Hiện tượng sốc phản vệ sau tiêm vaccine
Cơ quan Quản lý Thuốc và Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe của Anh (MHRA) đang xem xét các báo cáo về tình trạng sốc phản vệ của hai nhân viên y tế sau khi tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer. Trong thời gian chờ đợi, chuyên gia khuyến nghị người có tiền sử dị ứng nghiêm trọng không nên tiêm vaccine.
Tình trạng dị ứng có thể xảy ra với nhiều loại vaccine, thường nằm ngoài dự đoán. Trong thử nghiệm giai đoạn ba của Pfizer-BioNTech trên 42.000 người, tỷ lệ giữa nhóm tiêm vaccine và dùng giả dược tương đương nhau. Các chuyên gia đánh giá thuộc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã kiểm tra dữ liệu an toàn và chỉ ra rằng 0,63% người tiêm chủng có biểu hiện dị ứng. Con số ở nhóm giả dược là 0,51%.
Nghiên cứu năm 2015 tại Mỹ về vaccine bại liệt, sởi và viêm màng não, cho thấy sốc phản vệ xảy ra khoảng một trên một triệu liều tiêm.
Stephen Evans, chuyên gia về vaccine tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, cho biết: "Điều này không có nghĩa người dân cần quá lo lắng về việc tiêm phòng".
Ông lưu ý ngay cả những loại thực phẩm thông thường cũng có thể gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng.
Các nhà khoa học cho biết một số người có thể nhạy cảm với những thành phần cụ thể của thuốc tiêm như gelatin, protein trứng hoặc bản thân loại vaccine đó. Thực tế, người dị ứng trứng đôi khi được khuyên không nên tiêm phòng cúm, bởi mảnh virus có ở mỗi mũi được nuôi cấy trong trứng gà.
Triệu chứng phổ biến của dị ứng bao gồm phát ban, kích ứng da, ho hoặc khó thở.
Các thành phần chính trong vaccine Covid-19 của Pfizer không được tiết lộ công khai. Hãng đã sử dụng công nghệ mới là mRNA. Trong môi mũi tiêm có chứa các hạt nano lipid, từng dùng để điều chế thuốc.
Tiến sĩ Ashish Jha, trưởng khoa sức khỏe cộng đồng của Đại học Brown, cho biết một số người dị ứng với hầu hết mọi loại thuốc và vaccine. Quan trọng là liệu phản ứng của họ với các mũi tiêm phòng Covid-19 có nghiêm trọng hay phổ biến hơn không. Đến nay, các nhà khoa học chưa thu được bằng chứng cho thấy điều này.
Tác dụng phụ điển hình của nhiều loại vaccine bao gồm đau vùng tiêm, sốt và nhức cơ. Trong nghiên cứu của Pfizer, tình nguyện viên cũng bị mệt mỏi, đau đầu và ớn lạnh.
Phản ứng nghiêm trọng hơn sẽ được báo cáo với cơ quan quản lý hoặc giới chức y tế để điều tra thêm. Nhưng quá trình này thường mất thời gian. Các nhà khoa học cần xác định vaccine có thực sự gây tác dụng phụ, hay người dùng chỉ tình cờ được tiêm chủng trước khi bị bệnh.
"Vaccine quá phổ biến đến mức mọi vấn đề nhỏ nhặt thường bị phóng đại", tiến sĩ Jha nhận định. "Chúng ta nên nói về tác dụng phụ, nên trung thực với mọi người nhưng cũng phải đặt mọi thứ vào đúng ngữ cảnh để cộng đồng hiểu rõ hơn. Có một tỷ lệ nhỏ những người dị ứng với hầu hết các loại thuốc".
MHRA khuyến nghị người có tiền sử dị ứng không nên tiêm vaccine. Tuy nhiên, tiến sĩ Gregory Poland, điều hành Nhóm Nghiên cứu Vaccine tại Mayo Clinic ở Minnesota, cho rằng cơ quan đang phản ứng thái quá. Theo ông, những người từng sốc phản vệ với vaccine mới cần tránh tiêm phòng. Người có tiền sử dị ứng thông thường vẫn có thể tham gia chủng ngừa nếu muốn.
Theo tiến sĩ Paul Offit, thành viên ủy ban cố vấn về vaccine của FDA, thay vì đưa ra "khuyến cáo chung chung" đối với người bị dị ứng, cơ quan y tế cần thử phân tích hai ca sốc phản vệ sau tiêm vaccine Pfizer, xem họ dị ứng với thành phần cụ thể nào trong các mũi tiêm.
Thục Linh (Theo AP, USA Today)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo