Mỗi ngày, 10 nghìn người chết vì thuốc lá
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, cứ mỗi 8 giây lại có một người chết do thuốc lá và đến năm 2030 số người tử vong do liên quan đến thuốc lá ước tính tăng 10 triệu người.
Những con số rùng mình
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm thế giới có khoảng 5 triệu trường hợp tử vong do các bệnh có liên quan đến thuốc lá, tức là thuốc lá “giết chết” xấp xỉ 10.000 người/ ngày, tương đương với 10 máy bay loại lớn chở khách bị tai nạn mỗi ngày hay nói cách khác cứ mỗi 8 giây lại có một người chết do thuốc lá... “Ước tính đến năm 2030, số người tử vong hàng năm do các bệnh liên quan với thuốc lá sẽ tăng lên 10 triệu người, nhiều hơn cả các trường hợp tử vong do nhiễm HIV, bệnh lao, TNGT, tự tử và giết người cộng lại”, WHO cho hay.
Trao đổi với Báo Giao thông, Ths. BS. Nguyễn Thị Minh Thu, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ y dược và trang thiết bị y tế, Cục Y tế GTVT cho biết, khói thuốc lá có chứa đến 7.000 chất khác nhau, trong đó có đến 69 chất gây ung thư. Ngoài ra, khói thuốc lá còn có các hoạt chất gây nghiện, gây độc tế bào, gây đột biến gen...
“Thuốc lá được sử dụng bằng cách đốt một đầu cho điếu thuốc cháy âm ỉ nhằm tạo khói khiến làn khói này bay vào miệng người hút thuốc từ đầu đối diện đối với người trực tiếp hút thuốc lá. Người hút thuốc lá bị động vô tình hít phải và tác động đến cơ thể còn nặng hơn nhiều lần so với người hút”, BS. Thu khuyến cáo.
Theo BS. Thu, nicotine là một hóa chất gây nghiện, đi thẳng lên não của người hút, tạo ra cảm giác sảng khoái, hưng phấn thần kinh, giảm stress. Tuy nhiên, lạm dụng chất này lâu dài sẽ tạo ra nhiều hiệu ứng xấu tới sức khỏe, bao gồm tim đập nhanh, tăng huyết áp, tê liệt vị giác và tâm trạng thẫn thờ. Cùng đó, hít phải khói thuốc lá tạo điều kiện cho hắc ín bám vào phổi và khí quản. Hắc ín trong thuốc lá có chứa hóa chất gây ung thư, chất này có khả năng kích thích sự phát triển của tế bào ung thư trong cơ thể.
Ngoài ra, khi chất CO kết hợp với huyết tố cầu trong máu, sẽ gây cản trở sự vận chuyển oxy đến tế bào. Hiện tượng này biểu hiện trên người hút thuốc lá khi họ thấy khó thở, mệt mỏi lâu dẫn đến bệnh tắc nghẽn mạn tính. Những chất phản ứng với oxy, chúng có thể hình thành cục máu đông trong mạch máu làm người hút thuốc lá tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
“Hút thuốc lá chính là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trên cơ thể con người. Thực tế, đối với 100 người hút thuốc lá có đến 80 thậm chí là 90 người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính”, BS. Thu cho biết.
Cần cai nghiện thuốc lá
Bác sĩ Vũ Văn Giáp, Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai cho biết, nghiện nicotine (có trong thuốc lá) là một bệnh lý cần được điều trị như nghiện rượu, ma túy, thuốc hướng thần khác. Khi cai thuốc lá, nhiều người gặp một số triệu chứng khó chịu của người “đói” thuốc như nhức đầu, trầm cảm, dễ nổi cáu, tức giận, bồn chồn, thèm thuốc, rối loạn tiêu hóa, khó tập trung tư tưởng, khó ngủ, tăng cân.
Tuy nhiên, các triệu chứng này chỉ kéo dài từ 1 - 3 tuần. “Không nên bỏ mặc cơ thể tự ứng phó với các hội chứng sau cai này bởi cai thuốc là cả một quá trình, cần sự nỗ lực, tự giác của người cai. Khi cai thuốc lá, phải chuẩn bị tư tưởng để đối phó với cơn thèm thuốc. Có thể mua sẵn một số thứ thay thế cho hút thuốc lá như kẹo cao su, trái cây, uống nhiều nước, thở sâu, làm một việc gì khác để trì hoãn cơn thèm thuốc”, BS. Giáp khuyến cáo.
Theo BS. Giáp, nhiều người phàn nàn sau khi bỏ thuốc lại thấy ốm yếu, mệt mỏi hơn như ho nhiều, tăng cân. Tuy nhiên, người cai ho nhiều không phải “thiếu thuốc gây ho” mà là phản ứng của cơ thể để đẩy các chất cặn do khói thuốc từ phế quản, phổi ra ngoài cơ thể. Các cơn ho sẽ chấm dứt sau 1-2 tuần cai thành công thuốc lá. Người cai có thể uống thêm thuốc long đờm, ngậm chanh để giảm bớt các cơn ho.
Còn việc tăng cân là do khói thuốc làm giảm vị giác, làm người nghiện chán ăn, mất ngủ. Khi bỏ thuốc thì thèm ăn trở lại nên dễ tăng cân. Vì thế, người cai nên kết hợp luyện tập thể dục, vừa tránh thời gian nhàn rỗi dễ nghĩ đến thuốc lá vừa khiến cơ thể khỏe mạnh, săn chắc, không tăng cân.
Hà Linh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI
Y tế 24h - 23/12/2024
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Y tế 24h - 28/11/2024
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Y tế 24h - 27/11/2024
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?