Nhiều bệnh nhân trầm cảm nhưng tưởng bị đau xương khớp

Theo Vietnamnet 08:45 06/10/2020 - Y tế 24h
Bị đau nhức xương khớp, nhiều người mất thời gian dài điều trị nhưng không khỏi. Chỉ đến khi bệnh nhân được chữa triệu chứng lo âu, trầm cảm, các cơn đau mới chấm dứt.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh gây hại đến sức khỏe của con người đứng thứ 2, chỉ sau bệnh tim mạch.

Một thống kê cho thấy có 6% dân số tại TP.HCM bị trầm cảm. Nếu trước đây, người bệnh đa phần nằm trong độ tuổi từ 60 tới 65 tuổi, hiện nay trầm cảm đang có xu hướng trẻ hóa.

Nữ bệnh nhân trẻ được bác sĩ Tạ Vương Khoa tư vấn khi mắc bệnh trầm cảm
Nữ bệnh nhân trẻ được bác sĩ Tạ Vương Khoa tư vấn khi mắc bệnh trầm cảm

Cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực về công việc, gia đình, học hành… khiến nhiều người trầm cảm. Tuy nhiên, nhiều người bệnh lại có biểu hiện đau nhức các cơ quan. Bởi vậy, cả bác sĩ lẫn bệnh nhân chỉ tập trung điều trị triệu chứng chứ không phải là nguyên nhân xuất phát từ vấn đề tâm lý.

Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị trầm cảm nhưng trước đó mất thời gian dài điều trị các bệnh lý về cơ xương khớp, dạ dày, Parkinson.

Anh L.A.T. (47 tuổi, ngụ quận Tân Bình) sau thời gian dài điều trị bệnh Parkinson với các triệu chứng chậm chạp, lờ đờ, hay quên… không khỏi, anh T. mới đến Bệnh viện Quân y 175 thăm khám.

Tại đây, anh T. cho biết, do công việc làm ăn thất bại, anh thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi…

Các bác sĩ đã bỏ thuốc điều trị Parkinson anh T. sử dụng trước đó mà chuyển sang nhóm thuốc chống trầm cảm. Sau 2 tháng điều trị, bệnh nhân đã giảm hẳn các triệu chứng, có thể vận động nhanh nhẹn hơn trước. Hiện anh T. tiếp tục duy trì thuốc và các liệu pháp tâm lý để giảm hẳn tình trạng bệnh.

Tương tự, chị N.T.N. (28 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cũng mất 3 năm điều trị triệu chứng đau lưng. Chị mua thuốc tại phòng khám tư, khám bệnh viện chuyên khoa về chấn thương chỉnh hình, tập vật lý trị liệu nhưng không thuyên giảm. Thậm chí, chị còn chích thuốc trực tiếp vào vùng đau để chữa trị nhưng cơn đau vẫn không chấm dứt.

Chỉ đến khi tới Bệnh viện Quân Y 175 để chữa trị rối loạn giấc ngủ, chị mới được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm. Bác sĩ nhận định chị N. thường xuyên gặp áp lực công việc nên lâu ngày dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm.

Sau đó, chị được bác sĩ cho dùng thuốc kết hợp các liệu pháp tâm lý. Qua 2 tuần điều trị, các triệu chứng đau lưng của chị giảm hẳn, bớt căng thẳng, mệt mỏi hơn trước. Hiện sau 6 tháng điều trị, chị N. đã phục hồi tốt.

 

“Sức khỏe là quan trọng nên tôi cũng dự định sắp tới tìm một công việc khác nhẹ nhàng hơn để tránh bệnh tái phát”, chị N. chia sẻ.

Bệnh trầm cảm ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể

Bác sĩ Tạ Vương Khoa, Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, cho biết, trầm cảm liên quan đến sinh lý học chức năng của não. Bộ não điều khiển, chi phối tất cả các cơ quan nên sự xáo trộn về não bộ khiến chức năng dẫn truyền thần kinh bị rối loạn sẽ biểu hiện ra bên ngoài bằng các triệu chứng đau đầu, mắt, tai mũi họng, tim, phổi, cơ xương khớp…

Theo bác sĩ Khoa, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những trường hợp sau thời gian dài điều trị các triệu chứng về cơ xương khớp nhưng không thuyên giảm. Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân được điều trị bằng các phương pháp chống trầm cảm thì sức khỏe tốt hơn. 

Trầm cảm có thể gặp ở nhiều lứa tuổi nhưng nhiều nhất là độ tuổi trung niên, trong đó phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới.

Bác sĩ Tạ Vương Khoa đang thăm khám cho một bệnh nhân mắc trầm cảm phải nhập viện điều trị
Bác sĩ Tạ Vương Khoa đang thăm khám cho một bệnh nhân mắc trầm cảm phải nhập viện điều trị

Tuy nhiên, cuộc sống ngày càng nhiều áp lực khiến bệnh có xu hướng trẻ hóa đặc biệt là tại các thành phố lớn. Tại bệnh viện, độ tuổi từ 20-30 đến khám về bệnh lý trầm cảm tương đối phổ biến.

Bác sĩ Khoa cho rằng, những đồng nghiệp dù không thuộc chuyên khoa về thần kinh cũng cần có kiến thức cơ bản để nhận diện và tư vấn cho người bệnh. Nếu sau thời gian dài điều trị các triệu chứng, bác sĩ cần cân nhắc kết hợp với chuyên khoa thần kinh để cùng chẩn đoán và điều trị tránh bỏ sót nhóm bệnh lý rối loạn lo âu, trầm cảm.

Bác sĩ Khoa cũng khuyến cáo, nếu có các triệu chứng bất thường về cơ xương khớp, dạ dày, bụng, ngực… đã khám và điều trị nhiều đợt tại các chuyên khoa liên quan không thấy đỡ, bệnh nhân hãy tìm đến các bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Mộc Khuê

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Y tế 24h - 15/11/2024

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Y tế 24h - 12/11/2024

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Y tế 24h - 31/10/2024

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Y tế 24h - 14/10/2024

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Y tế 24h - 02/10/2024

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới