Oxford bị chê 'khoác lác' về vaccine Covid-19

Theo VnExpress 10:25 09/06/2020 - Y tế 24h
ANH - Nhiều chuyên gia cho rằng Đại học Oxford đang "tô hồng" triển vọng phát triển vaccine, dù không đưa ra đủ yếu tố chứng minh độ hiệu quả của sản phẩm.

Cuộc đua phát triển vaccine ngừa Covid-19 đang đến giai đoạn nước rút dưới sự mong đợi của cộng đồng. Mỹ vừa chọn ra 5 "ứng viên" tiềm năng đến từ các đại gia dược phẩm. Trung Quốc cũng đổ tiền cho tham vọng dẫn đầu. 

Tuy nhiên, các chuyên gia y Đức và bác sĩ lo ngại nhiều hãng dược đang tỏ ra quá lạc quan, có phần tô hồng về triển vọng của vaccine. Một trong số đó là Đại học Oxford.

Phối hợp với hãng dược AstraZeneca, trường đại học của Anh điều chế vaccine bằng một loại virus bất hoạt, chứa trình tự di truyền các protein gai của nCoV, nhằm kích hoạt hệ miễn dịch bảo vệ người khỏe mạnh khỏi sự xâm nhập của mầm bệnh.

Các nhà khoa học tại Đại học Oxford trong quá trình điều chế vaccine Covid-19. Ảnh: Oxford Biomedia
Các nhà khoa học tại Đại học Oxford trong quá trình điều chế vaccine Covid-19. Ảnh: Oxford Biomedia

Trong nhiều tháng liền, đơn vị nhắc đến sản phẩm của mình như "ứng viên" hứa hẹn nhất, nhưng không đưa ra bất cứ bằng chứng xác đáng nào. 

Trong một lĩnh vực đầy rủi ro, hai nhà nghiên Đại học Oxford tuyên bố tỷ lệ thành công của vaccine lên đến 80%, cho rằng thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn sẽ kết thúc trong vòng 6 tuần, khoảng thời gian gần như không tưởng đối với các hãng dược khác. 

Một số chuyên gia cũng cáo buộc Oxford phóng đại kết quả thử nghiệm trên khỉ, để khiến sản phẩm của mình trông vượt trội hơn so với thực tế trong mắt công chúng. Đơn vị sau đó bác bỏ thông tin trên. 

Người đứng đầu một nhóm nghiên cứu ở đại học này thậm chí đi xa đến mức buông lời chê bai nỗ lực phát triển vaccine Covid-19 của các hãng dược khác trên thị trường, gọi công nghệ của họ là "kỳ quặc". Điều này hiếm khi xảy ra giữa các nhà khoa học. 

Tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, cố vấn lâu năm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), cho biết: "Một số người trong giới khoa học đã rất ngạc nhiên về bình luận đầy tính cạnh tranh của các đồng nghiệp tại Oxford. Nó không thường xuất hiện trong các tuyên bố công khai", ông nói. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện có 10 loại vaccine Covid-19 đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Bốn trong số đó thuộc về các hãng dược Mỹ, bao gồm Moderna, Pfizer, Inovio and Novavax. 5 loại khác đến từ Trung Quốc. Oxford là đơn vị duy nhất của châu Âu tham gia cuộc đua. 

Từ lâu, phát triển vaccine là chặng đường dài đầy rủi ro. Đôi khi, ngay cả những thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn nhất cũng kết thúc thất bại. Dù vậy đến nay, các các hãng dược cũng lần lượt công bố kết quả sơ bộ.

Ngày 18/5, Moderna thông báo thử nghiệm trên 8 tình nguyện viên cho thấy vaccine "nhìn chung an toàn và được dung nạp tốt". Tuy nhiên, các nhà khoa học của Oxford lên tiếng một cách thiếu thận trọng hơn. Tiến sĩ Sarah Gilbert, một trong những tác giả chính, cho biết khoảng 80% vaccine sẽ hoạt động. 

Vài tuần sau, đồng nghiệp của cô đặt nghi vấn về tuyên bố trên.

"Rõ ràng những người làm việc trong lĩnh vực này có xu hướng phấn khích với các triển vọng phát triển vaccine. Điều này tốt. Nhưng tôi không chắc về mức 80%, đây là con số khá lớn", tiến sĩ John Bell, chuyên gia tại chính Oxford, cho hay. 

Một tình nguyện viên tiêm thử vaccine ngày 4/5. Ảnh: AP
Một tình nguyện viên tiêm thử vaccine ngày 4/5. Ảnh: AP

Hôm 19/5, Adrian Hill, nhà khoa học khác đứng đầu dự án, khẳng định thử nghiệm giai đoạn ba dự kiến bắt đầu trước ngày 1/7 và có thể kết thúc vào cuối tháng, kéo dài từ 4 đến 6 tuần - khoảng thời gian ngắn không tưởng. 

Tiến sĩ Saad Omer, giám đốc y tế toàn cầu Đại học Yale, người từng tham gia điều chế vaccine bại liệt, ho gà và cúm mùa, nhận định: "Tôi chưa từng thấy bất cứ ai hoàn thành nghiên cứu giai đoạn ba trong một tháng đến 6 tuần. Cần phải đánh giá lại điều này dựa trên kinh nghiệm thực tế". 

Ông cho rằng nên cực kỳ cẩn trọng khi nói về việc mất bao lâu để có được vaccine Covid-19. 

"Tôi hiểu rằng chúng ta đang ở giữa đại dịch, và cho công chúng biết được tiến độ hiện tại cũng như đưa ra dự đoán là điều cần thiết. Nhưng đừng tỏ ra quá chắc chắn về bất cứ điều gì", tiến sĩ Omer nói. 

Theo ông, công nghệ điều chế Oxford đang sử dụng "vững chắc về mặt khoa học", tuy nhiên những vấn đề bất thường hoàn toàn có thể phát sinh trong quá trình thử nghiệm. 

Hiện nay, trở ngại lớn đối với bất cứ nghiên cứu nào là việc số ca nhiễm mới ở các nước đang giảm rõ rệt. Mức lây lan của virus thấp hơn, cản trở quá trình theo dõi và đánh giá độ hiệu quả sau khi tiêm chủng cho tình nguyện viên. 

"Chỉ vì mọi thứ đi đúng tiến độ không có nghĩa các bước tiếp theo sẽ tiếp tục trơn tru và không gặp bất cứ trục trặc nào. Quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn. Có trách nhiệm tức là không phóng đại mọi thứ so với thực tế và lịch sử phát triển vaccine", ông Omer nói.

Thục Linh (Theo CNN)

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI

Y tế 24h - 23/12/2024

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Y tế 24h - 28/11/2024

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Y tế 24h - 27/11/2024

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Y tế 24h - 25/11/2024

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Y tế 24h - 21/11/2024

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới