Người phụ nữ Quảng Ninh nguy kịch vì ong đốt
BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh vừa tiếp nhận cấp cứu một trường hợp bị sốc phản vệ nặng do bị ong đốt.
Bệnh nhân là bà Doãn Thị Thiện, 58 tuổi, ở Thanh Sơn, Uông Bí, Quảng Ninh. Theo gia đình, bà Thiện đang trồng cây tại vườn thì không may bị ong vò vẽ đốt nhưng không rõ số lượng là bao nhiêu con. Sau đó bà thấy tức ngực, khó thở, được chuyển đến bệnh viện cấp cứu.
Trên đường đến bệnh viện, bà Thiện nặng lên rất nhanh. Bệnh nhân nhập nhập viện trong tình trạng lơ mơ, gọi hỏi không biết, thở ngáp, da tái, mạch, huyết áp bằng 0, được chẩn đoán sốc phản vệ độ 4 do ong vò vẽ đốt. Tiên lượng rất nặng.
Ngay lập tức bệnh nhân được hồi sức chống sốc, đặt nội khí quản, thở máy, điều trị theo phác đồ chống sốc phản vệ.
BS Hoàng Thăng Vân, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực Nội cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch do bị co thắt đường thở dẫn đến suy hô hấp và trụy tim mạch, có thể tử vong bất cứ lúc nào.
Nhờ xử trí nhanh và hỗ trợ thở máy kịp thời nên tuần hoàn và hô hấp của người bệnh được kiểm soát tốt.
Sau hơn một ngày điều trị, sức khỏe người bệnh đã ổn định. Các chỉ số mạch, huyết áp trở lại bình thường và có thể xuất viện trong 1-2 ngày tới.
Theo BS Vân, những người bị ong đốt với số lượng nhiều sẽ tiềm ẩn các nguy cơ như: sốc phản vệ, tiêu cơ vân dẫn đến suy thận cấp, nhiễm trùng, nhiễm độc… nguy cơ tử vong cao.
Vì vậy nếu phát hiện người bị ong độc đốt như vò vẽ, bắp cày… người dân tuyệt đối không chủ quan, cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để chẩn đoán, điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.
Khi bị ong độc đốt, nốt đốt càng nhiều, càng gần vị trí đầu, cổ, ngực sẽ càng nhiễm độc nặng.
Nọc độc của ong có thành phần chính là protein, ngay khi đốt sẽ gây tổn thương tại vị trí đốt gây đau và hoại tử tại chỗ, sau đó xâm nhập vào máu gây vỡ hồng cầu, tổn thương cơ, suy thận, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu. Nếu bệnh nhân bị đốt nhiều nốt có thể bị tổn thương cơ tim, suy tim, chảy máy phổi, suy hô hấp...
Các phương pháp dân gian như chườm đá, bôi vôi, bôi hồ nước, kem đánh răng... chỉ có tác dụng làm dịu vết đốt nhưng không có giá trị sơ cứu do nọc độc vẫn còn nguyên.
Thúy Hạnh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI
Y tế 24h - 23/12/2024
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Y tế 24h - 28/11/2024
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Y tế 24h - 27/11/2024
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?