Bệnh viện Chợ Rẫy: Bệnh nhân phi công cần điều trị phục hồi trước xuất viện

Theo VnExpress 10:53 22/06/2020 - Y tế 24h
Họp báo sáng 22/6, tiến sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bệnh nhân phi công sức khỏe cải thiện, đang điều dưỡng cơ thể để phục hồi.

Phó giáo sư, tiến sĩ Thảo cho biết tình trạng bệnh nhân khả quan, tỉnh táo, giao tiếp tốt, tự thở, ban ngày không cần thở oxy qua máy, ban đêm thở oxy 0,5 lít một phút. Kết quả CT scan ngực cho thấy 85% phổi hồi phục. Tình trạng nhiễm trùng đã hết.

Sức cơ tay bệnh nhân đang hồi phục, có thể cầm nắm tự ăn, viết, sử dụng điện thoại tinh tế. Sức cơ chân hồi phục khá, co chân bình thường. Bệnh nhân đang tập vật lý trị liệu, tập bước và đứng lên cơ chân. 

"Bệnh nhân cần thêm thời gian để đi đứng bình thường, mặc dù các chức năng cơ quan đã trở về bình thường. Việc xuất viện hiện chưa nói trước được. Sau điều trị sẽ đến giai đoạn điều dưỡng để phục hồi cho bệnh nhân", bác sĩ Thảo cho hay. 

Hiện thời gian bệnh nhân có thể xuất viện do Ban Chỉ đạo Quốc gia chống dịch, Tiểu ban Điều trị, Bộ Y tế, cân nhắc, quyết định.

Đánh giá toàn bộ quá trình điều trị bệnh nhân phi công, tiến sĩ Thảo đúc kết: "Quá trình điều trị bệnh nhân phi công cũng là bài học điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 khác". 

Phó Giáo sư, tiến sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, họp báo ngày 22/6. Ảnh: Hữu Khoa.
Phó Giáo sư, tiến sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, họp báo ngày 22/6. Ảnh: Hữu Khoa.

Ngày 18/3, nam phi công người Anh - "bệnh nhân 91", 43 tuổi, phát hiện mắc Covid-19. Anh nhập viện trong tình trạng khỏe mạnh, sau đó đột ngột trở nặng, mắc hội chứng "bão cytokine" - hệ miễn dịch phản ứng thái quá, có thời điểm phổi gần như bị đông đặc, phải can thiệp ECMO từ ngày 6/4. 

Đến nay, bệnh nhân đã trải qua hơn 3 tháng điều trị, là bệnh nhân Covid-19 có số ngày điều trị dài nhất. Anh điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM 65 ngày. Khi hết nCoV, được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy từ ngày 22/5, đến nay tròn một tháng. Bệnh nhân đã được ngưng lọc máu từ ngày 27/5, ngưng ECMO vào sáng 3/6, ngưng thở máy sáng 12/6. 

Bệnh nhân trải qua nhiều cơn thập tử nhất sinh, các bác sĩ đã cố gắng hết sức cứu bệnh nhân trong tâm thế "còn nước còn tát". Bệnh nhân suy hô hấp thì can thiệp liệu pháp oxy điều trị, thông khí cơ học, cài đặt máy thở để giúp bảo vệ phổi. Không thể nằm ngửa để thờ, bệnh nhân được đặt nằm sấp mặt. Không thông khí cơ học được nữa thì can thiệp ECMO (trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể) chờ cho phổi cải thiện.

Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi điều trị bệnh nhân phi công một tháng qua. Ảnh: Hữu Khoa.
Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi điều trị bệnh nhân phi công một tháng qua. Ảnh: Hữu Khoa.

Khi mới nhập viện, độc lực nCoV trong cơ thể bệnh nhân rất cao, kết quả xét nghiệm liên tục dương tính, âm tính. Thời điểm ấy, các bác sĩ chưa hiểu virus hoạt động như thế nào. Bệnh nhân lại lâm vào tình trạng "bão cytokine", phải áp dụng nhiều biện pháp để cứu mạng sống như lọc máu, can thiệp ECMO. Cao trào nhất là khi bệnh nhân bị tổn thương phổi chỉ còn hoạt động 10%, tràn khí màng phổi, phế nang hoại tử, các vi huyết khối bị đông. Bệnh nhân được xử lý nhanh chóng tình trạng tràn khí màng phổi, thoát được ngưng tim, ra khỏi cửa tử.

"Hệ miễn dịch, sợ nhất là cơn bão cytokine. Chúng tôi phải dồn hết tâm lực để chiến đấu với cơn bão này. Thời điểm bão nặng, bệnh nhân phải dùng thuốc kháng mạnh, lọc máu liên tục để lấy những cytokin dư thừa, hạn chế cơn bão gây hại cơ thể, trong khi đó thận suy cấp, không có nước tiểu", tiến sĩ Thảo chia sẻ.

Các bác sĩ luôn được đặt trong tình trạng báo động đỏ. Các biến chứng được tiên lượng rất nhiều. Thậm chí có những thời điểm các thủ tục giấy tờ điều trị được giám đốc bệnh viện ký trước "chịu trách nhiệm" thay bệnh nhân đang hôn mê không thể ký.

Khi tỉnh dậy, ngưng máy thở, bệnh nhân không biết cả quá trình nằm viện của mình như thế nào, hỏi "đồ đạc khi nhập viện của tôi đâu rồi". Khi dùng được điện thoại, liên lạc bạn bè, anh mới được kể lại những sự việc diễn ra trong hơn hai tháng hôn mê. Anh cảm ơn rất nhiều vì đã được điều trị tại Việt Nam.

"Giữ bệnh nhân không tử vong là điều quan trọng nhất. Cứu được bệnh nhân là nhờ ý chí quyết tâm của cả ngành y tế, các ban ngành, không chỉ là thành công của một ê kíp hay một bệnh viện", tiến sĩ Thảo nhấn mạnh.

Anh Thư

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Y tế 24h - 15/11/2024

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Y tế 24h - 12/11/2024

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Y tế 24h - 31/10/2024

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Y tế 24h - 14/10/2024

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Y tế 24h - 02/10/2024

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới