Người Nhật tự tử trong đại dịch do áp lực đồng trang lứa
Anh nhớ về cảm giác sợ hãi của mình và vợ khi nhìn thấy tờ giấy được dán trước cửa vào cuối tháng 4.
"Vì sự an toàn, hãy hạn chế mở cửa quán bar nhạc sống cho đến khi tình trạng khẩn cấp kết thúc. Nếu tôi phát hiện bạn mở cửa, tôi sẽ gọi cảnh sát đấy", một người hàng xóm nào đó ghi.
Ngày hôm ấy, Murata và vợ đang phát trực tuyến một buổi biểu diễn theo hướng dẫn của chính quyền thủ đô Tokyo. Những người duy nhất bên trong căn nhà là cặp vợ chồng cùng ca sĩ.
"Tôi rất buồn và lo lắng vì không có bạn bè xung quanh khu phố", anh nói.
Murata không mấy ngạc nhiên khi các quán bar nhạc sống, câu lạc bộ đêm đông đúc và kín khí trở thành cụm dịch. Anh từng nghe những người bạn là nhạc sĩ kể về việc bị người lạ tấn công khi đang đi trên phố, chỉ vì họ mang theo guitar.
Anh so sánh điều này với Thế chiến Thứ hai: "Trong chiến tranh, người ta bị chỉ trích gay gắt chỉ vì mặc quần áo đẹp hoặc ca hát. Chúng tôi cũng gặp điều tương tự. Người Nhật không thay đổi nhiều".
Nhật Bản sử dụng thuật ngữ jishuku keisatsu, nghĩa là "cảnh sát tự quản" để chỉ những người dân chuyên "săn lùng" và chỉnh đốn các cá nhân hoặc cơ sở kinh doanh không chấp hành giãn cách xã hội. Họ xuất hiện ở nhiều nơi, vô tình khiến bầu không khí chung trở nên ngột ngạt và thêm phần khó thở.
Thực tế, đại dịch và những nỗ lực kiểm soát của chính phủ đã tạo ra tình trạng căng thẳng, ảnh hưởng đến nền kinh tế và sức khỏe tinh thần của người dân toàn thế giới, trong đó có châu Á.
Theo Hiệp hội Tâm thần Ấn Độ, các trường hợp mắc bệnh tâm lý ở nước này đã tăng 20% kể từ khi áp đặt lệnh phong tỏa. Một cuộc khảo sát ở Thái Lan cũng cho thấy gần như một nửa người dân Bangkok bị stress. Tại Singapore, 65% công nhân cho biết họ cảm thấy căng thẳng trong tháng 4, tăng 5% so với hồi tháng 1, theo Công ty Y tế Cigna của Mỹ.
Nhật Bản được coi là một trong những hình mẫu kiểm soát dịch bệnh trên thế giới, với số ca nhiễm và tử vong tương đối thấp. Hầu hết các chủ trương dập dịch của chính phủ dựa trên việc "khuyến nghị, yêu cầu". Song nước này vẫn thành công ngăn chặn đại dịch cho đến nay, phần bởi ý thức chủ động phòng ngừa cùng đội ngũ "cảnh sát tự quản" mẫn cán.
Tản bộ xung quanh, người ta nhanh chóng nhận thấy hầu hết công dân Nhật đeo khẩu trang, dù không bị bắt ép.
Một số người cho rằng Nhật Bản không thể chiến thắng dịch bệnh nếu không sở hữu đặc tính xã hội độc đáo này. Song ngày càng nhiều người công nhận về mặt tối của chúng.
Naoki Sato, đồng tác giả của cuốn "Áp lực đồng trang lứa - Tại sao xã hội Nhật Bản ngột ngạt" (Peer pressure -- why Japanese society is so suffocating), nhận định: "Đại dịch làm sáng tỏ ‘áp lực đồng trang lứa’ đến cực đoan của Nhật Bản".
"Áp lực đồng trang lứa" (Peer pressure), hay doucho atsuryoku trong tiếng Nhật, là sức mạnh vô hình khiến con người tuân theo một chuẩn mực lý tưởng trong xã hội, dù đôi khi họ không thực sự mong muốn và đồng tình.
Khác với các nước phương Tây, nơi chính phủ ngăn chặn virus bằng quy định và hình phạt, người Nhật tự nguyện tuân thủ quy tắc cộng đồng. "Từ nhỏ, họ được nghiêm khắc dạy dỗ không nên làm phiền người khác. Áp lực ấy hiện lên rõ ràng hơn trong đại dịch", ông Sato giải thích.
Điều này khiến nhiều người bị quá tải. Theo dữ liệu của Cục Cảnh sát Quốc gia, số vụ tự tử vào tháng 10 đã tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 2.153. Mức tăng ở nữ giới là 82%, chênh lệch nhiều so với con số 21% ở nam giới.
Yasuyuki Shimizu, người đứng đầu Trung tâm Xúc tiến Đối phó Tự tử Nhật Bản, nhận thấy mối quan hệ mật thiết từ áp lực đồng trang lứa và nguy cơ tự tử. Ông nói: "Người Nhật có xu hướng nghĩ rằng họ không sống nổi nếu không hòa đồng với mọi người xung quanh". Theo ông, hầu hết người dân không theo tôn giáo, nên họ cần được xã hội chấp nhận.
Shimizu cũng cho rằng Covid-19 có thể làm gia tăng cảm giác lo âu ở phụ nữ. Nhiều người trong số họ vốn phải chịu gánh nặng chăm sóc con cái và cha mẹ già. Đến nay, tài chính gia đình ngày càng eo hẹp. Ông nhắc đến các quốc gia Scandinavia, nơi việc hưởng phúc lợi xã hội không quá xa lạ. Song ở Nhật Bản, điều này bị coi là "kém độc lập". "Tư tưởng sống bằng tiền viện trợ không phải một cuộc sống trọn vẹn đã ăn sâu vào gốc rễ", ông nói.
Tác giả Sato cho rằng mong muốn độc lập đến cực đoan của người dân là yếu tố dẫn đến các vụ tự tử. Ông giải thích: "Khi họ cảm thấy căng thẳng tột độ, họ hướng ý định giết người lên bản thân, thay vì làm tổn thương người khác".
Đại dịch khiến một số nhóm phụ nữ yếu thế càng trở nên hoảng loạn. Jun Tachibana, giám đốc dự án phi lợi nhuận Bond, cho biết nhiều thiếu nữ cảm thấy mình không thuộc về bất cứ nơi nào. Theo một cuộc khảo sát, 96% số người được hỏi, ở độ tuổi thiếu 20, cho biết đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tinh thần và thể chất của họ. Trong đó, 69% muốn chết hoặc biến mất vĩnh viễn. "Một trong những nguyên nhân là do thiếu tự tin", Tachibana nhận định.
Dù dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp phải thay đổi hình thức làm việc, văn hóa công việc đặc thù của nước này vẫn còn nặng nề. Ví dụ, theo "truyền thống", cấp dưới không thể rời văn phòng cho đến khi cấp trên đi về.
Một phụ nữ giấu tên 20 tuổi cảm thấy vô cùng áp lực khi phải tham gia buổi họp mặt uống rượu trực tuyến. "Đồng nghiệp chỉ quan tâm rằng sếp sẽ nghĩ gì khi ai đó vắng mặt", cô nhớ lại.
Theo Báo cáo Chỉ số Hạnh phúc Thế giới năm 2020, Nhật Bản xếp thứ 62 trong số các nước, tụt 43 hạng so với năm 2013. "Có mối tương quan giữa cảm giác thiếu tự tin và mức độ hạnh phúc", giáo sư Takashi Maeno, Đại học Keio, Tokyo, cho biết. Cuộc khảo sát do Văn phòng Nội các nước này thực hiện cũng chỉ ra rằng 45% thanh niên cảm thấy không hài lòng với bản thân. Con số tương đối thấp so với mức trung bình quốc tế.
"Trong một cộng đồng theo chủ nghĩa tập thể, người ta thường nói rằng ‘chiếc đinh nào nhô ra sẽ bị đóng trở lại’. Một xã hội có tính giám sát với người dân quá quan tâm đến những gì người khác nghĩ về mình ảnh hưởng nhiều đến mức độ hạnh phúc", giáo sư Maeno nói.
Thục Linh (Theo Nikkei)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo