'Bệnh nhân 418' có thể phải can thiệp ECMO
Chiều 27/7, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị Covid-19, các thành viên Tiểu ban Điều trị, Hội đồng chuyên môn các bệnh truyền nhiễm đã hội chẩn quốc gia hai bệnh nhân nặng là 416 và 418.
Đại diện Bệnh viện Đà Nẵng cho biết "bệnh nhân 416", 57 tuổi, được chẩn đoán viêm đường hô hấp cấp do nhiễm nCoV, sốc nhiễm khuẩn. Bệnh nhân được can thiệp ECMO ngày thứ 4, tiếp tục lọc máu. Hiện các chỉ số và chức năng sống của bệnh nhân trong phạm vi kiểm soát. Tuy nhiên tiên lượng bệnh nhân rất nặng, nguy cơ tử vong cao, khả năng vẫn tiếp tục thở máy, ECMO phổi nhân tạo, lọc máu liên tục.
Các chuyên gia đề nghị Bệnh viện Đà Nẵng làm rõ thông số về chỉ số lưu thông máu, cấy dịch phế quản của "bệnh nhân 416" để xem xét tình trạng nhiễm nấm, khuẩn tụ cầu và tìm các căn nguyên khác. Các thông số này cũng giúp đánh giá mức độ suy giảm miễn dịch của bệnh nhân để có những điều chỉnh phù hợp.
Tại buổi hội chẩn, các chuyên gia đánh giá tình trạng "bệnh nhân 418" còn nặng hơn "bệnh nhân 416" vì tuổi cao, 61 tuổi, mắc các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường nhiều năm. Bệnh nhân có biến chứng suy hô hấp, suy tim, tổn thương thận cấp, tiên lượng rất nặng, tiếp tục thở máy và lọc máu liên tục. Các bác sĩ đang xem xét khả năng can thiệp ECMO cho bệnh nhân.
Các chuyên gia để nghị các bác sĩ đánh giá về lưu lượng trao đổi oxy trong máu, cân bằng điện giải của bệnh nhân này, xem xét tình trạng nhiễm nấm, khuẩn.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Tiểu ban Điều trị, đề nghị các bệnh viện cảnh giác trong chẩn đoán bệnh nhân.
"Các bệnh nhân cần được theo dõi sát sao, những chỉ định như can thiệp ECMO không diễn ra muộn", ông Sơn nói.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Bệnh viện Đà Nẵng tiếp tục thực hiện 4 tại chỗ trong phòng chống dịch Covid-19. Bệnh viện cùng các chuyên gia của Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ xây dựng kế hoạch và đề xuất các nội dung trong công tác phòng chống dịch và điều trị bệnh nhân. Chiều nay, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cùng 10 chuyên gia về hồi sức tích cực, truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn đã có mặt tại Bệnh viện Đà Nẵng để cùng hỗ trợ chuyên môn và thực hiện công tác chống dịch.
"Bệnh viện xem xét phương án chuyển bớt bệnh nhân sang cơ sở y tế khác được chỉ định để giãn cách bệnh nhân, giảm áp lực cho cán bộ y tế. Bố trí y bác sĩ đã xét nghiêm âm tính và chưa có yếu tổ nguy cơ ở một địa điểm phù hợp để luân phiên, bảo toàn sức khỏe", ông Khuê nói.
Ông Khuê cũng yêu cầu bệnh viện đảm bảo đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị điều trị cho bệnh nhân, không để lây nhiễm trong bệnh viện và lây ra cộng đồng.
"Nếu bệnh viện nào không thực hiện, lãnh đạo bệnh viện phải chịu trách nhiệm", ông Khuê nhấn mạnh.
Tính đến chiều nay, Việt Nam ghi nhận 431 ca nhiễm, trong đó 365 người đã khỏi. 15 ca nhiễm mới trong cộng đồng, trong đó 14 ca ở Đà Nẵng, một ca Quảng Ngãi có liên quan Đà Nẵng.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Y tế 24h - 15/11/2024
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Y tế 24h - 12/11/2024
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Y tế 24h - 14/10/2024
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Y tế 24h - 02/10/2024
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư