Phác đồ điều trị ngộ độc botulinum

Phác đồ điều trị ngộ độc botulinum được Bộ Y tế ban hành sau 30 năm không xuất hiện bệnh này, gồm cấp cứu, hồi sức hô hấp và dùng thuốc giải độc sớm.

Sau 15 ca ngộ độc do ăn pate Minh Chay nhập viện thiếu thuốc điều trị đặc hiệu, Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc botulinum do ăn uống, áp dụng ở tất cả cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước.

Bộ Y tế cho biết, ngộ độc botulinum là ngộ độc nặng, tỷ lệ tử vong cao, thời gian liệt kéo dài. Thời gian thở máy cần trung bình khoảng hai tháng sau đó mới có thể cai thở máy, song bệnh nhân cần nhiều tháng để hồi phục.

Người đàn ông 54 tuổi, ngụ Vũng Tàu, ngộ độc botulinum, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy tiên lượng nặng, phải thở máy vài tháng. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Người đàn ông 54 tuổi, ngụ Vũng Tàu, ngộ độc botulinum, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy tiên lượng nặng, phải thở máy vài tháng. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Người có triệu chứng nhiễm độc rõ (yếu cơ, liệt cơ), phải nhập viện ngay. Trường hợp triệu chứng nhẹ (mệt mỏi, suy nhược), sau đó tiến triển nặng dần hoặc mới ăn thực phẩm nghi nhiễm độc trong vòng 8 ngày, cũng cần nhập viện theo dõi. Bệnh nhân nhẹ, tình trạng thuyên giảm hoặc không triệu chứng, sẽ được bác sĩ kê đơn than hoạt và thuốc nhuận tràng điều trị tại nhà.

Các bệnh nhân có biến chứng phải được bác sĩ theo dõi sát, đặc biệt khi liệt các cơ và hô hấp. Bệnh nhân suy hô hấp có thể phải thở máy dài ngày.

Bệnh nhân ngộ độc botulinum dùng thuốc giải độc càng sớm càng hiệu quả. Tốt nhất là trước khi các triệu chứng chuyển sang nặng, hoặc ở bất kỳ giai đoạn nào khi tình trạng còn nặng. Trên lý thuyết, thuốc chỉ có tác dụng với các độc tố còn tự do, không có tác dụng với các độc tố đã gắn tại thần kinh. Do đó không thể ngay lập tức đảo ngược lại các triệu chứng liệt đã xảy ra. Tuy nhiên, thuốc có thể ngăn ngộ độc tiến triển nặng lên và rút ngắn đáng kể thời gian ngộ độc, giảm thời gian thở máy, hồi sức và thời gian nằm viện.

Việt Nam ghi nhận hơn 35 trường hợp đến bệnh viện khám, 15 bệnh nhân nặng phải điều trị tích cực sau khi ăn pate Minh Chay nhiễm độc tố botulinum. Các bệnh nhân nặng điều trị tại nhiều bệnh viện. Mỗi bệnh viện điều trị theo phác đồ khác nhau.

Hai vợ chồng bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, là trường hợp đầu tiên được dùng huyết thanh kháng độc, ngày 29/8. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, giám đốc Trung tâm, cho biết, sau 10 ngày dùng thuốc người vợ tiến triển tốt hơn hẳn, đã tự ngồi, đi lại, tự chăm sóc cá nhân, nói rõ, ăn uống bằng đường miệng. Người chồng cải thiện nhưng chậm hơn do ăn nhiều pate Minh Chay, nhiễm độc nặng hơn.

Các bệnh nhân nặng khác điều trị tại TP HCM không có thuốc giải độc đặc hiệu, vẫn phải thở máy. Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho hay hơn 30 năm công tác, ông chưa từng gặp ca ngộ độc botulinum nào. Vì thế, chỉ có thể tìm hiểu trên y văn. Tiếp cận bệnh nhân ban đầu, ông và đồng nghiệp chẩn đoán nhầm. Họ mất rất nhiều thời gian, thực hiện hàng loạt xét nghiệm chuyên sâu, phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ mới xác định được chính xác độc tố botulinum sinh ra từ vi khuẩn Clostridium botulinum là tác nhân gây bệnh.

Khi không kháng được độc tố, chỉ còn cách duy nhất là chờ các tế bào thần kinh đã nhiễm độc già cỗi, chết đi, đào thải chất độc và tái sinh tế bào mới khỏe mạnh. Tùy vào thể trạng và mức độ nhiễm độc của từng người mà giai đoạn tái sinh tế bào từ một đến ba tháng. Giai đoạn này, bác sĩ áp dụng đồng loạt nhiều phương pháp điều trị không đặc hiệu, bao gồm thở máy, lọc máu, thay huyết tương, bổ sung vitamin nhóm B, tăng cường dinh dưỡng, tập vật lý trị liệu... kéo dài sự sống cho bệnh nhân.

Thư Anh

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Y học thường thức - 06/08/2024

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Y học thường thức - 16/07/2024

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Y học thường thức - 03/07/2024

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Y học thường thức - 28/05/2024

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Y học thường thức - 02/05/2024

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới