Một cuộc phẫu thuật, giải quyết 2 bệnh lý phức tạp
10 giờ đồng hồ xử lý nhiều bệnh lý phức tạp
Bệnh nhân Nguyễn Đăng M (24 tuổi) bị tai nạn giao thông nghiêm trọng 5 tháng trước. May mắn giữ được tính mạng, nhưng bệnh nhân bị khuyết phần hộp sọ phía trước trán, chấn thương hàm mặt cần phải can thiệp can sai gò má phải, hàm trên phải.
Tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, bệnh nhân M. được chẩn đoán mất liên tục xương vùng trán, gò má phải lõm bẹt, biến dạng, mất liên tục vùng mấu ngoài ổ mắt phải, bờ dưới ổ mắt phải, cung tiếp phải. Bệnh nhân bị tụt nhãn cầu, bẹp gò má, sai khớp cắn, không thể nhắm chặt mắt bên phải. Bệnh nhân tổn thương dây thần kinh thị giác và đường đi do chấn thương.
PGS, TS Lê Ngọc Tuyến, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình - hàm mặt cho hay, chấn thương liên quan vùng sọ mặt, hàm mặt là hai chuyên khoa tách biệt nhau. Bệnh nhân bị khuyết sọ sẽ nguy hiểm khi không có mảnh sọ bảo vệ bộ não, tương lai có thể xuất hiện nguy cơ bị động kinh, ảnh hưởng cả về chất lượng và thẩm mỹ cuộc sống.
Không can thiệp khớp cắn và thẩm mỹ vùng gò má, về lâu dài bệnh nhân bị ảnh hưởng chức năng mắt và chế độ ăn nhai.
Nếu như trước đây, bệnh nhân sẽ phải đi lần lượt từng bệnh viện để giải quyết từng bệnh lý về sọ não và hàm mặt thì nay chỉ cần trong một cuộc mổ, bệnh nhân vừa được can thiệp sọ não, vừa can thiệp phẫu thuật hàm mặt, thời gian phục hồi nhanh hơn.
PGS, TS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện cho biết, qua 3 lần hội chẩn liên viện với Khoa Phẫu thuật thần kinh 2, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các bác sĩ quyết định thực hiện 1 cuộc phẫu thuật để phục dựng xương gò má và mảnh sọ bằng vật liệu 3D, thiết lập khớp cắn, bảo đảm chức năng thẩm mỹ cho bệnh nhân.
Theo TS Nguyễn Duy Tuyển, Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh 2, Bệnh viện Việt Đức, trong lần kết hợp này, các bác sĩ đã sử dụng vật liệu nhân tạo 3D để can thiệp khuyết hổng xương sọ cho bệnh nhân.
Bệnh nhân phải trải qua 2 can thiệp lớn trong 10 giờ đồng hồ. Đầu tiên, các bác sĩ tái tạo vùng sọ não, nâng sàn mắt lên. Sau đó, bệnh nhân được chỉnh xương hàm về vị trí ban đầu.
Để giải quyết 2 can thiệp, PGS, TS Nguyễn Quang Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt cho biết, các bác sĩ quyết định sử dụng kỹ thuật mới nhất là can thiệp đặt nội khí quản qua da bằng đường miệng để hạn chế tối đa những di chứng do đặt nội khí quản gây ra.
“Đây là ca thứ 2 chúng tôi phối hợp để giải quyết đa phức hợp tình trạng bệnh lý cho bệnh nhân bằng một lần gây mê. Khi phẫu thuật sọ mặt, để làm giảm nguy cơ chảy máu, chúng tôi triển khai hạ huyết áp chỉ huy. Khi mổ sọ não, chúng tôi phải đưa về huyết áp bình thường để tránh phù não”, bác sĩ Bình cho hay.
Sau 10 giờ đồng hồ căng thẳng, bệnh nhân được can thiệp thành công 2 bệnh lý sọ não và hàm mặt.
Giữ chân người bệnh trong nước
Cuộc phẫu thuật này là một trong hai ca thành công đầu tiên của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương phối hợp với Bệnh viện Việt Đức.
Theo Giám đốc Trần Cao Bính, việc triển khai phối hợp này mang lại hiệu quả điều trị tuyệt vời cho người bệnh, không cần phải giải quyết từng bệnh lý bằng các cuộc mổ khác nhau, giảm chi phí cho người bệnh, giảm thời gian nằm viện, người bệnh phục hồi nhanh hơn.
Cùng với việc can thiệp bệnh lý răng hàm mặt, tai mũi họng đã đi vào thường quy, tới đây, bệnh viện tiếp tục chinh phục lĩnh vực bệnh lý sọ mặt.
“Trong tương lai, chúng tôi muốn xây dựng Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương trở thành một địa chỉ phẫu thuật phức hợp sọ mặt thường xuyên để người bệnh không cần phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, mang lại thẩm mỹ cho người bệnh.
Đặc biệt, chi phí một ca phẫu thuật này chỉ bằng 1/5 so với một ca mổ tại nước ngoài. Điều này sẽ giúp giữ chân người bệnh trong nước”, bác sĩ Bính nói.
Trước đó cuối năm 2021, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương đã phối hợp với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức can thiệp phẫu thuật sọ não, hàm mặt cho một bệnh nhân mắc bệnh lý bẩm sinh. Đến nay, bệnh nhân đã có diện mạo mới và khỏe mạnh, bảo đảm cả về chức năng và thẩm mỹ.
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo