Ngộ độc thực phẩm ở trẻ: Cha mẹ cần lưu ý gì?
Nguy cơ mất an toàn bữa ăn tại trường học
Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra gần đây khiến cho nhiều người nghi ngại về những bữa ăn tập thể, tại trường học, thực phẩm tại các cửa hàng. Đặc biệt, các phụ huynh rất quan tâm đến bữa ăn bán trú của con tại trường học.
Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, mất an toàn thực phẩm có thể xảy ra ở nhiều khâu, từ nguyên liệu đến cách chế biến, điều kiện vệ sinh nơi chế biến, dụng cụ chế biến, vệ sinh và sức khỏe của người chế biến, vận chuyển, bảo quản… đã khiến cho suất ăn không bảo đảm các tiêu chuẩn cho học sinh. Tuy nhiên, có 3 nguyên nhân phổ biến khiến học sinh dễ bị ngộ độc khi ăn bán trú tại trường.
Một là thể trạng học sinh còn nhỏ, tiêu hóa kém, nếu không chú trọng đến việc sản xuất suất ăn phù hợp lứa tuổi mà nấu đại trà như người lớn thì rất dễ xảy ra tình trạng ngộ độc.
Hai là, nhiều đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp sử dụng thực phẩm đông lạnh như thịt gà, thịt lợn… với giá thành rẻ. Thời gian nhập hàng và bảo quản lâu là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, nhất là trong môi trường nhiệt độ thấp của kho lạnh càng dễ phát sinh vi khuẩn có hại.
Ba là, trong quá trình di chuyển thức ăn và nhiệt độ duy trì thực phẩm sau khi nấu chín. 60% đơn vị thực hiện di chuyển suất ăn bằng xe thùng, xe tải to mà chưa chú ý đến nhiệt độ bên ngoài trời, khiến thức ăn có mùi, nhiệt độ ấm từ 20-60% là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển.
"Mặc dù số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại trường học chỉ chiếm khoảng 3,7% tổng số vụ ngộ độc thực phẩm hằng năm, nhưng do đối tượng ngộ độc là trẻ em mầm non, tiểu học, sức đề kháng còn kém nên những vụ ngộ độc tập thể tại trường học thường sẽ có quy mô lớn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, thể trạng và tinh thần của các em học sinh cũng như các bậc phụ huynh", bác sĩ Sơn cho hay.
Nhóm vi sinh gây ngộ độc thực phẩm xảy ra thường xuyên
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn cho biết, các vụ ngộ độc tập thể được ghi nhận hầu hết do 3 nguyên nhân chính là vi sinh vật, hóa chất và các độc tố tự nhiên. Trong 3 nhóm nguyên nhân là ngộ độc thực phẩm, nhóm vi sinh gây ngộ độc thực phẩm xảy ra thường xuyên, tần suất nhiều và nhìn thấy nhiều nhất. Có những loại vi khuẩn hay gây ngộ độc thực phẩm như tụ cầu, E.coli, Salmonella.
Ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn Salmonella là tình trạng nhiễm trùng vi khuẩn này xảy ra chủ yếu cục bộ ở dạ dày ruột, nên còn có thể gọi là viêm dạ dày ruột do Salmonella.
Ban đầu vi khuẩn vào cơ thể qua đường ăn uống, gây nhiễm trùng ở dạ dày ruột là chính, thời gian ủ bệnh thường từ 6-72 giờ sau ăn thực phẩm bị nhiễm bẩn, bệnh nhân biểu hiện đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt và các biểu hiện mất nước, nhiễm trùng.
Nặng hơn, bệnh nhân có thể có biểu hiện sốt cao, nôn nhiều, tiêu chảy mất nước nhiều, đau bụng nhiều, mệt nhiều hoặc có các biểu hiện mà không phải do tiêu hóa, mất nước hay nhiễm trùng như tê bì, yếu cơ, liệt cơ, mờ mắt, đau đầu nhiều, lơ mơ, lẫn lộn, co giật, hôn mê, đau ngực, tiểu ít.
Tuy nhiên, có tới 8% các trường hợp vi khuẩn đi sâu vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp, suy đa tạng và dễ tử vong, đặc biệt khi vi khuẩn quá nhiều, cơ thể yếu…
Xử trí khi trẻ ngộ độc
Bác sĩ Sơn cho hay, dấu hiệu ngộ độc thực phẩm thường sẽ xuất hiện sau một vài giờ hoặc vài ngày kể từ khi trẻ ăn hoặc uống thực phẩm nhiễm độc.
Các triệu chứng này thường là: Về tiêu hóa: Đau bụng, nôn, buồn nôn, tiêu chảy; về hô hấp: Ho, thở nhanh, khó thở, da tím tái; về thần kinh: Có thể xuất hiện co giật, chi run, run cơ mặt, có thể liệt khi không được hỗ trợ điều trị kịp thời, rối loạn nhịp tim, hôn mê.
Người bệnh có dấu hiệu tăng tiết nhờn: Chảy nước dãi, đổ nhiều mồ hôi, có đờm nhớt, dịch tiêu hóa.
"Khi trẻ có các biểu hiện trên, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và hỗ trợ càng sớm càng tốt. Việc kéo dài có thể khiến trẻ rơi vào tình trạng mất nước, mất điện giải dẫn đến trụy tim mạch, sốc nhiễm khuẩn (khi nguyên nhân gây ngộ độc có liên quan đến vi khuẩn) và nhiều biến chứng nguy hiểm khác", Tiến sĩ Sơn nhấn mạnh.
Do đó, khi trẻ có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm, bố mẹ phải ngưng không cho trẻ ăn món ăn đó, nước uống hay sử dụng loại thuốc đó nữa, đồng thời, gọi cấp cứu để đưa trẻ đến bệnh viện nhanh chóng.
Trong khoảng thời gian đợi xe cấp cứu, nếu trẻ nôn ói, bố mẹ tuyệt đối không cho trẻ nôn khi nằm ngửa vì điều này có thể khiến chất nôn sặc lên mũi, xuống phổi, gây nguy hiểm tính mạng. Trường hợp trẻ nôn gấp, bị sặc lên mũi, bố mẹ nên dùng dụng cụ hút mũi để lấy chất nôn ra khỏi đường hô hấp của trẻ nhanh chóng. Sau khi nôn, trẻ nên súc miệng với nước lọc và nghỉ ngơi.
Cho trẻ nằm nghỉ ngơi và theo dõi tình trạng mất nước, từ đó, thực hiện phương pháp bù nước, uống dung dịch Oresol với liều lượng thích hợp nhằm cân bằng nước và điện giải.
Nếu trẻ sốt cao, hạ sốt cho trẻ bằng paracetamol 10-15 mg/kg/lần, mỗi lần cách nhau 4-6 giờ. Giữ lại toàn bộ thức ăn, phân, chất nôn và các loại thuốc đã dùng để hỗ trợ quá trình chẩn đoán, xét nghiệm.
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Y tế 24h - 15/11/2024
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Y tế 24h - 12/11/2024
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Y tế 24h - 14/10/2024
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Y tế 24h - 02/10/2024
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư