Sản xuất, phân phối vaccine Covid-19 có thể mất vài năm
Cả thế giới đang trông chờ ngày vaccine Covid-19 an toàn, hiệu quả ra mắt. Tới nay, hơn 160 "ứng viên" đang được phát triển, khoảng 31 loại trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Vaccine Sputnik V của Nga mới được Bộ Y tế nước này cấp phép tuần trước.
Song, ngay cả khi Sputnik V và các vaccine khác được chứng minh an toàn và hiệu quả, việc phát triển mới chỉ là bước đầu. Thách thức lớn nhất đảm bảo tất cả công dân thế giới được tiêm phòng nCoV vẫn còn ở phía trước.
Trở ngại đầu tiên là sản xuất đủ số liều vaccine để bắt đầu các chương trình tiêm chủng. Ước tính năng lực sản xuất toàn cầu đạt 6,4 tỷ liều tiêm mỗi năm, tính theo đơn vị vaccine cúm đơn liều.
Trong khi đó, một vài ứng viên đang phát triển cần đến hai, hoặc ba mũi mới đạt hiệu quả. Nói cách khác, nếu vaccine Covid-19 đòi hỏi công nghệ sản xuất tương tự vaccine cúm đơn liều, sản lượng toàn cầu sẽ tụt giảm nghiêm trọng.
Theo ước tính, để đạt đủ mức miễn dịch cho dân số toàn cầu bằng cách tiêm vaccine hai mũi, cần ít nhất 12 tỷ đến 15 tỷ liều vaccine, gần gấp đôi tổng khả năng sản xuất của thế giới hiện nay.
Tuy nhiên, dồn toàn nguồn lực vào vaccine Covid-19 sẽ làm thiếu hụt các loại vaccine khác, trong đó có các mũi tiêm phòng quan trọng cho trẻ em như sởi, quai bị, rubella. Do đó, ưu tiên sản xuất vaccine Covid-19 có thể ảnh hưởng tới việc phòng ngừa, điều trị các bệnh lý khác.
Trước những hạn chế trong sản xuất, chính phủ các nước có xu hướng bí mật ký thỏa thuận đặt trước với các hãng dược. Vaccine được bán với các mức giá khác nhau dựa trên thứ tự ký kết và khả năng chi trả của từng chính phủ.
Những nước này sẽ giành quyền tiếp cận đầu tiên khi vaccine ra mắt, khiến các nước nghèo hơn không mua được, hoặc phải đợi nhiều năm. Điều này từng xảy ra ít nhất hai lần trong các đại dịch gần đây.
Năm 2007, Indonesia không thể mua vaccine cúm H5N1 dù là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do một vài quốc gia có tiềm lực tài chính hơn đã đặt mua trước. Indonesia sau đó đã tạm dừng chia sẻ các mẫu virus với WHO để trả đũa. Năm 2009, các nước giàu có mua gần như toàn bộ vaccine cúm H1N1, lấn át các nước kém phát triển.
Hầu hết các nhà lãnh đạo thế giới tuyên bố vaccine ngừa nCoV sẽ được phân phối một cách công bằng khi hoàn thiện. Chương trình tiếp cận vaccine Covid-19 toàn cầu (COVAX), do WHO đứng đầu, đặt mục tiêu phân phối hai tỷ liều tiêm vào cuối năm 2021, đảm bảo ngay cả các nước nghèo cũng được tiếp cận sản phẩm.
Một số quốc gia, đại diện 60% dân số thế giới, đã ký kết tham gia chương trình này. Tuy nhiên, vẫn còn 40% chưa đồng ý, và rất nhiều trường hợp các chính phủ tìm cách giành quyền ưu tiên tiếp cận vaccine.
"Chủ nghĩa dân tộc vaccine" sẽ tạo ra các vấn đề về nguồn cung toàn cầu.
Thách thức quan trọng thứ hai là khâu phân phối. Hầu hết các loại vaccine cần được bảo quản lạnh trong suốt quá trình vận chuyển, gặp trở ngại khi đến những vùng thường xuyên bị cắt điện.
WHO ước tính 50% lượng vaccine không được sử dụng mỗi năm, nguyên nhân chủ yếu do không đảm bảo kiểm soát nhiệt độ trong chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, việc luân chuyển hàng hóa cũng bị chậm lại trong bối cảnh đại dịch. Các hãng hàng không cần được phép mở cửa đường bay trước bất kỳ nỗ lực phân phối vaccine nào.
Ngoài các khâu vận chuyển vaccine ban đầu từ nhà sản xuất tới các nước, phân phối vaccine tới các địa phương, vùng sâu vùng xa đòi hỏi dịch vụ hậu cần phức tạp, điều mà nhiều quốc gia nghèo còn thiếu.
Nếu không đầu tư đáng kể để tăng cường chuỗi cung ứng quốc tế và quốc gia, sẽ mất vài năm để tất cả mọi người tiếp cận vaccine Covid-19, Adam Kamradt-Scott, phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc tế, Đại học Sydney, cho biết.
"Những nhóm được ưu tiên gồm y bác sĩ tuyến đầu, các đối tượng dễ mắc bệnh hiểm nghèo. Là một công dân bình thường, sức khỏe ổn định, chúng ta nên chuẩn bị tinh thần chờ đợi vài năm sau khi vaccine hoàn thiện", Scott nói. "Ngay cả khi các thỏa thuận thương mại nâng cao đã được ký kết, đảm bảo quyền tiếp cận ưu tiên an toàn, hiệu quả, nguồn cung ban đầu vẫn sẽ cực kỳ hạn chế".
Theo ông Scott, chỉ khi nào các nước đồng lòng hợp tác cùng nhau với quyết tâm cao nhất, việc tiêm chủng vaccine với tất cả mọi người mới có thể diễn ra sớm hơn.
Lê Hằng (Theo CNA)
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Y tế 24h - 15/11/2024
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Y tế 24h - 12/11/2024
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Y tế 24h - 14/10/2024
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Y tế 24h - 02/10/2024
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư