Bill Gates dự đoán thế giới hậu Covid-19
Ông lo ngại về những tháng sắp tới, cảnh báo số ca tử vong vì Covid-19 có thể tăng như đợt cao điểm đầu tiên nếu các chính phủ không hành động hiệu quả.
"Tôi bi quan về viễn cảnh mùa thu đông ở bán cầu bắc. Nếu chúng ta không có các biện pháp can thiệp, tỷ lệ tử vong ở một số quốc gia, bao gồm Mỹ, sẽ tăng trở lại mức như mùa xuân", ông nói. Nói về Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc, Bill Gates nhận định đại dịch có thể đẩy lùi tiến độ phát triển của thế giới về những năm 1990.
Hàng loạt chỉ số, từ tỷ lệ tử vong ở sản phụ và trẻ sơ sinh, tình trạng đói nghèo, trình độ giáo dục đã bị đảo ngược nhiều thập kỷ. Điều này có thể còn gây ra nhiều cái chết hơn cả Covid-19, theo báo cáo của Quỹ Gates công bố hôm thứ hai.
"Chúng ta đã thụt lùi khoảng 25 năm. Tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều người chết vì các nguy cơ gián tiếp hơn là tác động trực tiếp của virus", Bill Gates nói.
Vợ chồng Bill-Melinda Gates nhắc lại Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Căn bệnh gây ra "một chuỗi thảm họa liên tiếp".
"Chỉ trong chớp mắt, cuộc khủng hoảng sức khỏe đã trở thành khủng hoảng kinh tế, lương thực, nhà ở, chính trị. Thứ này kéo theo thứ khác. ‘Chuỗi thảm họa liên tiếp’ cũng là khái niệm phù hợp để mô tả Covid-19", cả hai nhận định.
Tuy nhiên, Bill Gates vẫn tỏ ra tích cực với tương lai trước mắt, cho rằng điều tồi tệ nhất sẽ trôi qua trong vòng hai năm.
"Vào mùa hè tới, chúng tôi sẽ cung cấp vaccine cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Dù hiệu quả tiêm chủng chỉ đạt 60%, chúng ta vẫn có thể ngăn chặn bệnh tật lây lan theo cấp số nhân. Tôi rất lạc quan rằng trong năm tới, các con số sẽ xuống rất, rất thấp. Cuộc khủng hoảng sẽ kết thúc đâu đó khoảng năm 2022", người đứng đầu Quỹ từ thiện Bill-Melinda Gates nói.
Ông cho rằng chỉ sự hợp tác quốc tế mới có thể ngăn chặn tác động tồi tệ nhất của Covid-19. "Không có cái gọi là giải pháp cấp quốc gia cho một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Tất cả các nước phải làm việc cùng nhau nhằm chấm dứt đại dịch và bắt đầu xây dựng lại nền kinh tế. Chúng ta mất rất nhiều thời gian để nhận ra điều đó, càng mất nhiều thời gian (và chi phí) để đứng vững trở lại".
Bill Gates cho rằng công tác lập kế hoạch và ứng phó với đại dịch của các quốc gia có sự khác biệt. Theo ông, Thụy Điển đã mắc sai lầm khi không thực hiện giãn cách xã hội, nhưng điều này có thể khiến người nước này đạt miễn dịch cộng đồng.
Tại Mỹ, ông so sánh công sức bỏ ra để tìm kiếm phát triển vaccine với mức đầu tư hời hợt cho công tác xét nghiệm và xác định sớm các ổ dịch. Tình hình tương tự xảy ra ở Anh. Cả hai có vẻ lúng túng hơn so với Hàn Quốc hay Đài Loan, những nơi từng có kinh nghiệm đối phó với SARS, MERS.
Thục Linh (Theo Telegraph)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo