Ngại đẻ

HÀ NỘI - Bé Tôm bắt đầu đi học, tự ăn uống, chị Phương ở quận Hoàng Mai đỡ vất vả, song lại thấy "mệt vì áp lực kinh tế" nên không muốn đẻ nữa.

Từ lúc bé trai chào đời đã khó nuôi. "Mỗi lần cho con ăn là một lần đánh vật, hai vợ chồng phải thường xuyên đưa con ra công viên, vừa làm trò vừa đút thức ăn bé mới chịu ăn", chị Phương, 33 tuổi, kể lại hồi mới sinh bé. Biếng ăn, sút cân, sức khỏe yếu, cứ hai, ba tháng bé Tôm lại phải vào viện một lần.

Những buổi tối khi bé gào khóc, hai vợ chồng thức trắng đêm thay nhau dỗ con. Nhiều lần chồng đi làm về mệt mỏi, vợ mải chăm con không kịp cơm nước, dần dần nảy sinh cãi vã từ những việc nhỏ nhặt.

Đến khi con vào lớp một, việc chăm sóc không còn quá nặng nề như trước nhưng lại đến nỗi lo về kinh tế. Chi phí học của con một tháng tốn một nửa chi phí của cả gia đình, bao gồm học ở trường, học thêm tiếng Anh và học nhảy, chưa tính tăn uống, vui chơi cuối tuần, quần áo...

"Khi bé lớn lên, gia đình tính còn cho bé học thêm Toán, Lý, Hóa... Nếu không học sẽ thua kém bạn bè", chị Phương nói.

Đó là lý do chị Phương không muốn đẻ thêm. Nếu sinh đứa thứ hai, mọi chi phí cũng phải ngang với đứa thứ nhất. Chẳng nhẽ đứa học trường quốc tế đứa học trường bình thường, đứa được học kỹ năng mềm, đứa không?... Như vậy, gia đình chị không lo nổi.

"Sinh một con mình sẽ có điều kiện lo cho con tốt nhất", chị nói. Hơn nữa, việc mang bầu, nghỉ thai sản, bắt nhịp trở lại với công việc nhiều áp lực khiến chị ngại đẻ.

Kém chị Phương hai tuổi, Hà ở quận Cầu Giấy, vẫn chưa muốn kết hôn vì sợ đẻ. Mỗi lần từ Hà Nội về quê Thái Bình, bố mẹ liên tục giục con gái lấy chồng. Hà stress, không muốn về quê nữa.

"Bây giờ đang được tự do, sung sướng, lấy chồng phải sinh con, xấu đi, mất dáng... mất hết cả thanh xuân", Hà nói. "Mình chưa sẵn sàng cho chuyện sinh em bé nên nếu có con sẽ không thể mang lại những điều tốt nhất". Làm công việc kinh doanh, Hà tự chủ về kinh tế, những lúc rảnh, cô gái thường nghỉ ngơi, đi du lịch để bản thân thoải mái.

Trẻ chào đời tại Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: Lê Phương.
Trẻ chào đời tại Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: Lê Phương.

Ông Mai Trung Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Quy mô dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, nhận định xu hướng kết hôn muộn, không muốn đẻ, đẻ ít, đẻ thưa ngày càng cao.

21 tỉnh, thành phố đang có mức sinh dưới 2 con, chiếm 39% quy mô dân số, đa phần là nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, 5 thành phố trực thuộc trung ương, đặc biệt TP HCM ở nhóm thấp nhất cả nước với mức sinh 1,39 con.

Ông Sơn phân tích, kinh tế phát triển dẫn đến áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con cái đắt đỏ; học vấn, điều kiện sống được cải thiện, lối sống theo trào lưu và tâm lý thích hưởng thụ có tác động nhất định khiến mức sinh thấp.

Một nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM cũng mang tới kết quả là với nhiều người trẻ, mục đích số một của hôn nhân là có người để chia sẻ cuộc sống, sau đó mới hướng đến việc sinh sản duy trì nòi giống, thỏa mãn chuẩn mực xã hội...

Theo các chuyên gia, tình trạng mức sinh thấp sẽ gây bất lợi cho cơ cấu nhân khẩu học và sự phát triển kinh tế xã hội trong tương lai. Giảm sinh sẽ tạo áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi, suy giảm về nguồn nhân lực đặc biệt là lao động trẻ. Sau này một đứa trẻ sẽ phải đối diện vấn đề cùng lúc chăm sóc hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại.

Số liệu từ Bộ Y tế cũng cho thấy mức tăng dân số của Việt Nam đang giảm dần đều. Trong 10 năm từ 1989 đến 1999, dân số Việt Nam tăng bình quân mỗi năm 1,2 triệu người. Thập kỷ tiếp theo, mỗi năm cả nước tăng 0,94 triệu người. Từ năm 2010 đến nay, trung bình một năm Việt Nam thêm 0,95 triệu người.

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, cho biết sau gần ba thập kỷ áp dụng chính sách khuyến khích mỗi gia đình chỉ nên có từ một đến hai con để xóa đói giảm nghèo, Việt Nam đang giữ tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) ở mức 2,1 con một mẹ.

Đây là mức sinh thay thế cần thiết để duy trì dân số. Nếu mức sinh thấp hơn, dân số sẽ nhanh chóng bị "già hóa", tạo ra nhiều sức ép về các dịch vụ an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Quy mô dân số giảm sớm, giảm nhanh nếu mức sinh giảm xuống sâu dưới mức thay thế sẽ rất khó đưa mức sinh trở lại, dù có đầu tư lớn cho chính sách khuyến khích sinh. Ngoài ra, mức sinh càng xuống thấp ở các nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển sẽ càng làm gia tăng khoảng cách chênh lệch mức sinh giữa các vùng, miền trên cả nước.

Theo ông Tú, Việt Nam là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi các nước phát triển phải trải qua nhiều thập kỷ mới chuyển từ già hóa dân số sang dân số già như Pháp: 115 năm, Australia: 73 năm, Trung Quốc: 26 năm, quá trình này ở Việt Nam chỉ diễn ra trong 15 năm. Việt Nam bước vào thời kỳ già hóa dân số vào năm 2011 và được dự báo sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038, khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 20%.

Nhiều giải pháp được đề ra để duy trì mức sinh thay thế. Tổng cục Dân số đề xuất bãi bỏ các quy định liên quan đến mục tiêu giảm sinh, sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con; chú trọng các đối tượng ưu tiên, người lao động khu công nghiệp, khu kinh tế để khuyến khích sinh đủ hai con tại địa phương.

TP HCM là nơi có mức sinh thấp nhất cả nước. Chi cục Dân số Kế hoạch hóa TP HCM đề xuất miễn giảm viện phí, tăng thời gian nghỉ thai sản bố và mẹ, hỗ trợ vay, mua nhà với vợ chồng sinh hai con.

Trong hai năm gần đây, Chính phủ cũng đã chuyển từ việc khuyến khích sinh một hoặc hai con sang "sinh đủ hai con". Thủ tướng đã ký quyết định phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030", trong đó khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi, sinh đủ 2 con là lý tưởng nhất.

Thế nhưng, với Hà, cô gái rất hài lòng với cuộc sống độc thân nên việc sinh con cô vẫn chưa nghĩ tới. Còn chị Phương thì "chờ vài năm nữa xem kinh tế gia đình thế nào mới tính tiếp được".

Thúy Quỳnh 

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Y học thường thức - 06/08/2024

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Y học thường thức - 16/07/2024

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Y học thường thức - 03/07/2024

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Y học thường thức - 28/05/2024

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Y học thường thức - 02/05/2024

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới