Chủ tịch xã nhiễm bệnh khi cứu dân, tử vong: khuẩn whitmore nguy hiểm sao?
Mới đây, đại diện UBND huyện Bố Trạch thông tin ông Phan Thanh Miên, Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch qua đời vì nhiễm vi khuẩn khi đi ứng cứu người dân trong mưa lũ.
Trước đó, khoảng giữa tháng 10/2020, ông Miên cùng các lực lượng về cơ sở tổ chức ứng phó với lũ lụt. Lúc này, ông bị thương nhẹ ở đầu gối và tiếp tục làm nhiệm vụ di dời người dân vùng lũ. Những ngày tiếp theo, vị chủ tịch xã dầm mưa, lội nước lũ cùng các đoàn cứu trợ đi cấp phát nhu yếu phẩm cho người dân.
Khi bị sốt, ông Miên được đưa vào trạm y tế xã điều trị nhưng không thuyên giảm. Sau đó, ông Miên được chuyển vào BV hữu nghị Việt Nam Cuba – Đồng Hới trong tình trạng sốt nặng, đầu gối bị sưng rất to, thể trạng yếu; rồi chuyển tiếp vào Bệnh viện Trung ương Huế. Bệnh nhân bị nhiễm trùng, phải thở máy, lọc máu liên tục, tử vong vào ngày 11/11. Các bác sĩ cho hay bệnh nhân bị bệnh Whitmore, thông qua tiếp xúc trực tiếp với đất và nước mặt bị ô nhiễm.
Theo BS. Hoàng Công Tính, BV ĐK Hòa Bình, bệnh Whitmore do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei gây nên (chưa có vaccine dự phòng). Vi khuẩn này có trong đất và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc với đất nhiễm khuẩn hoặc bệnh nhân hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.
Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa. Người có sẵn các bệnh lý mạn tính như: đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, bệnh phổi mạn tính... dễ bị mắc Whitmore. Khi xâm nhập vào cơ thể con người, vi khuẩn này có thể gây nhiễm khuẩn với các mức độ khác nhau: nhiễm khuẩn tại chỗ (khu trú), nhiễm khuẩn toàn thân (nhiễm khuẩn huyết), sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng.
Những trường hợp tử vong thường do bệnh ở giai đoạn muộn, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng.
Bệnh Whitmore hoàn toàn có thể phòng tránh và điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm, bằng các loại kháng sinh đặc hiệu.
BS. Tình khuyến cáo, để phòng bệnh, mọi người cần hạn chế tiếp xúc với đất hoặc bùn nước, đặc biệt là những nơi ô nhiễm. Trang bị đầy đủ giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên phải làm việc ngoài trời, tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nước nhiễm bẩn. Khi có vết thương hở trên da, vết loét hoặc bỏng, bệnh nhân cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có nguy cơ bị ô nhiễm và chứa vi khuẩn.
Chia sẻ về những hệ lụy về sức khỏe người dân sau bão lũ, GS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, sau bão lũ môi trường ô nhiễm, người dân phải đối mặt với nhiều bệnh lý truyền nhiễm; hơn nữa với những người nào vốn tiềm tàng bệnh lý mạn tính thì nguy cơ tăng nặng bệnh là rất cao.
Vũ Vũ
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo