Nhiều thế hệ trong gia đình mắc viêm gan B
Ngày 15/7, bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh (cơ sở Kim Chung), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết người bệnh được điều trị tại viện Nhiệt đới Trung ương, hiện đã khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi điều tra tiền sử bệnh tật, bác sĩ phát hiện các con, cháu của người phụ nữ đều mắc viêm gan B, trong đó hai trẻ bị u gan. Các thế hệ trước trong gia đình bệnh nhân này có tuổi thọ thấp, trung bình 40-45 tuổi, người thọ nhất là 65.
Trong quá trình thăm khám hàng ngày, bác sĩ Huyền thường xuyên phát hiện nhiều trường hợp cả gia đình cùng mắc viêm gan B; hoặc gia đình vừa mắc viêm gan, vừa có u gan. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân khác bị u gan khi mới 20-25 tuổi.
Bác sĩ Huyền nhận định viêm gan B đang là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng tại Việt Nam. Ước tính toàn quốc có 8 triệu người mắc viêm gan B, đường lây truyền chính là từ mẹ sang con. Phần đông người mắc bệnh viêm gan B sinh trước năm 1998, do thời điểm đó Việt Nam chưa áp dụng tiêm chủng vaccine cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh.
Tuy nhiên, bệnh viêm gan B chưa thực sự được người dân quan tâm phòng chống. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết trong khoảng 8 triệu người mắc, chỉ khoảng trên dưới 1/10 thực sự được chăm sóc y tế, còn lại vẫn cho rằng bệnh có thể điều trị không đúng cách hoặc tự dùng các thuốc do mách bảo nhau. Bởi vậy, việc kiểm soát tiến triển của bệnh kém hiệu quả. Đặc biệt là viêm gan B, diễn biến thầm lặng, một số bệnh nhân có thể chưa gây xơ gan song đã làm xuất hiện các khối u gan. Việc này làm gia tăng số bệnh nhân ung thư gan, chi phí chữa bệnh nhiều hơn, điều trị khó khăn hơn, gánh nặng bệnh tật trong nước nhiều thêm.
Nhân hưởng ứng ngày viêm gan thế giới 28/7, bác sĩ Cấp nhận định viêm gan cần được quản lý tốt hơn, hạn chế hậu quả của bệnh. Trong đó, việc triển khai tiêm phòng viêm gan B phải đảm bảo bao phủ được tất cả các trẻ sơ sinh. Những bà mẹ đã bị viêm gan B, C mạn cần phải được giám sát chặt giai đoạn mang thai để điều trị và kiểm soát đường lây truyền bệnh từ mẹ sang con hiệu quả.
Với các bệnh nhân đã bị mắc viêm gan mạn cần xây dựng mạng lưới kiểm soát quản lý người bệnh tương tự như quản lý các bệnh tiểu đường, tăng huyết áp để làm giảm nguy cơ tiến triển thành xơ gan và ung thư gan. Hiện nay, mạng lưới đó đang được nhóm bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới xây dựng, dựa vào lực lượng bác sĩ truyền nhiễm trên toàn quốc và phối hợp của các chuyên ngành khác.
Theo bác sĩ Huyền, viêm gan B tiến triển thầm lặng, có thể làm xuất hiện các khối u gan sớm. Dịch tễ viêm gan B của Việt Nam rất cao, đây cũng là căn nguyên hàng đầu gây ung thư, khiến cho tỷ lệ ung thư gan tại Việt Nam đứng thứ ba trên thế giới và thứ hai trong khu vực châu Á. Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe. Nếu chưa mắc bệnh, mọi người hãy tiêm vaccine ngừa viêm gan B và kiểm tra lượng kháng thể viêm gan B sau tiêm. Nếu đã mắc bệnh, mọi người cần khám định kỳ 6 tháng một lần, tuân thủ đơn điều trị bằng thuốc kháng virus, tầm soát ung thư gan thường xuyên.
Phụ nữ đang trong tuổi sinh nở, mang thai càng cần tiêm chủng, tầm soát, phòng chống viêm gan B. Nếu đã mắc bệnh, sản phụ sẽ được điều trị bằng thuốc kháng virus sau 24 tuần đầu, em bé sinh ra được tiêm huyết thanh và vaccine ngừa viêm gan B.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI
Y tế 24h - 23/12/2024
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Y tế 24h - 28/11/2024
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Y tế 24h - 27/11/2024
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?