Sẵn sàng cho trạng thái bình thường mới
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ khi phát hiện người nhiễm Covid-19 đầu tiên (ngày 23-1), đến nay Việt Nam đã xác nhận tổng số 288 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, cả nước chỉ còn lại 20 người bệnh có kết quả xét nghiệm còn dương tính với SARS-CoV-2. Trong ba người bệnh nặng nhất thì một người đã được điều trị khỏi bệnh; một người đang có sự hồi phục ngoạn mục, sức khỏe tiến triển tốt dần lên nhờ những nỗ lực của các y, bác sĩ, và sự hỗ trợ, chia sẻ về chuyên môn của các chuyên gia trong tổ hội chẩn, điều trị người bệnh nặng; chỉ còn một trường hợp rất nặng, đang được tập trung phương tiện, trang thiết bị y tế, thuốc men và đội ngũ các bác sĩ giỏi nhất để cứu chữa. Như vậy, đến nay, Việt Nam đã kiểm soát và cơ bản đẩy lùi được dịch Covid-19, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân, an sinh xã hội, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Đáng chú ý, từ ngày 16-4 đến nay, đã qua 27 ngày không có thêm người nhiễm Covid-19 mới tại cộng đồng, một tín hiệu tích cực để Thủ tướng Chính phủ có những điều chỉnh các chính sách xã hội với trạng thái bình thường mới, đó là vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, TS Ki-Đông-Pắc đánh giá: Các biện pháp phòng, chống dịch của Việt Nam rất nhanh và hiệu quả, từ việc nắm bắt, chia sẻ thông tin minh bạch, kịp thời đến áp dụng ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch. Người đứng đầu WHO cũng cho biết sẽ phân tích, tổng hợp các bài học, kinh nghiệm phòng, chống dịch của Việt Nam để chia sẻ với cộng đồng quốc tế.
Mặc dù nguy cơ dịch Covid-19 trong cộng đồng đã ở mức rất thấp, nhưng các chuyên gia quốc tế đều cho rằng với tình hình dịch trên thế giới vẫn phức tạp, dự báo kéo dài nhiều tháng, thậm chí một đến hai năm nữa, trong khi vẫn chưa có thuốc đặc hiệu, hay vắc-xin dự phòng cho nên Việt Nam vẫn luôn ở trong tâm thế hết sức cảnh giác vì nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu.
Thứ trưởng Thường trực Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách quản lý chặt chẽ người nhập cảnh để ngăn chặn nguồn lây nhiễm xâm nhập từ bên ngoài; đồng thời tổ chức khoanh vùng, phát hiện sớm, cách ly, dập dịch từ bên trong. Các lực lượng phòng, chống dịch như y tế, quân đội, công an… không được nghỉ ngơi, luôn trong trạng thái sẵn sàng. Việc ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài hiện nay là: Không thực hiện nhập cảnh đối với khách du lịch; cách ly tập trung tất cả các trường hợp nhập cảnh, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.
Các hoạt động giám sát, phòng bệnh trong nước cũng sẽ được chú trọng nhằm phát hiện, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Hoạt động giám sát được triển khai đối với tất cả các nhóm nguy cơ như: người có triệu chứng cảm, cúm, ho, sốt tại cơ sở y tế; những nơi có đông người lao động; khu vực có nguy cơ dịch tễ… Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch Covid-19 trong cộng đồng và các cơ sở y tế, phát hiện sớm, lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức cách ly theo quy định, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch. Triển khai giám sát trọng điểm Covid-19 ở tất cả các khu vực trên toàn quốc. Thực hiện kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trong tình hình mới theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia. Kiện toàn, duy trì các đội đáp ứng nhanh để sẵn sàng điều tra, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch. Tiếp tục truyền thông, cung cấp thông tin, vận động cộng đồng thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Mặc dù nguy cơ lây nhiễm dịch trong cộng đồng giảm, nhưng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vẫn khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện biện pháp đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng, nơi công cộng, bên ngoài các trường học, các trụ sở, công sở. Các cơ quan, công sở, nhà máy, siêu thị, bệnh viện, chợ dân sinh, phương tiện giao thông công cộng, hàng quán... tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Người dân không nên chủ quan, cần tuân thủ các biện pháp giữ vệ sinh cá nhân, tránh tụ tập đông người để phòng bệnh.
Về việc công bố hết dịch Covid- 19, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ chưa công bố hết dịch trong thời điểm hiện nay. Mặc dù không ghi nhận thêm trường hợp lây nhiễm mới trong cộng đồng, nhưng vẫn ghi nhận các trường hợp nhập cảnh nhiễm SARS-CoV-2. Thêm vào đó, dịch bệnh vẫn tiếp tục xảy ra ở hầu hết các quốc gia trên thế giới cùng với việc mở thêm các chuyến bay đón công dân Việt Nam, đón các chuyên gia kỹ thuật cao nhập cảnh vào Việt Nam, cho nên khả năng ghi nhận thêm các ca bệnh nhập cảnh và như vậy vẫn còn nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng. Ngoài ra, việc công bố hết dịch có thể làm cho cộng đồng chủ quan, lơ là, không thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, đồng thời chính quyền khó huy động cho công tác giám sát và phòng, chống dịch.
TRUNG HIẾU
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Y tế 24h - 15/11/2024
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Y tế 24h - 12/11/2024
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Y tế 24h - 14/10/2024
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Y tế 24h - 02/10/2024
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư