Chưa tìm được nguồn lây ổ dịch bạch hầu
"Đến nay không tìm được nguồn lây ban đầu F0, nguyên nhân gây bạch hầu vẫn đang tồn tại trong cộng đồng. Chúng tôi chỉ biết là ở ba ổ dịch đã được ghi nhận thì dân cư có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chỉ 52-65%", ông Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đăk Nông ngày 24/6 cho biết.
Ổ dịch thứ ba là cụm dân cư 12 thuộc xã Đăk R'măng, được ghi nhận ngày 23/6 với ba ca nhiễm mới nhờ xét nghiệm sàng lọc hơn 300 người dân, hôm nay không phát sinh thêm bệnh nhân. Em Giàng A Phủ, 13 tuổi, cư ngụ xã này, đang nguy kịch. Hai bệnh nhân khác sức khỏe ổn định. Cụm 12 xã Đăk R'măng cách trung tâm xã hơn 70 km, đường vào chỉ có thể đi bộ hoặc xe máy nên việc tiêm chủng gặp nhiều khó khăn, theo ông Hùng. Sau khi xuất hiện dịch, người dân mới chấp hành tiêm vaccine phòng bạch hầu.
Hiện Đăk Nông còn 6 bệnh nhân bạch hầu điều trị tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên và Bệnh viện đa khoa Đăk Nông, sức khỏe ổn định. Bốn người tuổi 9-15 tại xã Đăk Sôr, huyện Krông Nô, đã khỏi bệnh, xuất viện. Một tử vong, là bé gái 9 tuổi ở xã Quảng Hòa, huyện Đăk Glong.
Theo ông Hùng, đến chiều nay, dịch bạch hầu cơ bản đã được khoanh vùng, khống chế. Nhà chức trách đang mở rộng khám sàng lọc chủ động đến 5-6 khu dân cư của người H'mông sống rải rác trên địa bàn huyện Đăk Glong. Toàn bộ người dân ở khu vực này được lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu, nhằm phát hiện sớm để điều trị, lập danh sách tiêm chủng.
Nhà chức trách đang cách ly 355 người ở xã Quảng Hòa và 307 người tại xã Đăk R’măng. Hơn 1.200 người được điều trị dự phòng.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết bệnh bạch hầu khi biến chứng rất nguy hiểm, bệnh nhân tử vong rất nhanh. Như bé gái 9 tuổi ở Đăk Nông, khi chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM đã bị biến chứng vào tim, diễn biến bệnh quá nặng, mất chỉ sau 2 giờ nhập viện.
Theo bác sĩ Trường, bạch hầu không phải là bệnh mới, đã có vaccine phòng bệnh, nhưng năm nào cũng xuất hiện rải rác vài ổ dịch. Những năm qua bệnh viện tiếp nhận rải rác các ca bạch hầu, chủ yếu từ các tỉnh Tây Nguyên như Đăk Lăk, Kon Tum...
"Bệnh này có thể chủ động phòng ngừa bằng vaccine. Người bệnh được phát hiện sớm, điều trị bằng kháng sinh, thuốc kháng độc tố ngay khi bệnh khởi phát thì không nguy hiểm. Khi độc tố từ vi khuẩn bạch hầu biến chứng vào tim thì hầu như vô phương cứu chữa", bác sĩ Trường giải thích.
Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn corynebacterium diphtheriae gây ra, lây qua các chất tiết đường hô hấp chứa vi khuẩn hoặc qua các chất dịch ở sang thương ngoài da. Triệu chứng ban đầu là sốt, ho, viêm họng, viêm mũi, nuốt đau, xuất hiện màng giả màu trắng ở vùng hầu họng.
Vi khuẩn từ các mảng trắng có thể tiết độc tố. Một số bệnh nhân bị độc tố này gây suy hô hấp và tuần hoàn, liệt khẩu cái làm thay đổi giọng nói, ăn uống sặc và khó nuốt, lú lẫn, nặng thì hôn mê sau đó tử vong. Một số trường hợp bị biến chứng viêm cơ tim hay viêm dây thần kinh ngoại biên.
Phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vaccine 5 trong 1 thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng lúc bé 2, 3, 4 tháng tuổi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng. Khi có dấu hiệu bệnh hoặc nghi ngờ, phải cách ly, khám và điều trị kịp thời.
Trần Hóa - Anh Thư
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI
Y tế 24h - 23/12/2024
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Y tế 24h - 28/11/2024
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Y tế 24h - 27/11/2024
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?