Những triệu chứng báo hiệu có vấn đề về tim mạch hậu Covid-19?
Câu hỏi: Những dấu hiệu nào cần lưu ý về vấn đề tim mạch sau khi khỏi Covid-19?
Trả lời:
ThS, BS Nguyễn Dũng, Khoa Nội Tim mạch (A2A), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108:
Sau khi nhiễm Covid-19 nhiều bệnh nhân đã gặp các triệu chứng tồn tại dai dẳng, thậm chí phải quay trở lại bệnh viện để điều trị.
Thống kê cho thấy 33-76% người bệnh có thể gặp các triệu chứng kéo dài ít nhất 6 tháng sau khi nhiễm bệnh, khoảng 20% người bệnh phải tái nhập viện; 80% người bệnh phải theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau xuất viện. Đây là tình trạng được gọi là hội chứng hậu Covid-19.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hội chứng hậu Covid-19 hay tình trạng hậu Covid-19 (post Covid-19 condition) xảy ra ở những người đã nhiễm Covid-19 với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế.
Tình trạng này có thể khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội. Ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, thể chất, nó còn có thể gây ra những hậu quả kinh tế nặng nề cho bản thân người bệnh, gia đình và cho xã hội.
Đặc biệt hội chứng hậu Covid-19 có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ngay cả khi bị bệnh nhẹ, ở những người trẻ tuổi, không có các yếu tố nguy cơ khác.
Theo nghiên cứu mới đây, được công bố trên tạp chí Nature Medicine ngay cả khi hồi phục sau Covid-19 với diễn biến nhẹ, người bệnh vẫn có thể đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn đáng kể cho đến một năm sau khi nhiễm bệnh.
Các biểu hiện bao gồm: rối loạn mạch máu não, rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ, huyết khối và các rối loạn chức năng tim khác. Cụ thể, nhiễm Covid-19 làm tăng 63% nguy cơ đau tim, 52% nguy cơ đột quỵ và 72% nguy cơ suy tim trong khoảng thời gian 12 tháng so với những người không mắc bệnh. Đồng thời, làm phức tạp thêm quá trình hồi phục của họ.
Bác sĩ Dũng phân tích, các tế bào trong tim có các thụ thể men chuyển angiotensin-2 (ACE-2), đây là nơi Coronavirus SARS-CoV-2 gắn vào trước khi xâm nhập vào tế bào. Do vậy nó có thể làm tổn thương cơ tim và ảnh hưởng đến chức năng tim.
Nhiễm coronavirus cũng ảnh hưởng đến nội mạc mạch máu, gây viêm mạch máu, tổn thương các vi mạch và hình thành cục máu đông, có thể làm giảm lưu lượng máu đến tim hoặc các bộ phận khác của cơ thể.
Ngoài ra tổn thương tim cũng có thể do tình trạng nhiễm trùng nặng trong cơ thể. Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể đáp ứng chống lại virus, có thể phát sinh quá trình viêm làm phá hủy một số mô, tổ chức bình thường, bao gồm cả tim.
Mệt mỏi là triệu chứng thường gặp nhất. Ngoài ra, người hồi phục sau mắc Covid-19 có thể biểu hiện khó thở, đau ngực, hồi hộp trống ngực. Tuy nhiên các triệu chứng này không đặc hiệu, có thể liên quan đến rối loạn tim mạch nhưng cũng có thể do các yếu tố khác như hạn chế vận động trong thời gian mắc Covid-19.
Sau khi nhiễm Covid-19, có thể thấy tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực. Triệu chứng của nhịp tim nhanh hoặc không đều có thể bao gồm: Cảm thấy tim đập nhanh, đánh trống ngực, khó chịu ở ngực; Cảm thấy lâng lâng hoặc chóng mặt, đặc biệt là khi đứng.
Những người đang hồi phục sau coronavirus đôi khi xuất hiện các triệu chứng của một tình trạng được gọi là POTS (hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng). Cụ thể, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng nhịp tim nhanh khi đứng lên, có thể dẫn đến sương mù não, mệt mỏi, đánh trống ngực, choáng váng và các triệu chứng khác.
Nếu thấy khó thở, kèm độ bão hòa ô-xy thấp (dưới 92%) thì cần chú ý. Tuy nhiên cũng có khi người bệnh bị hụt hơi khi gắng sức vì đã một thời gian dài không hoạt động thể lực do mắc bệnh.
Nếu đau ngực dữ dội, đặc biệt đau dai dẳng kèm cảm giác buồn nôn, khó thở hoặc choáng váng: có thể là các triệu chứng của cơn đau tim. Nếu đau ngực khi hít vào, có thể do bị viêm phổi. Còn đau ngực dữ dội, đột ngột có thể là do thuyên tắc phổi.
Về tình trạng suy tim hậu Covid-19 khá hiếm gặp, nhưng nếu bị khó thở hoặc phù chân thì cần đi khám xem có suy tim không. Các triệu chứng của suy tim bao gồm: Khó thở, đặc biệt khi gắng sức; khó thở khi nằm: mệt mỏi; phù chân, tiểu đêm nhiều,…
Trẻ em nhiễm Covid-19 thường không gặp các vấn đề nghiêm trọng như người lớn. Tuy nhiên có một biến chứng ít gặp nhưng rất nguy hiểm gọi là hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C), gây tổn thương tim nghiêm trọng, sốc tim hoặc tử vong. MIS-C có một số đặc điểm tương tự như bệnh Kawasaki.
Nếu các triệu chứng là do nguyên nhân tim, việc phục hồi phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương (chẳng hạn như nhồi máu cơ tim cấp do Covid-19).
Nhiễm Covid-19 ở trường hợp nặng, có thể làm cho bệnh tim đang mắc trở nên trầm trong hơn. Nhưng trong các trường hợp nhiễm Covid nhẹ hoặc không có triệu chứng thì hầu như không ảnh hưởng.
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Những người cần mẫn trao giọt hồng, gieo sự sống
Vì một trái tim khoẻ - 07/11/2024
Những người cần mẫn trao giọt hồng, gieo sự sống
Hồi sinh cuộc sống mới cho người đàn ông vừa suy tim vừa suy gan nguy kịch
Vì một trái tim khoẻ - 08/10/2024
Hồi sinh cuộc sống mới cho người đàn ông vừa suy tim vừa suy gan nguy kịch
Cảnh báo trẻ hóa người mắc bệnh nhồi máu cơ tim, có bệnh nhân mới 24 tuổi
Vì một trái tim khoẻ - 11/09/2024
Cảnh báo trẻ hóa người mắc bệnh nhồi máu cơ tim, có bệnh nhân mới 24 tuổi
Thêm một em bé được thông tim trong bào thai thành công
Vì một trái tim khoẻ - 16/07/2024
Thêm một em bé được thông tim trong bào thai thành công
Bệnh huyết áp âm thầm tấn công người trẻ
Vì một trái tim khoẻ - 13/06/2024
Bệnh huyết áp âm thầm tấn công người trẻ