17 người đăng ký hiến huyết tương điều trị Covid-19
Trong 15 người từng mắc Covid-19, có hai nhân viên y tế gồm bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và nữ điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai.
Ngày 6/8, hai người, gồm một nữ 39 tuổi và một bác sĩ 29 tuổi, đạt yêu cầu sàng lọc, đã được lấy huyết tương.
Bác sĩ đã được lấy huyết tương từng mắc Covid-19 trong đợt dịch trước do lây nhiễm trong quá trình điều trị bệnh nhân, được ghi nhận là "bệnh nhân 119". Anh chia sẻ: "Hiến huyết tương cũng gần giống với hiến máu, tôi cảm thấy không có gì quá to tát, chỉ nghĩ mình làm được gì để giúp bệnh nhân thì làm thôi".
Anh cho biết việc hiến huyết tương đòi hỏi phải tự nguyện, mỗi người cần tự đưa ra quyết định cho bản thân. Tuy nhiên nếu không thử thì không biết hiệu quả đến đâu. Anh hy vọng phương pháp sử dụng huyết tương giúp điều trị hiệu quả bệnh nhân Covid-19 trong bối cảnh chưa có thuốc đặc hiệu và vaccine phòng ngừa.
Có tên trong danh sách đăng ký hiến huyết tương, người từng là "bệnh nhân 169", nữ, 49 tuổi, cho biết: "Trước đây tôi đã gọi điện tới hotline của bệnh viện để đăng ký hiến huyết tương, sau đó dịch ổn định nên bệnh viện dặn tôi chờ. Bây giờ đã có cơ hội, tôi rất vui vì làm điều có ích và đền đáp sự chăm sóc của mọi người khi tôi mắc bệnh".
Ngày 3/8, nghiên cứu Điều trị bệnh nhân Covid-19 thể trung bình, nặng và nghiêm trọng bằng huyết tương người bệnh đã phục hồi chính thức được Bộ Y tế thông qua. Hướng dẫn tạm thời cho phương pháp này đã được Bộ Y tế ban hành từ ngày 15/5.
Cùng ngày 3/8, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương bắt đầu tuyển chọn người hiến từ nhóm người đã khỏi bệnh và kêu gọi người hiến liên hệ qua fanpage facebook, hotline của bệnh viện.
Tiến sĩ Văn Đình Tráng, phụ trách khoa Vi sinh - Sinh học phân tử, điều phối chính của nghiên cứu, cho biết người được nhận huyết tương là bệnh nhân Covid-19 thể trung bình, nặng và nghiêm trọng, được xác định nhiễm nCoV bằng xét nghiệm RT-PCR, tuổi từ 18 đến 75. Số huyết tương đầu tiên thu được sẽ ưu tiên dùng cho các bệnh nhân tại Đà Nẵng, nơi diễn biến Covid-19 đang rất căng thẳng.
Người muốn hiến huyết tương phải từng mắc Covid-19, sau xuất viện 14 ngày, mới có kháng thể trong máu. Người hiến phải trong độ tuổi từ 18 đến 65, nặng trên 50 kg với nam và trên 45 kg với nữ, đạt điều kiện sàng lọc khác chuyên sâu hơn. Mỗi người hiến khoảng 600ml huyết tương, trong quá trình hiến được truyền bù dung dịch huyết thanh sinh lý nhằm đảm bảo sức khỏe cơ thể.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI
Y tế 24h - 23/12/2024
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Y tế 24h - 28/11/2024
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Y tế 24h - 27/11/2024
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?