Mắc kẹt trong bệnh viện, hết thức ăn do lũ
Trưa 20/10, nước ở Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, chưa rút. Toàn bộ tầng một ngập sâu đến nửa tường, chỗ thấp nhất cũng khoảng 40 cm.
Bác sĩ Nguyễn Phúc Long, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên, cho biết nước tràn vào bệnh viện từ 2h sáng 18/10. Từ đó đến nay, hơn 90 nhân viên y tế cùng gần 200 bệnh nhân và người nhà cố thủ trên tầng hai các dãy nhà. Mất điện và nước khiến việc khám chữa bệnh, sinh hoạt tại đây gặp vô vàn khó khăn. Người đã khỏi bệnh không thể về nhà. Người bị bệnh đến khám và điều trị, sản phụ đợi ngày sinh con, vào viện đông thêm để chờ.
Khoa Dinh dưỡng nằm ở tầng một không thể hoạt động, thức ăn và nước uống đã cạn kiệt. Giữa mênh mông nước xiết, họ không thể ra ngoài mua thực phẩm bổ sung. Nguồn thực phẩm duy nhất hiện nay là do người nhà bệnh nhân, người nhà nhân viên y tế tiếp tế với số lượng nhỏ lẻ, chia sẻ lẫn nhau mới đủ dùng trong ngày.
"Trưa hôm qua bệnh nhân phải ăn mì tôm, còn nhân viên y tế thì nhịn. Đến tối chúng tôi được tiếp tế xôi", bác sĩ Long cho hay.
Sáng 20/10, một sản phụ vỡ ối dọa sinh non, nhận định vượt qua khả năng chuyên môn, các bác sĩ đã khẩn cấp kêu gọi người dân có xe tải gần đó và ca nô của công an hỗ trợ vận chuyển sản phụ tới bệnh viện tỉnh an toàn. Các bác sĩ cũng tiến hành rà soát tình trạng sức khỏe của toàn bộ bệnh nhân. May mắn không có bệnh nhân nào nguy hiểm tính mạng cần chuyển tuyến gấp.
Theo bác sĩ Long, thiên tai diễn ra quá bất ngờ, lãnh đạo bệnh viện trước mắt tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, bảo đảm an toàn tối đa cho mọi người. Đồng thời, bệnh viện lên phương án di dời bệnh nhân nếu nước dâng cao đến tầng hai. Bệnh viện đang kêu gọi chính quyền và các nhà hảo tâm tiếp tế nước sạch và đồ ăn trong thời gian tới.
Hiện tại, bệnh viện đủ năng lực thu dung thêm bệnh nhân. Tuy nhiên nếu bệnh nhân nặng cần phải phẫu thuật cấp cứu thì nhiều nguy cơ. Bệnh viện phải để dành chiếc máy phát điện duy nhất có công suất 2kw cho tình huống mổ cấp cứu. Ba ngày qua, chiếc máy này đã hoạt động hết công suất, giúp bác sĩ mổ đẻ thành công cho 7 sản phụ. Trong đó một sản phụ mắc hội chứng nhau cài răng lược, phải mổ hở cắt tử cung và cầm máu cấp cứu.
Tại Quảng Bình, nước lũ bắt đầu rút nhưng không đáng kể. Khoảng 400 người đang có mặt tại hai bệnh viện huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh vẫn bị cô lập. Tầng một các bệnh viện này vẫn ngập sâu trong nước, không thể sử dụng được, các hoạt động và bệnh nhân đã được dời lên những tầng trên. Tình trạng chung là thiếu nước sạch và điện.
Riêng bệnh viện Lệ Thủy, 50 cán bộ, y bác sĩ túc trực liên tục 5 ngày qua chưa có người thay thế. Mặc dù vậy, tất cả bệnh viện đều cố gắng điều kiện điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, đảm bảo không ai bị đói khát.
Bác sĩ Hồ Văn Tiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh, cho hay những ngày qua, có bốn bệnh nhân nặng phải chuyển tuyến. Các bác sĩ và cơ quan chức năng rất vất vả mới khiêng được bệnh nhân lên ca nô cứu hộ, vượt dòng nước xiết bơi ra đường quốc lộ rồi nhờ xe cứu hộ đặc chủng chuyển bệnh an toàn.
Thư Anh - Đào Giang Sơn
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI
Y tế 24h - 23/12/2024
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Y tế 24h - 28/11/2024
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Y tế 24h - 27/11/2024
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?