Phụ nữ miễn dịch nCoV mạnh hơn đàn ông
Kết quả nghiên cứu do Akiko Iwasaki, giáo sư tại Đại học Yale, Mỹ, đứng đầu thực hiện, công bố trên tạp chí Nature hôm 26/8. Nghiên cứu này đặt ra vấn đề là cần có phương pháp phòng ngừa, điều trị khác nhau giữa nam và nữ giới.
Tế bào T là một loại tế bào bạch cầu giúp hệ miễn dịch phát hiện và tiêu diệt các virus xâm nhập. Tế bào T cũng có khả năng ghi nhớ và tấn công virus nếu chúng quay lại.
Ngay khi đại dịch mới bùng phát, các nhà khoa học Anh đã phát hiện đàn ông có nguy cơ tử vong vì Covid-19 cao gần gấp đôi phụ nữ. Dữ liệu thu thập từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc cũng cho thấy sự chênh lệch này lên đến 2,4 lần, song chưa đưa ra cơ sở khoa học.
"Chúng tôi phát hiện nam giới và nữ giới thực sự có khả năng miễn dịch với nCoV khác nhau", Iwasaki nói. "Sự khác biệt này nhấn mạnh tại sao đàn ông dễ nhiễm nCoV".
Nhóm thu thập các mẫu nước mũi, nước bọt và máu từ người khỏe mạnh và bệnh nhân Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Yale New Haven. Phản ứng miễn dịch của hai nhóm này cũng được theo dõi.
Kết quả, phản ứng miễn dịch của tế bào T của phụ nữ với nCoV, gồm cả phụ nữ trung niên, mạnh hơn đàn ông. Ngược lại, đàn ông càng trưởng thành, hoạt động của tế bào T càng yếu, do đó phản ứng miễn dịch giảm đi.
Bên cạnh đó, nam giới sản xuất nhiều cytokine hơn nữ giới. Những ca Covid-19 nặng được chứng minh liên quan tới "bão cytokine", hiện tượng hệ miễn dịch cơ thể phản ứng quá mức, giải phóng ồ ạt cytokine gây viêm, khiến các cơ quan nội tạng suy kiệt, có thể dẫn tới tử vong.
Những người đàn ông vốn có nồng độ cytokine cao khi mắc Covid-19 có nguy cơ cao bệnh tiến triển nặng. Phụ nữ cũng tương tự.
Kết quả nghiên cứu gợi ý nam giới và nữ giới nhiễm nCoV cần phương pháp điều trị khác nhau. Ví dụ nên kích thích phản ứng tế bào T ở nam giới bằng vaccine, còn phụ nữ nên được điều trị nhằm giảm phản ứng cytokine trong cơ thể.
"Có thể tưởng tượng thanh niên hoặc phụ nữ trẻ chỉ cần một liều vaccine là đủ, trong khi đàn ông có thể cần ba liều vaccine để bảo vệ cơ thể khỏi nCoV", Marcus Altfeld, nhà miễn dịch học tại Viện Heinrich Pette, Đức, không thuộc nhóm nghiên cứu cho hay.
"Nói chung, những dữ liệu này cho thấy chúng ta cần các chiến lược khác nhau, nhằm đảm bảo các phương pháp điều trị và vaccine hiệu quả như nhau với cả nam và nữ giới", Iwasaki nói.
Lê Hằng (Theo AFP, Business Insider)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo