Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Theo Báo giao thông 09:29 02/10/2024 - Y tế 24h
Tỷ lệ người dân mắc các bệnh lý liên quan đến vùng hàm mặt, nhất là ung thư hàm mặt có liên quan đến lưỡi đang có chiều hướng gia tăng.
 

Đây được xem là thách thức lớn cho các bác sĩ khi vừa phải đảm bảo an toàn về tính mạng cho người bệnh, vừa phải mang lại cho họ một cuộc sống bình thường.

Tái tạo lưỡi sau khi cắt một nửa

Mới đây, các bác sĩ Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện E tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho một nữ bệnh nhân 70 tuổi (Hà Nội) bị ung thư bờ lưỡi giai đoạn cuối.

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Bệnh nhân ung thư lưỡi được can thiệp bằng vi phẫu.

Khối u có kích thước hơn 4cm, gây xâm lấn toàn bộ từ phía vùng niêm mạc miệng đến toàn bộ lớp cơ, mạch máu và hệ thống xung quanh vùng lưỡi. 

Để điều trị cho người bệnh, các bác sĩ đã chọn phương án tối ưu nhất là cắt bỏ toàn bộ vị trí khối u và các vùng có liên quan, sau đó tạo hình lưỡi bằng vạt vi phẫu cho người bệnh.

TS.BS Nguyễn Hồng Nhung, Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện E cho biết, sau khi cắt khối u đã để lại một khuyết hổng lớn ở lưỡi và vùng chậu sàn miệng. Khuyết tổn này cần được tạo hình bằng vạt tổ chức có nối mạch vi phẫu. 

Tiếp đến, quá trình tạo hình lưỡi, sàn miệng cho người bệnh, vì tính chất lan rộng của khối ung thư và đã cắt bỏ 1/2 lưỡi nên không thể tạo hình bằng vạt tại chỗ.

Vì vậy, ê-kíp phẫu thuật lựa chọn sử dụng vạt da ở vị trí cánh tay phải để tạo hình lưỡi. Sau phẫu thuật, người bệnh có thể chấm dứt những đau đớn, được tập nuốt, tập nói và cuộc sống trở lại bình thường.

Thế nào là vi phẫu?

TS.BS Nguyễn Tấn Văn, Phó trưởng Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện E chia sẻ: Vi phẫu là một trong những kỹ thuật tiến bộ nhất trong tái tạo khuyết hổng vùng hàm mặt trên thế giới cũng như tại Việt Nam hiện nay. 

Trong quá trình phẫu thuật vi phẫu, các phẫu thuật viên sử dụng kính hiển vi chuyên dụng kết hợp các dụng cụ y khoa mức độ chính xác cao để sửa chữa, bảo tồn từng cấu trúc nhỏ nhất trong cơ thể.

Theo đó, các bác sĩ sẽ đưa những vạt từ xa có cuống mạch lên vùng có khuyết hổng, sau đó nối mạch máu (động mạch, tĩnh mạch), dây thần kinh… đường kính chỉ vài mm, giúp phục hồi lại các khuyết hổng cho người bệnh.

Cũng theo BS Văn, nếu như trước đây, nhiều tổn thương vùng hàm mặt rất khó điều trị bảo tồn khi phải phẫu thuật thì hiện nay với những tiến bộ trong vi phẫu đã mang lại chất lượng điều trị mới.

Theo BS Văn, với những trường hợp người bệnh bị ung thư vùng hàm mặt, phương pháp vi phẫu được coi là "tiêu chuẩn vàng" điều trị. 

Trong phẫu thuật, việc loại bỏ hoàn toàn và ngăn chặn sự phát triển của khối u ung thư là rất quan trọng giúp đảm bảo tính mạng cho người bệnh.

Tuy nhiên, khi phẫu thuật cắt triệt để khối u sẽ để lại khuyết hổng vùng mặt rất lớn, hơn nữa, còn ảnh hưởng đến chức năng ăn uống, nói, thở và thẩm mỹ của người bệnh.

Phục hồi cả chức năng và thẩm mỹ

Để đảm bảo các chức năng cho người bệnh, các bác sĩ phải tạo hình che phủ bằng các vạt da, xương tự do được lấy từ các vùng khác của cơ thể như: Chân, tay, bụng, lưng… nhằm tái tạo và phục hồi ở những tổn thương giúp người bệnh phục hồi cả chức năng và thẩm mỹ.

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Chăm sóc bệnh nhân vá lưỡi sau phẫu thuật.

"Hiện, chúng tôi đã triển khai kỹ thuật phẫu thuật tạo hình bằng vạt vi phẫu điều trị cho nhiều trường hợp mắc các bệnh liên quan đến ung thư vùng hàm mặt, nhất là ung thư vùng miệng.

Kỹ thuật cho nhiều kết quả tốt, đem lại hiệu quả điều trị cao cho bệnh nhân ung thư, đồng thời giúp phục hồi về chức năng, giải phẫu, thẩm mỹ cũng như tâm lý, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh", BS Nhung chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, BS Văn nhấn mạnh: Đây là kỹ thuật khó, đòi hỏi đội ngũ phẫu thuật viên có trình độ chuyên môn cao, trong phẫu thuật phải tập trung tinh thần cao, chính xác gần như tuyệt đối.

Để thực hiện những ca phẫu thuật vi phẫu, phẫu thuật viên phải thao tác trên những mạch máu thần kinh với những tổ chức rất nhỏ, việc làm này không thể làm bằng mắt thường mà phải sử dụng kính hiển vi phóng đại.

Tất cả quá trình đòi hỏi các phẫu thuật viên phải rất tỉ mỉ, không được có sai sót. Vì vậy, những ca phẫu thuật vi phẫu thường kéo dài từ 8-10 tiếng, thậm chí có thể lên tới gần 20 tiếng.

Theo nhận định từ các chuyên gia y tế, hiện kỹ thuật vi phẫu giúp giảm thiểu thiệt hại cho các mô xung quanh, đồng thời cải thiện độ chính xác của việc sửa chữa nên người bệnh sẽ có thời gian hồi phục nhanh hơn và giảm các biến chứng sau phẫu thuật.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/ky-cong-va-luoi-cho-benh-nhan-ung-thu-192240930231325603.htm

 

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Y tế 24h - 15/11/2024

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Y tế 24h - 12/11/2024

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Y tế 24h - 31/10/2024

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Y tế 24h - 14/10/2024

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa

Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa

Y tế 24h - 01/10/2024

Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới