thêm với những công việc, như: Rửa chén, phụ bán quán ăn gần trường.
Không phụ lòng mẹ ngày đêm tảo tần, làm đôi chân cho mình, Như đã tốt nghiệp THPT và giờ đây em đã là sinh viên năm thứ 4 ngành Công nghệ thông tin, phân hiệu Đại học Bình Dương tại Cà Mau và sắp tốt nghiệp ra trường trở thành tân kỹ sư.
"Khi Như bước vào giảng đường đại học tôi rất vui mừng, đó là động lực lớn để tôi cố gắng lo cho con hoàn thành ước mơ.
Như vào lớp học thì tôi tất bật xuống căn tin của trường phụ chị chủ bán nước, cơm... kiếm thêm thu nhập. Nhiều hôm thấy tôi vất vả, các bạn trong lớp của Như cũng phụ tôi cõng cháu vào lớp", bà Dân nói.
Em Võ Thị Huỳnh Như chia sẻ: "Nếu không có sự hy sinh của mẹ thì em không thể học được đến ngày hôm nay. Mong ước lớn nhất của em là ra trường sẽ tìm được việc làm ổn định để có tiền lo cho mẹ".
Chị Ngô Mai Lý, Bí thư Đoàn phân hiệu Đại học Bình Dương tại Cà Mau cho biết, ngoài đài thọ 100% học phí, tặng máy tính cho Như, nhà trường còn giới thiệu việc làm giúp cho mẹ Như có thêm nguồn thu nhập trong thời gian đưa đón con.
"Tuy mắc bệnh xương thủy tinh nhưng Như đã luôn nỗ lực và cố gắng hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập. Ý chí vươn lên của em đã trở thành tấm gương sáng cho nhiều bạn sinh viên trong trường", chị Lý chia sẻ thêm.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Bộ đội Biên phòng cứu hộ thành công tàu cá cùng 13 ngư dân bị nạn trên vùng biển Cô Tô
Tin trong nước - 24/12/2024
Bộ đội Biên phòng cứu hộ thành công tàu cá cùng 13 ngư dân bị nạn trên vùng biển Cô Tô
Nam sinh lớp 10 bị bạn học hành hung giữa sân trường
Tin trong nước - 19/12/2024
Nam sinh lớp 10 bị bạn học hành hung giữa sân trường
Lội nước lụt, 2 học sinh ở Quảng Nam đuối nước thương tâm
Tin trong nước - 16/12/2024
Lội nước lụt, 2 học sinh ở Quảng Nam đuối nước thương tâm
Hỗ trợ đột xuất gia đình 5 học sinh đuối nước tử vong tại Phú Thọ
Tin trong nước - 21/11/2024
Hỗ trợ đột xuất gia đình 5 học sinh đuối nước tử vong tại Phú Thọ
Khí thải phương tiện giao thông thầm lặng hủy hoại sức khỏe con người
Tin trong nước - 01/11/2024
Khí thải phương tiện giao thông thầm lặng hủy hoại sức khỏe con người