Ca sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng gấp 2, nhiều gia đình phun thuốc diệt muỗi vẫn mắc bệnh

Theo Báo Giáo Thông 09:09 04/07/2024 - Y tế 24h
Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện không hiểu sao mắc bệnh khi gia đình vừa phun thuốc diệt muỗi. Hiện số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
 

Cùng thôn 43/36 hộ có người mắc sốt xuất huyết

Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 940 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2023) nhưng chưa có ca tử vong. Ngoài ra, trong tuần cũng ghi nhận 3 ổ dịch sốt xuất huyết mới, trong đó tại huyện Đan Phượng có 2 ổ dịch và quận Bắc Từ Liêm có 1 ổ dịch. 

Ca sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng gấp 2, nhiều gia đình phun thuốc diệt muỗi vẫn mắc bệnh

Loại bỏ vùng nước đọng, diệt bọ gậy sẽ phòng được sốt xuất huyết. (Ảnh: Hùng Sơn).

Hiện còn 6 ổ dịch đang hoạt động, trong đó có 4 ổ dịch tại huyện Đan Phượng (gồm: 2 thôn Bãi Tháp và Đồng Vân thuộc xã Đồng Tháp; thôn Phương Mạc, xã Phương Đình; thôn 3, xã Thượng Mỗ) và 1 ổ dịch tại phường Trung Liệt (quận Đống Đa); 1 ổ dịch tại phường Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm).

Tại thôn Đồng Văn (xã Đồng Tháp) có 46 hộ thì 43 hộ có người mắc sốt xuất huyết. Hai bố con anh Lê Văn Lý (xã Đồng Tháp, Đan Phượng, Hà Nội) vừa về viện, mệt mỏi và đau nhức cơ, cho biết: Tại đây vẫn có thói quen sinh hoạt trữ nước mưa trên cao, nên dù dọn dẹp sạch sẽ quanh nhà nhưng không lưu tâm đến tec trữ nước mưa và không ngờ đó là nơi muỗi sinh sản, phát triển gây bệnh".

"Theo kinh nghiệm, ở đâu có nhiều bể chứa nước mưa là ở đó có muỗi và nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết. Do thói quen của người dân dùng nước mưa để nấu ăn nên các bể nước mưa này không thể phun hóa chất diệt muỗi hay thả cá diệt bọ gậy, gây khó khăn cho việc kiểm soát dịch sốt xuất huyết", ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội cho biết.

Phun thuốc muỗi chưa đủ phòng sốt xuất huyết

5 thôn ở xã Đồng Tháp, Đan Phượng có tới 160 người mắc sốt xuất huyết. Hiện 90% bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương là người Đồng Tháp. Ông Đỗ Văn Toàn đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay, ông mắc sốt xuất huyết đúng sau 3 ngày phun thuốc diệt muỗi. Trong nhà không có muỗi không biết sao lại mắc sốt xuất huyết

Theo TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, về cơ bản biện pháp phun xịt hóa chất trong phòng chống muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết chỉ có hiệu quả trong 1-2 tiếng là khuếch tán hết ra môi trường và không còn tác dụng.

"Cần lưu ý không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết. Hóa chất chỉ diệt được những con muỗi trưởng thành ngay tại thời điểm đó. Nếu bọ gậy vẫn còn sót lại thì chỉ vài tiếng sau sẽ nở ra và bắt đầu chu kỳ tấn công con người mới", TS Dũng phân tích.

Với thời tiết nắng nóng, thời gian từ trứng đến trưởng thành sẽ rút ngắn lại, khoảng 7 - 9 ngày. Khi vòng đời ngắn lại thì khả năng sinh sản sẽ nhiều hơn, tăng mật độ tiếp xúc với con người. Chỉ cần có nguồn bệnh là sẽ bùng phát..

Chính vì vậy, theo khuyến cáo từ chuyên gia này, người dân tuyệt đối không được chủ quan ngay cả khi đã phun thuốc diệt muỗi. Người dân cần áp dụng các biện pháp ngăn muỗi đốt như mặc áo quần dài tay, mắc màn khi đi ngủ ngay cả ban ngày… Để phòng chống triệt để sốt xuất huyết, điều quan trọng nhất là mỗi người dân cần ý thức loại trừ nơi sinh sống của bọ gậy; Vệ sinh môi trường trong và xung quanh nhà, lật úp các dụng cụ không cần thiết để tránh nước đọng, vô tình thành ổ đẻ cho muỗi là điều vô cùng quan trọng.

Cũng theo nhận định từ CDC Hà Nội hiện nay, điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa nhiều rất thuận lợi cho sự phát triển của muỗi và bọ gậy truyền bệnh. Đây cũng là tuần thứ 5 liên tiếp có số mắc sốt xuất huyết gia tăng trên địa bàn Hà Nội.

Ai có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc sốt xuất huyết

Theo các chuyên gia y tế, các trường hợp mắc sốt xuất huyết nhẹ hoặc trong những ngày đầu có thể điều trị và theo dõi tại nhà. Người bệnh cần uống đủ nước, dùng thuốc hạ sốt - giảm đau paracetamol, nghỉ ngơi, xét nghiệm công thức máu hàng ngày. Lưu ý không tự ý truyền dịch và không dùng kháng sinh hay thuốc corticoid.

Tuy nhiên, những đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc sốt xuất huyết gồm: Nhóm trẻ dưới 4 tuổi, đặc biệt dưới 12 tháng tuổi; Nhóm bệnh nền, dễ chảy máu, có bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, có bệnh đông máu, khó cầm máu. Không may khi sốt xuất huyết, giảm tiểu cầu mà chảy máu, cầm máu rất phức tạp; Nhóm người béo phì, phản ứng với sốt xuất huyết rất mạnh mẽ, tỉ lệ nặng ở nhóm này cao hơn. Khi xảy ra diễn biến nặng, xử lý khó khăn hơn rất nhiều; Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết có thể đẻ bất cứ lúc nào. Nếu tiểu cầu giảm, nguy cơ chảy máu trong cuộc đẻ rất lớn...

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/ca-sot-xuat-huyet-tai-ha-noi-tang-gap-2-nhieu-gia-dinh-phun-thuoc-diet-muoi-van-mac-benh-192240703104107762.htm

 

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI

Y tế 24h - 23/12/2024

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Y tế 24h - 28/11/2024

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Y tế 24h - 27/11/2024

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Y tế 24h - 25/11/2024

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Y tế 24h - 21/11/2024

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới