Bệnh nhân Covid-19 nặng nhất miền Bắc: 'Tôi được sinh ra lần thứ hai'
Người đàn ông không muốn nêu tên, "bệnh nhân 793", chia sẻ trong lễ tuyên bố khỏi Covid-19: "Giờ phút này tôi không biết nói gì hơn. Cảm ơn các y bác sĩ, họ đã sinh ra tôi lần thứ hai".
Ông cùng 4 người nữa được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tuyên bố khỏi Covid-19 hôm nay, gồm các bệnh nhân số 751, 794, 811, 1045. Người đàn ông cho biết đã ăn uống đi lại bình thường, vẫn cảm thấy mệt mỏi khi phải đi bộ quãng đường xa hơn phạm vi khoa điều trị. Bác sĩ thông báo ông sẽ xuất viện trong vài ngày tới, tiếp tục cách ly 14 ngày và theo dõi y tế tại địa phương.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc, khoa Hồi sức tích cực, cho biết "bệnh nhân 793" là ca Covid-19 nặng nhất tại miền Bắc ở giai đoạn hai, liên quan Đà Nẵng. Ông là ca thứ hai ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phải can thiệp ECMO (hệ thống oxy hóa màng ngoài cơ thể), sau "bệnh nhân 19" ở giai đoạn một.
Ông bị lây nhiễm nCoV từ 4 người trong gia đình đi du lịch Đà Nẵng các ngày 21 đến 24/7. Khi dịch bắt đầu bùng phát tại Đà Nẵng, ở Bắc Giang, ông cùng cả gia đình cách ly tại nhà do có yếu tố dịch tễ. Ngày 5/8, cả gia đình được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trong đó 6 người xét nghiệm dương tính nCoV.
Sau khi nhập viện, ông không có bệnh nền, song tình trạng cứ trở nặng dần. 10 ngày sau, ông chuyển vào khoa Hồi sức Tích cực điều trị, nơi chỉ dành cho bệnh nhân nặng. Ngày 24/8 thay máy thở không xâm nhập sang máy thở xâm nhập qua ống nội khí quản. Hai ngày sau đó, bệnh diễn biến nặng và phức tạp, bác sĩ buộc phải can thiệp ECMO.
Người đàn ông nhớ lại, khi ấy, nằm trên giường bệnh, ông chỉ kịp nghe bác sĩ thông báo phổi đang rất tệ, rồi ngất đi và tỉnh lại là hơn 10 ngày sau. Ông mở mắt, ngơ ngác, cảm thấy hơi ngưa ngứa ở bên ngực phải. Bác sĩ dặn không được gãi ở bên phải vì đang cắm ống dẫn truyền, ông gật đầu, vẫn cảm thấy rất mơ hồ. Cơ thể rất mỏi mệt, ống dẫn thức ăn vẫn nằm trong miệng, ông không có ý niệm gì về thời gian, ngày tháng.
Vài ngày sau, ông được rút ống dẫn truyền. Lúc này, thuốc mê đã hết hẳn, ông mới nói chuyện được và mới biết đã mê man hơn 10 ngày, ở trong tình trạng nguy kịch. "Trước đó tôi ho rất khó chịu, khi ho phải lấy tay giữ ngực, không nghĩ mình bệnh nặng như thế", ông nói.
Bác sĩ hướng dẫn ông tập thở khí trời và vận động sau khi rút các thiết bị hỗ trợ sống. Phổi đã trở lại bình thường song thở vẫn rất khó khăn. Các y bác sĩ hỗ trợ bằng cách vỗ trước, sau ngực ông để thở thuận lợi hơn. "Có những đêm, họ vỗ ngực cho tôi hàng tiếng đồng hồ, tới tận 12 giờ đêm. Những lúc nằm lâu quá bị mỏi, họ chẳng quản đêm hôm đến bóp tay chân giúp tôi", ông nhớ lại.
Gần 20 ngày sau, ông hồi phục, chuyển sang điều trị tại khoa Nội tổng hợp, cùng bệnh viện.
Theo bác sĩ Phúc, bệnh nhân đáp ứng điều trị rất kém trong ba ngày đầu, cải thiện chậm, máy thở và máy ECMO được điều chỉnh hỗ trợ ở mức tối đa. Các y bác sĩ túc trực 24/24 trong phòng bệnh để căn chỉnh từng chỉ số của máy, theo dõi chặt những thay đổi của bệnh nhân.
"Rất căng thẳng. Chúng tôi cứ đứng bên cạnh máy để canh chừng", bác sĩ Phúc nói.
Tới bốn ngày sau, bệnh nhân mới dần đáp ứng với thuốc điều trị, sức khỏe khá hơn. Ngày 4/9, ông được cai ECMO, rút ống nội khí quản ngày 5/9. "Lúc đó, mọi người vui lắm vì bệnh nhân có 50% cơ hội sống rồi", bác sĩ Phúc nói.
Đến khi bệnh nhân đi lại được, sinh hoạt bình thường, nụ cười tươi sáng mới nở lại trên gương mặt nhóm bác sĩ.
Chi Lê
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo