Gia tăng người mắc bệnh tim mạch
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thế Huy, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E cho biết, bệnh tim mạch thường được chia thành 2 nhóm: Bệnh tim bẩm sinh và bệnh tim mắc phải.
Hiện nay, các bệnh lý tim mắc phải đang có xu hướng gia tăng. Các bệnh lý tim mắc phải thường gặp là tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, thiếu máu cơ tim do tổn thương động mạch vành, các bệnh lý về động mạch chủ hoặc động mạch ngoại biên.
Bên cạnh đó, còn có bệnh lý hở van tim, tim bẩm sinh. Các tình trạng như suy tim, rối loạn nhịp tim cũng là tình trạng phổ biến có thể gây ra tử vong do bệnh tim mạch.
Các bệnh lý tim mạch nguy hiểm thường gặp trong trường hợp cấp cứu như nhồi máu cơ tim cấp, phình tắc động mạch chủ hoặc các trường hợp gây tắc mạch gồm đột quỵ não, tai biến mạch máu não, xuất huyết não.
Bệnh tim mạch thường được ví như "sát thủ thầm lặng" vì bệnh thường diễn biến âm thầm. Thí dụ như bệnh lý tăng huyết áp thường không có triệu chứng cụ thể, chỉ khi đo huyết áp người bệnh mới thấy chỉ số huyết áp tăng cao. Điều này khiến người bệnh chủ quan trong điều trị và theo dõi tình trạng bệnh.
Do đó, người bệnh thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn và khiến bệnh có nhiều biến chứng, tăng nguy cơ tử vong.
Một vài dấu hiệu cảnh báo sớm các vấn đề tim mạch: Khó thở, đau tức ngực, đặc biệt là khi hoạt động gắng sức; Hồi hộp hoặc choáng váng; Ngất; Ngón chân, ngón tay tím hoặc thay đổi hình dạng; Có các thay đổi trên da, xuất hiện các ổ loét hoặc hoại tử; Sờ thấy các khối bất thường ở vùng bụng trong trường hợp mắc bệnh phình động mạch chủ.
Các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch là người cao tuổi. Người cao tuổi dễ mắc các bệnh tim mạch do mạch máu bị tổn thương dần theo thời gian, thường xuất hiện các mảng xơ vữa bám trong thành mạch. Điều này gây ra tình trạng hẹp mạch hoặc tắc mạch máu.
Bên cạnh đó, nhóm bệnh nhân bị béo phì hoặc có bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu hoặc những người có người thân mắc bệnh lý tim mạch cũng là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh tim mạch.
Bệnh lý tim mạch đang trẻ hóa
Gần đây, có những bệnh nhân chỉ mới 30-35 tuổi nhưng đã vào viện với tình trạng tắc hoàn toàn mạch vành hay còn gọi là nhồi máu cơ tim cấp và có diễn biến nặng nề.
"Ngay cả khi bệnh nhân được tiến hành các thủ thuật để thông tắc mạch và đặt stent, người bệnh vẫn phải chịu những ảnh hưởng nặng nề như suy tim trong tương lai", bác sĩ Huy nói.
Đa phần các bệnh nhân trẻ tuổi mắc bệnh tim mạch thường gặp các vấn đề căng thẳng trong công việc, thường xuyên hút thuốc lá, bị béo phì. Đây đều là các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở người trẻ tuổi. Bên cạnh đó còn có các yếu tố khác như mắc bệnh tiểu đường, thường xuyên sử dụng rượu bia cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
"Người trẻ thường chịu nhiều áp lực cuộc sống do công việc khiến họ đôi khi lơ là trong việc chăm sóc sức khỏe của bản thân. Thí dụ như, họ có chế độ ăn không hợp lý, thường xuyên ăn đồ ăn nhanh, thức khuya, ít vận động. Các yếu tố này làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở người trẻ, đặc biệt bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng lâu dài.
Do đó, người trẻ cần phải ý thức hơn trong việc bảo vệ bản thân khỏi bệnh tim mạch bởi đây là căn bệnh có thể mắc ở mọi lứa tuổi", bác sĩ Huy cảnh báo.
Khi cấp cứu tim mạch, yếu tố thời gian đóng vai trò vô cùng quan trọng khi bệnh nhân đã có những yếu tố cấp tính về tim mạch. Các trường hợp cấp cứu tim mạch như nhồi máu cơ tim cấp, tai biến mạch máu não cấp... là khi các bộ phận trọng yếu như tim và não đang bị thiếu máu.
Lúc này, cấp cứu càng sớm thì người bệnh càng có nhiều cơ hội để phục hồi. Như vậy, "khung giờ vàng" là khoảng thời gian hồi phục tốt nhất cho các phần bị tổn thương khi bệnh nhân gặp tai biến.
Do đó, nếu người thân trong gia đình có các vấn đề tim mạch cấp tính như đau ngực dữ dội, liệt nửa người thì cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu kịp thời, chẩn đoán bệnh và chuyển bệnh nhân vào các chuyên khoa sâu để điều trị kịp thời.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch bao gồm: Hút thuốc lá; Béo phì; Bệnh tiểu đường; Lạm dụng rượu bia; Nhiễm trùng...
Ngoài ra, những người đã mắc bệnh tim mạch cũng cần thường xuyên thăm khám, sử dụng thuốc đều chỉ định của bác sĩ để duy trì sức khỏe của bản thân.
Những người có người thân trong gia đình mắc bệnh tim mạch thường dễ bị di truyền và có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch. Trong trường hợp này, khi thấy bản thân có các dấu hiệu của bệnh tim mạch như khó thở, tức ngực, hồi hộp,... người bệnh cần đến các chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán bệnh kịp thời.
Theo bác sĩ Huy, mọi người có thể phòng tránh bệnh tim mạch bằng cách hạn chế các yếu tố nguy cơ như cai thuốc lá; hạn chế sử dụng rượu, bia;...
Đối với những bệnh nhân trẻ tuổi hoặc những người đã mắc bệnh tim mạch cần phải có chế độ ăn hợp lý, duy trì cân nặng phù hợp, tập thể dục đều đặn, cân đối công việc và cuộc sống.