Góc khuất phía sau gia đình hiến tạng
Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, từ năm 2014 thành lập đến nay, trung tâm tiếp nhận 38 trường hợp hiến tạng sau khi chết não.
"Mỗi gia đình có người hiến tạng là một câu chuyện đặc biệt. Phía sau sự dũng cảm, thiện lương của họ, phần nhiều là những góc khuất, đắng cay khó giãi bày", bác sĩ Thu chia sẻ.
Bác sĩ kể, cậu con trai cả của bà mẹ miền Tây ấy chết não sau một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, năm 2010. Đó cũng là giai đoạn kỹ thuật ghép tạng từ người chết não ở Bệnh viện Chợ Rẫy đặt những bước đi chập chững đầu tiên.
Mẹ và em trai bệnh nhân đồng thuận hiến tạng người thân sau khi được bác sĩ Thu tư vấn. Họ hy vọng những phần cơ thể còn lại của con, của anh mình, sẽ hồi sinh số phận khác. Tuy nhiên, khi đưa thi thể con về quê, gia đình ngăn cản không cho vào nhà. Người đàn bà phải dựng lều ngoài bãi đất trống, làm đám ma cho con. Bà kiên quyết từ chối tiền phúng điếu, chứng minh mình trong sạch.
Sau đó, không chịu nổi sự tra tấn tinh thần từ người thân, hàng xóm, bà và con trai bỏ đi biệt xứ, thay đổi số điện thoại. Khi Bệnh viện Chợ Rẫy lần đầu tiên tổ chức lễ vinh danh người hiến tạng, bác sĩ Thu và đồng nghiệp nhiều lần gọi điện, tìm về địa chỉ ghi trên hồ sơ đều không liên lạc được. Qua nhiều đầu mối, các bác sĩ mới tìm được số điện thoại mới của bà. Nhận cuộc gọi từ bác sĩ Thu, người mẹ vừa cười, vừa khóc.
Hai người hội ngộ, người mẹ tâm sự, số điện thoại bác sĩ, bà luôn lưu trong máy suốt 5 năm, mà không dám gọi. Hồi con mới mất, bà bị sốc, đi vô định trên phố, bị xe đâm gãy tay, vào Bệnh viện Chợ Rẫy mổ. Dù bác sĩ Thu đã dặn "có việc gì chị cứ gọi cho tôi, tôi sẽ cố gắng giúp hết sức", bà vẫn im lặng, sợ phiền, sợ mang tiếng vòi vĩnh.
Tết năm 2015, đoàn bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đến thăm người mẹ ở nơi ở mới, bất ngờ bị ngăn cản, đuổi đánh, mới phát hiện người phụ nữ này suốt những năm qua khốn khổ đến thế nào. Hai mẹ con dành dụm mua trả góp gần xong một ngôi nhà nhỏ. Do sự dao động giá bất động sản, người chủ nhà muốn lấy lại đất để bán với giá cao hơn nên đã có những hành động gây rối với mẹ con bà. Hàng ngày, họ bị ném đá vào nhà, phá khóa, đạp rào, công việc làm thêm nhôm kính của người con cũng bị phá. Họ sống không có điện, không yên lành. Họ chẳng còn nơi nào để đi, nếu đi coi như tay trắng, đành nhẫn nhục chịu đựng.
Các vụ kiện, tòa án đều tuyên mẹ con họ thắng. Bản án của tòa yêu cầu người phụ nữ thanh toán nốt phần tiền trả góp còn lại cho chủ đất cũ, thông qua Thi hành án, để tiến hành cấp sổ đỏ theo đúng quy định. Một nhà hảo tâm giấu mặt, thông qua bác sĩ Thu hỗ trợ thêm số tiền họ còn thiếu, mong giải quyết dứt điểm để người mẹ an ổn sống. Song, người chủ đất cũ đã bán tiếp mảnh đất này cho người khác. Câu chuyện an cư của người mẹ đến giờ vẫn còn bỏ ngỏ.
"Sự việc đã nằm ngoài khả năng của bác sĩ, tôi rất day dứt", bác sĩ Thu nói.
Trầm cảm vì "miệng đời"
Người phụ nữ trung niên có chồng không may bị tai nạn, năm 2016, theo lời bác sĩ Thu. Ông điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy. Các bác sĩ cố gắng hết sức nhưng bệnh nhân đã chết não, không có khả năng hồi phục và sẽ tử vong khi rút máy thở. Nhận thấy người bệnh có tiềm năng hiến tạng, bác sĩ Thu tư vấn người nhà. Thân nhân tin tưởng bác sĩ, đồng thuận hiến hai giác mạc, hai quả thận của chồng, cha, cứu được bốn người.
Lần đầu tiên đến thăm vào dịp trước tết, bác sĩ thấy người vợ phờ phạc, xuống sắc, gầy yếu hơn cả thời gian chồng mới mất. Đón bác sĩ vào tới nhà, người phụ nữ "buông phịch mình xuống ghế". Bà buồn bã, nói rằng bị cả gia đình phía chồng hiểu lầm, nghi kỵ bà bán tạng chồng, bác sĩ Thu nhớ lại.
Mẹ con bà bị cả nhà chồng từ mặt. Thậm chí người bán vé số dạo, dù chẳng biết bao nhiêu phần trăm sự thực cũng miệt thị bà. Thư nặc danh đòi tiền xuất hiện liên tục, nội dung đòi nợ chồng bà vay mượn trước khi tai nạn. Bà biết chữ ký nợ đó là giả. Họ cho rằng bà bán tạng chồng có tiền. Cộng đồng quay lưng, bà không thiết tha cuộc sống, hàng ngày chỉ lên chùa làm công quả, không giao tiếp, giãi bày được với ai, dẫn đến trầm cảm nặng.
"Nếu biết như thế này, có chết tôi cũng không bao giờ đồng ý hiến tạng chồng", bác sĩ thuật lại lời người vợ.
Bác sĩ ngỡ ngàng, thấy mình có lỗi vì đã không lường trước được tất cả sự việc, chỉ biết chia sẻ nỗi đau và an ủi người vợ. Từ đó, bác sĩ liên lạc thường xuyên hơn với gia đình người hiến. Tại lễ vinh danh, trao tặng Kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" từ Bộ Y tế năm 2016, bác sĩ Thu nói với người phụ nữ: "Chị có cảm thấy nhẹ nhàng hơn chưa? Hãy tự hào về việc mình đã làm, không phải ai cũng làm được giống mình và Bộ trưởng không trao tặng kỷ niệm chương cho người đi bán tạng".
Lần thăm gần nhất, sau 4 năm, bà đã mạnh mẽ hơn, không còn quan tâm đến những lời dị nghị nữa. Bà vững chắc niềm tin mình làm đúng, người chồng chắc hẳn cũng thuận tình. Kỷ niệm chương được bà bày trang trọng giữa nhà, ở cạnh bàn thờ chồng. Bất kỳ ai đến thăm cũng đều trông thấy, như một lời tri ân.
Để không còn những bi kịch như thế xảy ra, Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức trao tặng Kỷ niệm chương của Bộ Y tế tại gia đình người hiến tạng. Bác sĩ ở đơn vị điều phối ghép tạng cố gắng có mặt ngay tại tang lễ người hiến tạng. Đồng thời, bác sĩ sẽ giữ liên lạc, hỗ trợ tâm lý cho gia đình ít nhất hai năm, sau ca hiến tạng.
Thư Anh
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo