Nguy cơ tử vong nếu cùng lúc mắc Covid-19 và cúm
Nhiều người tái mắc Covid-19
Mấy ngày này, chị Nguyễn Thu Thủy (ở Thanh Xuân, Hà Nội) phải nghỉ làm, nằm bẹp trên giường vì vừa đau đầu, đau họng, sốt cao, toàn thân đau nhừ. Vẫn còn kit test trong nhà, chị kiểm tra dịch hầu họng thì phát hiện tái mắc Covid-19.
"Cứ nghĩ là giờ làm gì còn Covid-19 nữa, nên tôi cũng không biết mình lây từ ai, ở đâu", chị Thủy nói.
Chị Nguyễn Thanh Hương (ở Cầu Giấy, Hà Nội) cũng vừa trải qua 3 ngày không ra khỏi nhà vì mắc Covid-19. "Đáng sợ nhất là toàn bộ cơ thể ê ẩm, không buồn nhấc chân, nhấc tay, dù chỉ sốt hâm hấp. Sau bốn ngày dứt thì giờ lại ho khản đặc tiếng", chị cho biết.
Sau khi biết mình mắc Covid-19, chị Hương thông tin cho vài người bạn thường tiếp xúc trước đó thì được biết có người đã xuất hiện các dấu hiệu tương tự.
TS.BS Lê Bá Ngọc, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khẳng định: "Dịch bệnh này vẫn chưa được loại trừ hoàn toàn khỏi cộng đồng. Hiện nay, mỗi tuần chúng tôi vẫn ghi nhận 3-4 người bệnh xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Thậm chí, có những trường hợp biến chứng nặng như viêm phổi, phải nhập viện điều trị".
Còn theo PGS.TS.BS Phạm Quang Thái, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, hiện hầu hết người dân nếu mắc Covid-19 cũng đều tự điều trị. Tuy nhiên, hậu quả Covid-19 vẫn rất đáng ngại với người cao tuổi, người có bệnh nền, nhất là sau một thời gian đủ dài làm giảm hiệu quả bảo vệ của vaccine Covid-19.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong thời gian qua, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận các thông tin về việc gia tăng các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp và các trường hợp mắc cúm A(H5/N1), Covid-19 tại một số quốc gia trong khu vực. Tại Malaysia, Singapore, số mắc Covid-19 theo tuần ghi nhận gia tăng từ 50-100%. Cơ quan y tế các quốc gia này nhận định nguyên nhân gia tăng trở lại số mắc Covid-19 là do cơ thể giảm khả năng miễn dịch và gia tăng giao thương trong mùa du lịch và lễ hội cuối năm.
Còn tại Việt Nam, tình hình Covid-19 vẫn đang được kiểm soát. Số mắc ghi nhận thấp, rải rác tại một số địa phương và phần lớn có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Số nhập viện và số bệnh nhân nặng không cao; Chưa ghi nhận biến thể mới, bất thường. Tuy nhiên, ngành y tế vẫn tiếp tục kiểm soát và chuẩn bị sẵn sàng, chủ động ứng phó.
Khi đồng nhiễm bệnh sẽ nặng hơn
Theo BS Lê Bá Ngọc, triệu chứng lâm sàng của người mắc Covid-19 cũng tương tự các dòng cúm mùa khác như mệt mỏi, ho, sốt, khạc đờm, khàn tiếng… khiến nhiều người chủ quan, không đi khám và điều trị kịp thời. Đây là yếu tố nguy cơ cao dẫn tới bệnh diễn tiến nặng, thậm chí tử vong khi người bị bệnh nền, người suy giảm miễn dịch bị đồng nhiễm, bội nhiễm virus SARS-CoV-2 và các loại virus, vi khuẩn khác.
PGS.TS.BS Phạm Quang Thái cũng cho biết, với các yếu tố gây bệnh cùng xuất hiện đồng thời thì nguy cơ đồng nhiễm là hiện hữu. Và khi đồng nhiễm, tình trạng bệnh thường nặng hơn, khó điều trị hơn bởi cùng lúc chịu nhiều tác nhân gây bệnh.
"Điều này không chỉ xảy ra khi đồng nhiễm Covid-19 với cúm, mà còn cả với bệnh khác như sốt xuất huyết hay Adenovirus", BS Thái cho hay.
BS Thái cũng nhận định, thời tiết thay đổi bất thường như hiện nay là nguyên nhân làm xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm như: Cúm, sởi, rubella, ho gà...
Đây cũng là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch cuối năm tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, làm gia tăng số mắc các bệnh truyền nhiễm, lây truyền qua đường hô hấp. Những người mắc bệnh hô hấp mạn tính như phổi tắc nghẽn, hen phế quản… sẽ dễ trở nặng khi trời lạnh giá.
"Bằng mọi cách phải giảm nhiều nhất nguy cơ có thể. Hiện nay, hầu như người dân không còn tiêm vaccine Covid-19, nhưng các bệnh truyền nhiễm khác có vaccine phòng bệnh nên người dân chủ động tiêm để tạo miễn dịch chéo, bảo vệ chính mình. Nên tránh nơi đông người, đeo khẩu trang khi có dấu hiệu bệnh hô hấp hoặc giữ vệ sinh cá nhân cũng sẽ giúp phòng bệnh", BS Thái khuyến cáo.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh mùa Đông Xuân, Bộ Y tế chỉ đạo sở y tế và các đơn vị y tế thường xuyên, liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; Sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi nặng do virus.
Cơ quan y tế chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm công tác y tế với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; Chủ động công tác giám sát, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong.
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo