Khả năng lây bệnh của người nhiễm nCoV sau bình phục
Các chuyên gia cho biết bệnh nhân có khả năng lây nhiễm rất thấp ở giai đoạn sau khi chữa khỏi triệu chứng. Theo Krys Johnson, nhà dịch tễ học ở Trường y tế công cộng ở Đại học Temple nhận định phát hiện này là tin tức tốt. Những virus lưu lại ở người thường là virus mà cơ thể đã phát triển phản ứng miễn dịch mạnh mẽ.
Trong nghiên cứu, Lan Lan, bác sĩ khoa X quang và Dan Xu, bác sĩ khoa xét nghiệm y học ở bệnh viện Trung Nam thuộc Đại học Vũ Hán, theo dõi 4 nhân viên y tế là bệnh nhân Covid-19 trong độ tuổi 30 - 36 từ ngày 1/1 đến ngày 15/2. Tất cả đều bình phục và chỉ một người phải nhập viện trong lúc ốm. Các bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng virus oseltamivir hay còn gọi là Tamiflu.
Bệnh nhân được cho là bình phục sau khi triệu chứng thuyên giảm và xét nghiệm âm tính với nCoV hai lần trong hai ngày liên tiếp. Sau khi bình phục, bệnh nhân được yêu cầu tự cách ly ở nhà trong 5 ngày. Các bác sĩ tiếp tục lấy mẫu bệnh phẩm của họ bằng bông ngoáy họng sau khi bình phục từ 5 - 13 ngày. Kết quả cho thấy mọi xét nghiệm vào ngày 5 và ngày 13 đều dương tính với nCoV, chứng tỏ ít nhất một số bệnh nhân đã bình phục vẫn mang virus, theo các tác giả nghiên cứu.
Nhóm nghiên cứu công bố phát hiện sao khi Nhật Bản báo cáo trường hợp đầu tiên tái nhiễm nCoV sau khi bình phục. Johnson cho biết chưa thể xác định rõ điều gì xảy ra với bệnh nhân người Nhật. Một khả năng là người phụ nữ nhiễm virus từ người khác. Khả năng khác là cơ thể bệnh nhân không sản sinh đủ kháng thể để tiêu diệt hoàn toàn virus, khiến virus tiếp tục nhân lên trong phổi và những triệu chứng tái xuất hiện.
Không hiếm gặp lượng nhỏ virus sót lại trong cơ thể ngay cả khi bệnh nhân bình phục, Ebenezer Tumban, nhà vi trùng học ở Đại học Công nghệ Michigan, cho biết. Ví dụ, virus Zika và Ebola thường lưu lại nhiều tháng sau khi bệnh nhân được chữa khỏi.
Xét nghiệm trên 4 bệnh nhân ở Vũ Hán, Trung Quốc, tìm kiếm những đoạn gene của virus trong cơ thể. Thuốc Tamiflu có thể khiến số bản sao của virus ở bệnh nhân giảm xuống rất ít. Tại thời điểm đó, xét nghiệm không đủ nhạy để phát hiện virus. Sau khi kết thúc điều trị bằng thuốc kháng virus, nCoV có thể bắt đầu nhân lên ở mức thấp. Lượng virus không đủ gây tổn thương mô, do đó bệnh nhân không bộc lộ triệu chứng. Tuy nhiên, số bản sao của virus đủ cao để cho kết quả xét nghiệm dương tính.
Lúc này, khả năng lây nhiễm của họ không cao. Ho và hắt hơi làm bắn những giọt chất nhầy chứa virus ra xung quanh, nhưng cá nhân không ho hoặc hắt hơi. Lượng virus trong cơ thể họ cũng thấp, đòi hỏi tiếp xúc gần để lây lan. "Họ nên cẩn thận không dùng chung nước uống và thức ăn trong nhà, đồng thời đảm bảo rửa tay thường xuyên", Johnson nói.
Không có thành viên nào trong gia đình của các bệnh nhân xét nghiệm dương tính với nCoV ở thời điểm công bố nghiên cứu. Dù vậy, nhóm tác giả nhấn mạnh tất cả bệnh nhân đều là nhân viên y tế, do đó họ rất cẩn thận đề phòng nhằm tránh lây bệnh ở nhà.
Virus lưu lại trong người có thể kích phản ứng miễn dịch chống lại đợt lây nhiễm mới. Nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi về thời gian miễn dịch. Ví dụ, cơ thể duy trì miễn dịch đối với virus corona gây cảm lạnh thường trong 1 - 2 năm. Giới nghiên cứu không loại trừ khả năng virus corona mới đột biến khi lây lan qua dân số, biến đổi thành phiên bản mà hệ miễn dịch không thể nhận ra. "Vấn đề là virus đột biến nhanh tới mức nào", Johnson nói. Bà cho rằng cần thêm những nghiên cứu theo dõi để hiểu rõ cơ chế bình phục của người nhiễm Covid-19. Đối tượng trong nghiên cứu ở Vũ Hán có độ tuổi và tình trạng sức khỏe tương đồng, không ai trong số họ trải qua biến chứng nặng.
Tumban chỉ ra nghiên cứu tương lai cần xem xét lượng virus bên trong phổi. Bông ngoáy họng chỉ thu được virus ở nhánh trên của đường hô hấp, nhưng virus có thể khu trú ở sâu trong phổi. Lấy mẫu bệnh phẩm từ phổi là quá trình có tính xâm lấn cao hơn, bao gồm rửa phế nang để xét nghiệm tìm các hạt virus. Việc theo dõi bệnh nhân đã bình phục trong thời gian dài cũng rất quan trọng. "Liệu sau 1 - 2 tuần, lượng virus trong máu hoặc phổi có cao hơn đủ để một người lây nhiễm sang người khác hay không? Đó là điều chúng ta vẫn chưa biết", Tumban chia sẻ.
An Khang (Theo Live Science)
Nguồn: https://vnexpress.net/khoa-hoc/kha-nang-lay-benh-cua-nguoi-nhiem-ncov-sau-binh-phuc-4062383.html
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI
Y tế 24h - 23/12/2024
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Y tế 24h - 28/11/2024
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Y tế 24h - 27/11/2024
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?