Ung thư tuyến giáp tại Việt Nam tăng đột biến
Tại lễ khai trương khu điều trị I131 tại BV K TƯ ngày 21/11, PGS.TS Ngô Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm xạ trị quốc gia, Phụ trách khoa y học hạt nhân của bệnh viện cho biết, thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị ung thư tuyến giáp tăng đột biến trong khi trước đây là bệnh hiếm gặp.
Hiện tại, ung thư tuyến giáp xếp thứ 9 trong các loại ung thư phổ biến nhất Việt Nam với hơn 5.400 ca mắc mới nhưng may mắn, đây là loại ung thư có tỉ lệ chữa khỏi cao, chỉ có khoảng 10% tử vong.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ thống kê, tìm nguyên do vì sao ung thư này lại tăng đột biến vì trên thế giới, đây không phải bệnh phổ biến”, PGS Tùng thông tin.
Tại Việt Nam, 80 – 90% ung thư tuyến giáp là ung thư thể biệt hoá. Với ung thư thể này, bác sĩ chỉ cần phẫu thuật, sau đó điều trị bằng i-ốt phóng xạ 131 để triệt hết tế bào ung thư, sau đó bệnh nhân theo dõi, khám sức khoẻ định kỳ và có thể sống tốt nhiều chục năm.
“Ung thư tuyến giáp được xem là ung thư nhẹ nhất, tiên lượng điều trị rất tốt. Có bệnh nhân di căn phổi vẫn điều trị khỏi, 5-6 năm sau mới tái phát lại”, PGS Tùng nói.
Trước đây, bệnh nhân ung thư tuyến giáp tại BV K muốn dùng phóng xạ I131 sau phẫu thuật sẽ phải gửi đến 5 đơn vị khác trên địa bàn Hà Nội, chủ yếu của quân đội để điều trị khiến quá trình theo dõi không liên tục, bệnh nhân đi lại tốn kém, đợi chờ.
Tại BV K, đưa vào sử dụng máy tách chiết chia liều phóng xạ, lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Ngoài I131, máy có thể tách chiết hơn 20 loại phóng xạ khác nhau.
Thay vì nhân viên y tế phải mặc áo bảo hộ đứng chia liều thủ công như trước đây, máy tách chiết này cho phép chia liều tự động với công suất 70 giây/liều, giúp nhân viên y tế tránh các sự cố bức xạ.
Bệnh nhân ung thư tuyến giáp khi điều trị I131 được BHYT chi trả toàn bộ.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh, hiện nay ung thư không còn lạ căn bệnh khủng khiếp như nhiều người lo sợ. Nếu phát hiện bệnh sớm, đa phần ung thư có thể chữa khỏi nhờ rất nhiều tiến bộ trong y học bao gồm phẫu thuật, hoá, xạ trị, nội khoa, i-ốt, liệu pháp miễn dịch.
Hiện Bộ Y tế đang giao các bệnh viện đầu ngành chuyển giao những kỹ thuật tiên tiến về ung thư cho các bệnh viện tuyến dưới.
Theo số thống kê 2018, Việt Nam có 165.000 ca mắc mới ung thư, trong đó có 115.000 ca tử vong. Hiện cả nước có 300.000 người đang sống chung với ung thư.
Thúy Hạnh
Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/ung-thu-tuyen-giap-tai-viet-nam-tang-dot-bien-590558.html
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Y tế 24h - 15/11/2024
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Y tế 24h - 12/11/2024
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Y tế 24h - 14/10/2024
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Y tế 24h - 02/10/2024
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư