5 nguyên nhân khiến Hải Dương khó dập Covid-19

Theo VnExpress 08:50 02/03/2021 - Y tế 24h
Chuyên gia Trần Đắc Phu nhận định 5 nguyên nhân khiến Hải Dương gặp khó khăn trong dập dịch là phát hiện muộn, lây giữa công nhân, lây nhiễm chéo ở khu cách ly...

Trao đổi với VnExpress sáng 1/3, Phó giáo sư Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nhận định Hải Dương đã vào cuộc sớm và rất quyết liệt trong chống dịch. Tuy vậy, Hải Dương gặp một số khó khăn khi áp dụng các biện pháp chống dịch, khiến đã trải qua một tháng vẫn còn ghi nhận nhiều ca nhiễm mỗi ngày.

Covid-19 ở Hải Dương phát hiện ngày 28/1. Trong ngày đầu tiên, Hải Dương ghi nhận 77 ca Covid-19, sau đó là 48 ca. Hơn 20 ngày sau, số ca nhiễm ghi nhận hàng ngày vẫn rất cao, mỗi ngày ít nhất 18 ca. Ba ngày cuối tháng 2, tỉnh ghi nhận trung bình mỗi ngày 7 ca, phát hiện trong các khu cách ly, phong tỏa. Toàn tỉnh đến nay tổng cộng 665 ca Covid-19.

Nhìn lại một tháng qua, ông Phu cho rằng có 5 nguyên nhân khiến Hải Dương không thể dập tắt hoàn toàn Covid-19.

Thứ nhất, dịch ở đây được phát hiện muộn, khi Nhật thông báo một cô gái dương tính lúc nhập cảnh vào nước này, thì cơ quan chức năng trong nước mới vào cuộc truy vết và phát hiện Covid-19 tại Hải Dương. Đến nay, không ai biết rõ Covid-19 đã len lỏi ở Hải Dương từ lúc nào. Ngày 28/1 trong cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia đầu tiên liên quan dịch Hải Dương và Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng có thể Covid-19 đã xuất hiện khoảng 10 ngày trước khi ca đầu tiên được phát hiện.

Thứ hai, dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh Hải Dương ở môi trường phức tạp là khu công nghiệp đông công nhân, lại liên quan đến cộng đồng dân cư đông đúc nên ảnh hưởng đến nhiều người và các địa phương lân cận. Lượng truy vết F1 ở đây rất cao.

Ở Đà Nẵng trong hai tuần đầu tiên, số ca nhiễm hàng ngày đã có xu hướng giảm vì dịch lây chủ yếu trong bệnh viện. Trong khi đó tình hình Hải Dương, dịch chủ yếu trong cộng đồng. Số lượng người phải cách ly tập trung rất lớn, virus lây lan nhanh nên cơ quan chức năng không bắt được hết các chuỗi lây nhiễm này trong thời gian ngắn, dù đã triển khai rất nhiều biện pháp.

Thứ ba, chủng virus tại Hải Dương là biến thể Anh B.1.1.7, có khả năng lây lan nhanh và mạnh hơn 70%. Trên thực tế biến thể này còn có thể lây lan nhanh hơn so với các chủng trước đó, nên tốc độ truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng gặp khó khăn.

Thứ tư, đã xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo. Một số nơi không đảm bảo được nguyên tắc cách ly, vẫn có sự giao lưu của các F ngay ở nơi cách ly, khiến nguy cơ lây nhiễm cao. Cụ thể, số ca dương tính nCoV tăng lên nhanh chóng ở hai khu cách ly tập trung tại Trường đào tạo nghề Việt Nam - Canada và trường tiểu học Chu Văn An, TP Chí Linh, liên quan công ty Poyun. Bộ Y tế sau đó đã yêu cầu giải phóng, làm sạch hai khu trên. 2.340 F1 đang cách ly tại đây phải đưa sang địa phương khác để tiếp tục cách ly, theo đúng quy định nghiêm ngặt.

Ông Phu nhận định: "Việc cách ly ngay các trường hợp này là rất quan trọng, vì thời gian này là vào dịp Tết, nếu không cách ly toàn bộ công nhân sẽ nghỉ Tết về các tỉnh thì nguy cơ lây lan ra các tỉnh là rất lớn".

Thứ năm, những ca dương tính phát hiện thời gian gần đây tại Hải Dương có thể là những ca rải rác, điều này là không tránh khỏi. Ông Phu giải thích, đợt dịch Đà Nẵng hồi tháng 7/2020, sau khi khoanh trúng vùng có Covid-19 và thực hiện cách ly, phong tỏa, một thời gian sau đó các ca nhiễm vẫn còn xuất hiện rải rác. Vì vậy, dịch Hải Dương cũng vậy, dù đã khoanh trúng và thực hiện cách ly, phong tỏa nghiêm ngặt, không tránh khỏi còn những ca Covid-19 rải rác về sau. Cơ quan chức năng cần thực hiện giám sát thường xuyên trong cộng đồng.

Ông Trần Đắc Phu. Ảnh: Gia Chính.
Ông Trần Đắc Phu. Ảnh: Gia Chính.

Ông Phu cũng nhận định một số ca Covid-19 cộng đồng ở Hải Dương chưa rõ nguồn lây, chưa xác định được F0, vì vậy chưa rõ thời gian lây trong cộng đồng là bao lâu. Nhiều bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng, dịch có thể lây lan mạnh khi người dân mất cảnh giác.

Có những bệnh nhân xét nghiệm nhiều lần mới cho kết quả dương tính. Mỗi người có thời gian ủ bệnh khác nhau nên cần phải khai thác tiền sử dịch tễ và các yếu tố liên quan mới có thể xác nhận được nguồn lây từ đâu. Vấn đề tìm được nguồn lây để thực hiện các biện pháp chống dịch là cần thiết nhưng vấn đề tìm ra những người tiếp xúc (F1, F2)... để tìm ra những khu có dịch mới tiến hành khoanh vùng, dập dịch tránh lây lan càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Ông Phu đánh giá dịch Hải Dương "đã kiểm soát được". Tuy nhiên hiện nay nguy cơ dịch bệnh là rất lớn do dịch trên thế giới diễn biến rất phức tạp, luôn có khả năng xâm nhập, đặc biệt đối với những địa phương có nhiều người nước ngoài vào làm việc. Cơ quan chức năng cần thực hiện tốt việc phát hiện sớm, cách ly kịp thời và nghiêm ngặt. Người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng bệnh, thực hiện đầy đủ thông điệp 5K gồm khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách- không tụ tập đông người - khai báo y tế.

Các bác sĩ làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn ở Hải Dương. Ảnh: Bộ Y tế.
Các bác sĩ làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn ở Hải Dương. Ảnh: Bộ Y tế.

Thúy Quỳnh

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Y tế 24h - 15/11/2024

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Y tế 24h - 12/11/2024

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Y tế 24h - 31/10/2024

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Y tế 24h - 14/10/2024

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Y tế 24h - 02/10/2024

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới